Không nhận VNeID để thi đánh giá năng lực, Đại học Quốc gia có cứng nhắc?

Huyên Nguyễn

(Dân trí) - Một thí sinh đã không được dự thi đánh giá năng lực đợt 2 năm 2024 do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức vì bị mất căn cước công dân. Hội đồng thi không chấp nhận cho thí sinh sử dụng thông tin qua VNeID.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, em M.K. (SN 2006, quận Bình Tân, TPHCM) buồn bã cho hay vì bị mất thẻ Căn cước công dân (CCCD) nên em không được dự thi đánh giá năng lực đợt 2 năm 2024 do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức sáng 2/6. 

M.K. kể chi tiết, trước kỳ thi, em bị mất CCCD và đã đến Đội Cảnh sát Quản lý Hành chính về Trật tự xã hội Công an quận Bình Tân để làm lại vào ngày 7/5. Thời gian hẹn trả CCCD làm lại vào ngày 11/6. Trong khi, ngày 2/6, K. sẽ dự thi kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức. 

M.K. được nhiều người tư vấn sử dụng xác nhận thông tin cá nhân qua VNeID (ứng dụng định danh điện tử)… do Bộ Công an phát triển bởi theo quy định tài khoản VNeID đã được định danh cấp độ 2 được thực hiện các giao dịch thay CCCD.

"Em tin tưởng rằng đã có tài khoản VNeID cấp độ 2 là sẽ được dự thi. Nhưng sáng nay khi em trình bày với cụm thi và không được chấp nhận. Vậy là em mất một cơ hội tranh suất vào đại học sớm.

Em rất buồn vì mình đã cố gắng ôn thi thật tốt, đặt nhiều kỳ vọng vào đợt thi này. Em băn khoăn, không biết quy định của Đại học Quốc gia có quá cứng nhắc?", M.K. cho hay. 

Không nhận VNeID để thi đánh giá năng lực, Đại học Quốc gia có cứng nhắc? - 1

Thí sinh T.M.K. cho biết đã cung cấp ứng dụng VNeID cấp độ 2 nhưng không được chấp thuận để thay thế cho CCCD vào dự thi đánh giá năng lực (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Trả lời về vấn đề này, TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo, Đại học Quốc gia TPHCM, cho biết cụm thi đánh giá năng lực tại Cơ sở II, Trường Đại học Ngoại thương tại TPHCM đã thực hiện theo đúng quy chế thi. Thí sinh phải có bản chính CCCD/Chứng minh nhân dân/Hộ chiếu mới đủ điều kiện dự thi.

Về thắc mắc quy định này có quá cứng nhắc không khi pháp luật cho phép ứng dụng VNeID có thực hiện các giao dịch thay CCCD, TS Nguyễn Quốc Chính trả lời: "Kỳ thi đánh giá năng lực được tổ chức trên diện rộng, cần tuân thủ nghiêm các quy định. Việc xác minh các giấy tờ không phải là chuyên môn của cán bộ coi thi.

Do đó, việc quy định chỉ dùng bản chính CCCD/Chứng minh nhân dân/Hộ chiếu là phù hợp. Các giấy tờ này được kiểm tra trong suốt quá trình thi để đảm bảo phòng chống việc thi hộ, thi kèm do đó không thể sử dụng VNeID trên điện thoại".

Trước tình huống này, lãnh đạo một trường đại học tại TPHCM cho rằng đây là tình huống đáng tiếc đặt ra tính pháp lý và cách xử lý phù hợp để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, nhưng cũng không ảnh hưởng tới tính minh bạch của kỳ thi. 

Vị này cho hay, trước hết, về phía thí sinh, khi bị mất CCCD cần sớm liên hệ với Hội đồng thi để được hướng dẫn sớm, tránh tình trạng "nước đến chân mới nhảy".

Người này dẫn quy định tại kỳ thi tốt nghiệp THPT, nếu thí sinh mất CCCD vẫn có thể sử dụng các giấy tờ xác nhận nhân thân khác từ phía địa phương, nhà trường để đảm bảo đủ điều kiện dự thi. 

Về phía đơn vị tổ chức thi, người này cho rằng cần xem xét lại các quy định bởi thực tế vẫn có những hướng giải quyết khác. Ông nêu rằng, nếu được quyết định, ông sẽ xử lý bằng cách nhờ cán bộ công an (điểm thi nào cũng có) xác minh giúp tính pháp lý của ứng dụng VNeID với thí sinh này. 

Sau đó, Hội đồng thi/Cụm thi sẽ in một giấy báo dự thi, kèm bản photo ứng dụng VNeID, đóng dấu xác nhận của Cụm thi để thí sinh mang vào phòng thi. Như vậy, giám thị vẫn kiểm soát được xem có đúng thí sinh này đang ngồi vị trí nào và thực hiện nghiêm quy định phòng thi hay không.

"Về lâu dài, trường hợp này đặt ra một vấn đề cần có hướng dẫn đầy đủ cách xử lý, quy trình rõ ràng, minh bạch từ các cấp có thẩm quyền, nhất là Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới để tránh những trường hợp đáng tiếc.

Song, dù thế nào, tôi vẫn ưu tiên hướng xử lý đảm bảo quyền lợi cho thí sinh là trên hết", vị này cho hay. 

Ứng dụng VNeID có thực hiện các giao dịch thay CCCD

Nghị định số 59/2022/NĐ-CP (Số: 59/2022/NĐ-CP, ngày 05/9/2022) của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử đã chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 20/10/2022.

Khoản 12, Điều 3 Nghị định 59/2022/NĐ-CP nêu rõ tài khoản VNeID sử dụng số định danh cá nhân (số căn CCCD gắn chip) và số điện thoại của người dân để đăng nhập. Khi sử dụng VNeID, người dân có thể đăng ký tài khoản định danh điện tử ở 2 mức.

Trong đó, tài khoản mức 1 có giá trị chứng minh thông tin trong các hoạt động, giao dịch có yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân. Mức 2 có giá trị tương đương với sử dụng CCCD trong các giao dịch có yêu cầu xuất trình CCCD.

Ngoài ra, tài khoản mức 2 cung cấp thông tin có trong các loại giấy tờ đã được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử như giấy phép lái xe, thẻ bảo hiểm y tế… để đối chiếu khi phải xuất trình giấy tờ đó.

Thông tin hiển thị trên VNeID gồm: Số CCCD; họ và tên; ngày sinh; giới tính; quốc tịch; quê quán; nơi thường trú; căn cước công dân có giá trị đến; đặc điểm nhận dạng; ngày cấp, số điện thoại.

Từ thời điểm trên, người dân có thể xuất trình thông tin định danh điện tử qua ứng dụng VNeID để chứng minh nhân thân, giao dịch các thủ tục hành chính thay căn cước công dân gắn chip.