“Không nên “ném đá” đứa trẻ 11 tuổi”
Việc tuổi thơ của bé Đỗ Nhật Nam có bị đánh mất hay không thì chỉ có cậu biết. Người ta "ném đá" mà quên rằng cậu mới 11 tuổi. Người lớn còn dễ bị tổn thương huống hồ gì là một cậu bé.
Sau khi một đoạn clip xuất hiện trên các trang mạng về việc bé Đỗ Nhật Nam cho rằng “truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn”, cùng với sự tự tin của bé, nhiều ý kiến cho rằng Nhật Nam tự kiêu, chảnh... và không có tuổi thơ. Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (ảnh) (giảng viên khoa Tâm lý, ĐH Sư phạm TPHCM) cho rằng, cần phải có cái nhìn toàn diện hơn về bé Nhật Nam, không nên "ném đá" một đứa bé 11 tuổi.
Thầy đánh giá thế nào về đoạn clip bé Nhật Nam trả lời báo chí?
Sự việc nào cũng có hai mặt, nếu nhìn thấy cái chưa được thì cũng cần nhìn thấy cái được của vấn đề để phản ánh toàn diện. Phần trả lời của Nam cái được nhiều hơn hẳn, chỉ có chút xíu về mặt phong cách cần điều chỉnh: chẳng hạn cách nói và giọng nói cần giữ sự tự tin nhưng nên nhẹ lại một chút, đầu không nên ngước cao khi trò chuyện (mặc dù đôi lúc em phải ngước cao mới nhìn thấy người đối diện, vì em còn nhỏ mà). Một số câu nói cần lý giải rõ ràng để không bị người đọc hiểu phiến diện.
Bé Đỗ Nhật Nam trong đoạn clip trả lời phỏng vấn.
Còn về câu nói của Nhật Nam “truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn”?
Quan điểm “truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn” là quan điểm của mẹ cậu, muốn rõ hàm ý của câu này thì ta nên hỏi bác ấy. Ngoài ra, người ta cố tình quên đi cụm từ “đọc truyện tranh thì đôi lúc cũng có tác dụng” mà cậu đã nói. Cậu cũng thừa nhận nó có tác dụng tốt, và cũng thừa nhận tác dụng chưa tốt. Biết đâu hàm ý của cậu là nói về việc nghiện truyện tranh, hoặc những bộ truyện tranh ít lành mạnh đang tràn lan là con sâu đục khoét tâm hồn thật sự?.
Phải đặt mình vào vị trí của cậu và mẹ cậu, xỏ chân vào giày họ để hiểu hàm ý của họ, ý tốt của họ. Nếu không, chúng ta là người nhận định phiến diện chứ không phải là cậu bé và mẹ cậu.
Thầy nghĩ sao khi nhiều cư dân mạng "ném đá" cho rằng bé Nhật Nam tự kiêu, chảnh và "ông cụ non", đánh mất tuổi thơ..?
Phong cách của bé hơi tự tin so với chuẩn mực thường thấy của trẻ em phương Đông. Tuy nhiên, điều đó không đáng để bị "ném đá" dữ dội trên các mạng xã hội.
Thật ra sự việc đang bị nghiêm trọng hóa. Với những gì Nam đã làm được, cậu có quyền tự hào. Những thành tích cậu kể là thành tích thật, nhiều người lớn chúng ta còn chưa làm được những điều cậu đã làm từ lúc 5 - 6 tuổi. Đó là sự thật, ta nên tôn trọng. Cậu kể ra một phần để làm minh chứng cho quyển sách mới ra mắt về phương pháp học tiếng Anh của mình nữa mà.
Việc tuổi thơ cậu có bị đánh mất hay không thì chỉ có cậu biết. Biết đâu học tiếng Anh là niềm vui tuổi thơ của cậu (cậu cũng nói học tiếng Anh là đam mê)?. Biết đâu dịch sách và viết sách là thú vị tuổi thơ của cậu?. Biết đâu làm diễn giả và MC cho một số chương trình truyền hình là trải nghiệm ấn tượng của cậu?. Mỗi người có một niềm vui tuổi thơ khác nhau, giống như người thì thích hoa hồng nhưng người khác lại thích hoa sen, người thì thích hoa phượng. Đâu nhất thiết phải thả diều, bắt dế, đọc truyện tranh thì mới gọi là có tuổi thơ.
Người ta "ném đá" mà quên rằng cậu mới 11 tuổi. Người lớn còn dễ bị tổn thương huống hồ gì là một cậu bé.
Tôi lo sợ rằng sau chuyện này, em ấy sẽ trở nên e dè khi tiếp xúc với công chúng. Biết đâu chúng ta đang giết chết sự tự tin của cậu ấy - cái đã giúp cậu ấy làm được rất nhiều việc phi thường.
Thầy có cho rằng bố mẹ Nhật Nam đã dạy em ấy đúng cách?
Tôi chưa biết rõ cách dạy của bố mẹ Nhật Nam nên chưa thể nhận định được. Còn câu nói “truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn” thì phải đặt vào hoàn cảnh lúc nói của hai mẹ con thì mới biết được dụng ý của nó.
Cảm ơn thầy!
Theo Pháp luật Việt Nam