Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân:

Không thể hạ chuẩn giáo viên ngoại ngữ

(Dân trí) - Nhiều vướng mắc và khó khăn đã được các đại biểu đến từ 63 tỉnh thành cả nước bày tỏ qua hội nghị trực tuyến triển khai đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 được Bộ GD-ĐT tổ chức vào sáng 19/10.

Tham dự hội nghị này ngoài lãnh đạo của Bộ GD-ĐT còn có sự góp mặt của các thành viên đến từ các Sở, UBND tỉnh các thành phố và đại diện của các trường ĐH tham gia việc đào tạo, nâng cao chất lượng giáo viên của đề án. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cũng đến dự và đưa ra ý kiến chỉ đạo.

Chồng chất khó khăn

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, mặc dù đề án ngoại ngữ được phê duyệt vào ngày 30/9/2008 nhưng đến tháng 6/2011 mới được cấp kinh phí hoạt động từ chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục, đào tạo. Bộ GD-ĐT đã huy động các nguồn vốn khác nhau để có thể tiến hành các công việc chuẩn bị thiết yếu cho đề án và đã chính thức triển khai chương trình thí điểm tiếng Anh tiểu học trong năm học 2010-2011.
 
Không thể hạ chuẩn giáo viên ngoại ngữ - 1

Quang cảnh Hội nghị tại đầu cầu Hà Nội.

Cũng theo Thứ trưởng Hiển, trong quá trình triển khai thì khó khăn trước mắt còn nhiều, nhất là khâu đào tạo và bồi dưỡng được đội ngũ giáo viên đạt chuẩn nhưng Đề án đã nhận được sự đồng lòng, nhất chí của các Sở GD-ĐT, các trường sư phạm và khoa ngoại ngữ, của đội ngũ giáo viên Tiếng Anh trong cả nước nhiệt tình với nghề với trò, “không sợ khó chỉ sợ không có cơ hội”.

Tại hội nghị, lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM, đơn vị đã có 11 năm dạy chương trình Tiếng Anh tăng cường với thời lượng 6-8 tiết/tuần chia sẻ: “Điều quan trọng nhất hiện nay là chất lượng dạy học ngoại ngữ đại trà chưa cao do mục tiêu dạy và học ngoại ngữ đặt ra chưa rõ ràng, đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ còn nhiều hạn chế và đặc biệt phương pháp dạy và học ngoại ngữ còn rất lạc hậu (học ngoại ngữ để đi thi) dẫn đến trình độ sử dụng ngoại ngữ của HS còn rất thấp”.

Đồng với quan điểm này, ông Lương Văn Cầu, phó giám đốc Sở GD-ĐT Hải Dương, đánh giá thêm: “Hiện nay còn nhiều học sinh chưa say mê và có ý thức học tập tích cực môn Ngoại ngữ. Do đó, nhiều học sinh mặc dù đã được học tiếng Anh ở trường nhiều năm nhưng vẫn không nắm được vốn kiến thức ngôn ngữ cơ bản và hầu như không sử dụng được tiếng Anh trong những tình huống giao tiếp thông thường. Nhiều học sinh nhất là ở cấp THPT chưa nhận thức được vai trò của ngoại ngữ trong học tập và công việc sau này, phần lớn có tâm lý học để qua được các kì thi, chưa chú ý học, luyện tập để phát triển khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ”.

Cùng chia sẻ khó khăn trong vấn đề triển khai đề án, lãnh đạo Sở GD-ĐT Đà Nẵng kiến nghị: “Bộ GD-ĐT và các bộ ngành liên quan cần có văn bản hướng dẫn công tác tuyển dung, định mức biên chế giáo viên tiểu học để đảm bảo đủ số lượng và trình độ giáo viên tiếng Anh tiểu học khi tiến hành triển khai dạy đại trà trong những năm tới”.

Liên quan đến chất lượng đào tạo chuẩn hóa đội ngũ, giáo viên đại diện Trường ĐH Hà Nội góp ý: “Cần phải có chính sách hỗ trợ đội ngũ giáo viên giảng dạy chuyên ngành ngoại ngữ bởi do đặc thù công việc, việc soạn bài, giảng dạy của nhóm giáo viên này thường mất nhiều thời gian, công sức trong khi thù lao theo giờ giảng dạy không cao do học phí không thể tăng hơn mức quy định. Một trong những giải pháp mà Bộ GD-ĐT có thể tính tới đó tạo ra các học bổng đào tạo nâng cao trình độ tại nước ngoài đi kèm với cam kết làm việc cống hiến cho trường nhưng cơ bản và bền vững nhất vẫn là tăng thù lao giờ dạy thông qua chính sách học phí linh hoạt hơn”.

