“Không khó hiểu khi chất lượng đào tạo giảm sút”

(Dân trí) - Các đề án thành lập trường “ít bị từ chối”, suất đầu tư cho sinh viên giảm hơn một nửa, chất lượng đầu vào thấp... là những vấn đề được ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục và Thanh thiếu niên, Nhi đồng nêu ra khi nói về đào tạo ĐH.

Thảo luận về Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học, nhiều  ý kiến tại Thường vụ  Quốc hội cho rằng, việc thẩm  định, cho phép thành lập trường đại học, cao đẳng của các Bộ, ngành thời gian qua quá  dễ dãi. Là chủ nhiệm của UB thực hiện báo cáo giám sát, ông có ý kiến gì?

Điều đó đúng và trong báo cáo giám sát cũng đánh giá như vậy. Phải nói rằng, chúng ta có quy hoạch nhưng quy hoạch chỉ mang tính định hướng, chưa cụ thể, bởi vậy có phong trào, địa phương nào, bộ ngành nào cũng đăng ký thành lập trường.

Với những lý do này, lý do khác được đưa ra, tôi thấy rất  ít đề án thành lập trường bị từ chối. Chúng ta đã làm cho địa phương nào, Bộ ngành nào cũng có trường đại học, cao đẳng.

Nhìn trên tổng thể, chúng ta tăng các trường, tăng quy mô đào tạo, nhưng những điều kiện khác đi kèm lại không theo kịp đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đào tạo trong những năm gần đây?

Đội ngũ giảng viên có chất lượng của các trường thiếu là vấn đề đã được đề cập rất nhiều thời gian qua. Còn về cơ sở vật chất, cái “vỏ” nhà trường đã được cải thiện, nhưng cái “ruột” bên trong, tức trang thiết bị để làm phòng thí nghiệm hầu như vẫn chưa có, sinh viên học chay rất nhiều.
 
“Không khó hiểu khi chất lượng đào tạo giảm sút” - 1

Điều quan trọng khác, suất đầu tư cho sinh viên cũng rất thấp. 5 năm trước, tại trường công, nhà nước cấp kinh phí đào tạo là 6 triệu đồng/sinh viên/năm. Tuy nhiên, sau đó chúng ta lại cho phép các trường công tuyển sinh vượt trên chỉ tiêu trên cơ sở tổng kinh phí không thay đổi nên trên thực tế suất đầu tư cho sinh viên nhiều trường chỉ còn 2,5 triệu đồng/sinh viên/năm.

Tôi cũng phải nói thêm rằng, chúng ta tăng quy mô đào tạo nên phải tuyển chọn các em có nặng lực học tập thấp hơn, nhiều em chưa đủ năng lực, trình độ để học đại học. Đầu vào kém thì đầu ra cũng phải kém thôi.

Với những điều kiện trên, không có gì khó hiểu khi chất lượng bị giảm sút. 

Ông vừa nói chất lượng đào tạo giảm sút, nhưng số sinh viên giỏi tại các trường có xu hướng tăng lên?

Trong báo cáo giám sát của chúng tôi không nói sinh viên giỏi tăng lên. Chúng tôi chỉ nói rằng, số lượng sinh viên khá giỏi của các trường nhiều quá, không tương xứng với thực lực thực tế học tập của các em.

Đương nhiên quy mô của chúng ta lớn thì phân hoá cũng nhiều. Có những em giỏi vì khả năng của các em, vì điều kiện riêng của các em các em có thể đạt được điểm đó.

Kiểm  định chất lượng giáo dục được coi như một động lực thúc đẩy chất lượng đại học, nhưng qua giám sát cho thấy, việc triển khai thực hiện còn rất hạn chế, thưa ông?

Các trường chúng ta bắt đầu tiếp cận được với kiểm định chất lượng. Đây là dấu hiệu tốt bởi có kiểm định chất lượng trường  mới tự đánh giá được mình và xã hội đánh giá được chất lượng đào tạo của các nhà trường.

Tuy nhiên, chúng ta mới triển khai đưa vào hệ thống giáo dục đại học và mới chỉ kiểm định ở một bộ phận, mới chỉ kiểm định ở một số những tiêu chí, tiêu chuẩn lựa chọn, chứ chưa kiểm định theo tiêu chí, tiêu chuẩn của Bộ tiêu chuẩn mà Hiệp hội  ĐH quốc tế quy định.
 
Từng bước tiếp cận với kiểm định chất lượng theo chuẩn quốc tế là việc phải tiếp tục phấn đấu. Nếu chúng ta đẩy mạnh kiểm định chất lượng sẽ là công cụ rất quan trọng để đảm bảo chất lượng đại học.
 
“Không khó hiểu khi chất lượng đào tạo giảm sút” - 2
GS. TS Đào Trọng Thi: "Số lượng sinh viên khá giỏi của các trường nhiều quá" (Ảnh: Việt Hưng)

Một vấn  đề đáng chú ý  nữa, chúng ta khá thoáng khi cho thành lập trường quốc tế, trong khi các nước quản rất chặt về số lượng sinh viên, học phí, chương trình giảng dạy?

Tôi cũng nghĩ, trong hệ thống pháp luật, các quy định, các quản lý cụ thể còn rất lỏng lẻo và sơ hở trong việc thành lập cũng như thực hiện các chương trình quốc tế ở Việt Nam. Sửa đổi bổ sung một số điều của luật giáo dục đã bổ sung thêm được một số nội dung, nhưng mới chỉ mang tính chất nguyên tắc.

Trước hết, Chính phủ cần ban hành những quy định cụ thể hơn, chặt chẽ hơn để quản lý giáo dục đại học có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam. Có thể trước kia lĩnh vực giáo dục này chưa phải vấn đề lớn, nhưng bây giờ nhu cầu học tập các chương trình chất lượng cao của các trường đại học quốc tế bắt đầu cao nên phải quản lý chặt chẽ.

Xin cảm  ơn ông!

Cấn Cường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm