"Không vì áp lực nhiều bài thi mà chấm ẩu"

Công tác thanh tra chấm thi năm 2005 của Bộ GD - ĐT sẽ được triển khai như thế nào để đảm bảo chính xác và công bằng? Có xảy ra hiện tượng chấm vội, chấm ẩu, chấm "vụ lợi", khi quy định hoàn thành chấm thi trước ngày 10/8?

Phó chánh Thanh tra Giáo dục (Bộ GD - ĐT) Trần Bá Giao có vài lời trao đổi về vấn đề này. Ông Giao cho biết:

 

Từ 20/7 đến 10/8, bốn đoàn thanh tra của Bộ GD - ĐT sẽ tiến hành kiểm tra công tác chấm thi của các trường ĐH và Học viện trên cả nước. Ngoài việc thanh tra quy trình chấm, Bộ sẽ chấm thi xác suất một số bài thi của một số trường bất kỳ để xác minh độ chính xác...

 

Đến giờ, Ban chỉ đạo tuyển sinh đã gửi biểu điểm và đáp án  tới tất cả các Hội đồng tuyển sinh. Một số trường đã triển khai thực hiện chấm thi theo hướng dẫn. Biểu điểm và thông tin về chỉ đạo tuyển sinh ĐH, CĐ là không có gì vướng mắc.

 

Thưa ông, trong quy trình thanh tra, khâu nào sẽ được chú trọng nhất để hạn chế tối đa mọi tiêu cực có thể phát sinh?

 

Trong chỉ đạo chấm thi của Bộ có yêu cầu các trường thực hiện nghiêm túc quy trình chấm thi theo hai vòng độc lập. Đây là yêu cầu được tập trung trong quá trình thanh tra để làm sao các Hội đồng chấm thi và triển khai theo đúng quy định.

 

Từ thực tế thanh tra tuyển sinh những năm trước, ông có thể nêu ra một vài sai sót trong quy trình quy trình chấm cần rút kinh nghiệm cho năm nay?

 

Việc vi phạm chấm hai vòng độc lập không phải là phổ biến. Cá biệt, đoàn thanh tra cũng nhắc nhở một vài Hội đồng trong quá trình tổ chức chấm chưa thực hiện đầy đủ quy trình. 

 

Quy trình chấm hai vòng độc lập vừa đảm bảo chấm chính xác vừa nâng cao trách nhiệm của các giáo viên trong quá trình chấm. Thực hiện đúng như vậy thì mỗi bài thi sẽ không để xảy ra những sai sót.

 

Ông có thể nêu ví dụ cụ thể đoàn thanh tra đã phát hiện và xử lý?

 

Về cơ bản, khâu chấm thi các năm trước không có vấn đề gì. Trong các năm vừa rồi, cũng chưa phát hiện đường dây tiêu cực, những vấn đề liên quan tới trách nhiệm của giám khảo có tính chất vi phạm có tổ chức.

 

Năm 2003, trong việc chấm bài thi ở trường ĐH Kinh tế Quốc dân có xảy ra hiện tượng đưa bài vào. 2 cán bộ chấm thi đã bị buộc thôi việc. Đây là cán bộ này của trường ĐH Sư phạm chấm thuê cho ĐH Kinh tế Quốc dân.

 

Cũng năm 2003 ở ĐH Đà Nẵng, phát hiện có tiêu cực trong việc chấm thi. Phương thức xử lý cũng là buộc thôi việc đối với cán bộ chấm thi. Cán bộ này đã đánh dấu bài của thí sinh...

 

Thời hạn cho các trường phải chấm thi xong trước ngày 10/8. Việc quy định "cứng" như vậy liệu có xảy ra tình trạnh chấm vội, chấm ẩu cho kịp thời gian?

 

Về vấn đề này, Bộ GD-ĐT đã có nhắc nhở các trường cần bố trí thời gian khoa học trong chấm thi. Và Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh của các trường đều phải chủ động trong việc sắp xếp thời gian cần thiết đối với số lượng bài thi cũng như phân bố người chấm.

 

Nếu như thời gian dài thì hợp đồng ít cán bộ chấm thi. Ngược lại, thời gian ngắn thì phải tăng số lượng bài chấm lên để đảm bảo làm sao không bị áp lực của số lượng mà chấm thi không chính xác.

 

Lâu nay, khâu thanh tra của Bộ được dư luận đánh giá chỉ là "cưỡi ngựa xem hoa" vì không đủ lực lượng để đi hết các Hội đồng. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

 

Cái này phải xác định, trách nhiệm đã được phân cấp cho các trường. Tức là, các Hội đồng tuyển sinh phải tự chịu trách nhiệm vì việc chấm bài thi là trách nhiệm của từng trường.

 

Như vậy, Bộ GD - ĐT chỉ làm nhiệm vụ đôn đốc, giám sát các trường thực hiện cho đúng quy chế.

 

Hơn nữa, mỗi trường không chỉ có lực lượng chấm thi mà còn có lực lượng giám sát, thanh tra của các trường tự tổ chức. Quá trình thanh tra của Bộ sẽ kết hợp cả kiểm tra xác suất. Đối với Hội đồng tuyển nào có những thông tin cần phải  kiểm tra thì cần kết hợp chỉ đạo để làm sao đảm bảo kiểm soát được tình hình.

 

Xin cảm ơn ông!

Theo Vietnamnet