Ngoài vấn đề hỗ trợ chính sách cho giáo viên, ông Trần Minh Cả - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam hiến kế thêm: “Chúng ta cần phải tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển hệ thống giáo viên tình nguyện nước ngoài. Thực tế ở Quảng Nam cho thấy, nếu các em được tiếp cận giao tiếp với người nước ngoài thì trình độ tiếng Anh được cải thiện rõ rệt. Ngày cả những lớp có những thầy cô xuất sắc giảng dạy nhưng hiệu quả chưa chắc đã bằng”.

Phải quyết tâm làm!

Sau gần 3 giờ đồng hồ nghe tham luận và đóng góp ý kiến của các đại biểu tham dự, Phó Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: “Vấn đề đặt ra đối với đề án này đó là chúng ta dần chuyển ngoại ngữ từ một môn học trở thành một công cụ để sống, làm việc và hội nhập quốc tế. Chỉ khi chúng ta thay đổi được trạng thái tâm lý này thì kết quả mới có kết quả tốt được”.
 
Không thể hạ chuẩn giáo viên ngoại ngữ - 2

"Chúng ta có năng lực tốt về ngoại ngữ nhưng phương pháp dạy và học chưa hợp lý" - Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân.

Cũng theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, người Việt Nam có năng lực tốt về ngoại ngữ nhưng phương pháp và cách dạy học của chúng ta chưa hợp lý. Do đó đề án cần phải quan tâm đến điều này. Đồng thời chúng ta thực hiện đề án trong thời cơ mới, thầy cô giáo giỏi có thể không bao giờ đủ cả nhưng với phương tiện như bây giờ có thể tiếp cận để học ngoại ngữ bất cứ lúc nào và cũng có thể tự kiểm tra đánh giá được.

“Chưa bao giờ học ngoại ngữ rẻ như vậy”- Phó Thủ tưởng nói.

Liên quan đến việc nên dạy ngoại ngữ gì, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phân tích, chúng ta cần phải học các thứ tiếng của các quốc gia có nền kinh tế mạnh nhất thế giới để còn có thể học hỏi và giao lưu. Theo thống kê thì hiện nay có 14 nước có nền kinh thế mạnh nhất thế giới thì có đến 5 nước sử dụng tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ. 5 nước này chiếm tỷ trọng 33% nền kinh tế toàn cầu và dân số chiếm khoảng 24% toàn cầu. Như vậy trước mắt trong vòng 10 năm tới, chúng ta phải tập trung cao độ trong việc học tiếng Anh.

Liên quan đến việc có ý kiến cho rằng, trong quá trình triển khai đề án thì khi đối chiếu với trình độ hiện nay của giáo viên cũng như năng lực HS, SV về năng lực ngoại ngữ còn chưa đáp ứng được thì có nên hạ yêu cầu của đề án xuống hay không, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: “Chúng ta học ngoại ngữ để tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế cũng như học tập thế giới. Điều kiện tham gia như thế nào là do môi trường quyết định. Chính vì thế chúng ta không thể hạ chuẩn được”.

Kết thúc hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Bộ GD-ĐT cần phải trình bày kế hoạch chi tiết sau đó báo cáo cho Chính phủ, Quốc hội và Ban Bí thư và gửi cho các Bộ ngành liên quan, UBND các tỉnh thành phố… để cùng phối hợp thực hiện đề án tốt hơn.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu từ nay đến cuối năm 2011 Bộ GD-ĐT cần phải ra được hướng dẫn tuyển dụng biên chế giáo viên tiếng Anh, nghiên cứu để cấp chứng chỉ tạm thời cho các giáo viên đạt yêu cầu. Ngoài ra tiếp tục đẩy mạnh việc giao nhiệm vụ cho cho các trường, các khoa đào tạo Ngoại ngữ. Các trường này giữ vai trò là máy cái đào tạo lại giáo viên để nâng chuẩn lên đạt yêu cầu; hoàn thành từng bước hệ thống ngân hàng các câu hỏi thi…
 

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến triển khai đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 diễn ra sáng 19/10, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhìn nhận việc bồi dưỡng đội ngũ giáo viên để thực hiện đề án ngoại ngữ vô cùng quan trọng. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị: “Bộ GD-ĐT đẩy mạnh giao nhiệm vụ cho các trường, các khoa ngoại ngữ giữ vai trò đào tạo lại, đào tạo mới GV ngoại ngữ. Cho đến nay đã giao cho 8 trường gồm 7 trường CĐ, ĐH và trung tâm SEMEO TPHCM đào tạo nhưng sắp tới nên chọn tiếp các trường ĐH có khoa ngoại ngữ khá tham gia đào tạo giáo viên cho trường mình và các địa phương”.

Lê Phương

Nguyễn Hùng