Không phải là “mời” tất cả giáo viên ra khỏi biên chế!

(Dân trí)- Khi dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục công bố, nhiều giáo viên lo lắng về giải pháp “thực hiện chế độ hợp đồng thay cho biên chế trong tuyển dụng giáo viên”. Ông Nguyễn Hữu Châu, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chương trình giáo dục đã giải thích về vấn đề này.

Ông Châu cho biết, dự thảo Chiến lược đã nêu rất rõ: "Để tạo sự cạnh tranh lành mạnh và ý thức phấn đấu trong đội ngũ nhà giáo, nhanh chóng tiến tới thực hiện chế độ hợp đồng thay cho biên chế trong quá trình tuyển dụng và sử dụng các giáo viên, giảng viên và các viên chức khác, năm 2009 bắt đầu thí điểm ở một số trường phổ thông và trường đại học, tới năm 2010 có 100% số giáo viên, giảng viên mới được tuyển dụng làm việc theo chế độ hợp đồng thay cho biên chế".

Theo ông Châu, đây là một trong những giải pháp nhằm tạo ra cạnh tranh mang tính lành mạnh, tạo sự kích thích, là động lực của sự phấn đấu. Không riêng gì ngành giáo dục, mà ở nhiều ngành khác, nếu giữ biên chế, người lao động sẽ không phấn bởi tư tưởng "yên vị", đã biên chế rồi cứ thế hưởng lương. Việc thực hiện ở nước ta cũng giống nhiều nước trên thế giới, bỏ biên chế, thay bằng hợp đồng. Đương nhiên, khi người giáo viên khi dạy tốt sẽ được tiếp tục ký hợp đồng.

Tuy nhiên, chiến lược này không có nghĩa là mọi giáo viên sẽ ra khỏi biên chế. Bắt đầu từ năm 2010 trở đi, mọi giáo viên, giảng viên được tuyển dụng đều là ở diện hợp đồng. Chiến lược này có nhằm tạo ra ý thức phấn đấu trong mỗi một cá nhân nhà giáo. Sự cạnh tranh đó mang tính chất rất lành mạnh và nó kích thích sự phấn đấu. Một trong những giải pháp để nâng cao tính cạnh tranh đó là tạo sự phấn đấu cho người dạy.

Kế hoạch triển khai cụ thể như thế nào thưa ông?

Vụ tổ chức cán bộ, Bộ GD-ĐT sẽ lập kế hoạch cụ thể để thực hiện. Tuy nhiên, lộ trình chung nhất vẫn là thực hiện thí điểm vào năm 2009 ở một số trường phổ thông và đại học để và năm 2010 trở đi sẽ bắt đầu thực hiện chính thức.

Ngành giáo dục có đặc thù lao động đông, trước đây khủng hoảng thiếu giáo viên nên đã phải có những giải pháp để thu hút nhân lực. Vậy với chính sách này liệu nó có làm giảm việc thu hút lao động của ngành không, thưa ông?

Hiện nay, giáo viên của chúng ta ở cấp tiểu học là không còn thiếu, thậm chí là thừa. Chúng ta vẫn đang thiếu giáo viên nhưng là thiếu ở những môn học đặc thù nhất là Giáo dục công dân, Ngoại ngữ, Tin học, Giáo dục thể chất… nhưng chủ trương tiến tới thực hiện hợp đồng với giáo viên thì đây là một cơ hội để có thể tiếp tục mời và ký hợp đồng với những lực lượng ngoài nhà trường tham gia giảng dạy. Theo tôi, đây là một cơ hội để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo.

Như vậy, trong một cơ sở giáo dục sẽ có hai đối tượng, biên chế và hợp đồng liệu có sự cạnh tranh không lành mạnh?

Chúng ta phải chấp nhận sự cạnh tranh giữa hai loại hình giáo viên, ngành sẽ có giải pháp hỗ trợ để tạo sự động viên, khuyến khích giáo viên biên chế làm việc hơn nữa, cống hiến nhiều hơn. Một trong những giải pháp tích cực là chế độ trả lương của hiệu trưởng cho từng giáo viên một.

Tuy nhiên, vấn đề là cơ chế đánh giá của chúng ta đưa ra sẽ đánh giá được thực chất năng lực của từng người, chẳng hạn như việc sinh viên đánh giá giảng viên, giảng viên đánh giá hiệu trưởng và hiệu trưởng sẽ quyết định mức lương cho từng giáo viên.

Theo chỉ đạo của Bộ trưởng, năm 2009 sẽ thực hiện thí điểm hiệu trưởng trả lương ở một số Đại học. Ở các nước, hiệu trưởng có quyền trả các mức lương khác nhau cho giáo viên. Thậm chí có những người hưởng mức lương gấp 10 lần người khác, tương đương với trình độ của mỗi người. Đương nhiên sẽ có cả bộ máy, một hội đồng giúp người hiệu trưởng xây dựng được quy định về thang, bảng lương khách quan, khoa học. Điều này cũng đỏi hỏi ở người lãnh đạo sự can đảm, bản lĩnh và công bằng.

Xin cảm ơn ông!

Hồng Hạnh (ghi)