Chuyện ở xã Yên Bình, Thạch Thất (Hà Nội):

Không được đến trường vì... đã lên 3

Khi tiếng trống khai giảng bắt đầu điểm và trẻ em náo nức tựu trường thì ở xã Yên Bình, huyện Thạch Thất (Hà Nội) lại có cả trăm cháu bé 3 tuổi ngậm ngùi đón năm học mới tại… nhà. Tất cả chỉ vì 1 lý do rất “lạ”: Các cháu đã lớn, nhà trường để cho gia đình tự trông vì địa phương không có lớp.

Trường mầm non học nhờ tại nhà văn hóa thôn Thuống
Trường mầm non học nhờ tại nhà văn hóa thôn Thuống.

Lớn thì phải ở nhà

Đã một tuần nay, ngày nào bé Bùi Hồng Quyên (3 tuổi) trú tại thôn Thuống, xã Yên Bình cũng thơ thẩn ra trước điểm trường Mầm non xã Yên Bình nhòm qua cánh cổng nhìn các bạn chơi đùa với ánh mắt thèm thuồng. Cũng những căn phòng ấy, khoảnh sân ấy, bạn bè ấy chỉ cách đây vài tháng bé còn được chạy nhảy chơi đùa. Vậy mà bây giờ, sau kỳ nghỉ hè ngôi trường bỗng trở nên xa vời vợi. Nhà bé Quyên ngay trước cổng trường, thế nên tiếng cười đùa của chúng bạn ngày ngày cứ vọng vào rõ mồn một. Lắm lúc nghe những tiếng xôn xao ấy, nhớ lớp, nhớ bạn quá, cô bé lại lũn cũn chạy ra trường thò tay qua cánh cổng vẫy vẫy: “Bạn ơi, bạn ơi… Ra đây cho tớ chơi với”. Những lúc như thế, bà Khuyên lại vội vàng chạy ra bế cô bé vào nhà. Bé Quyên không biết lý do vì sao mình không được đi học, nhưng bà nội của bé là cụ Nguyễn Thị Khuyên thì biết rõ: “Cháu tôi không được đến lớp chỉ vì… nó đã lên 3 tuổi”. Bây giờ cô bé ở nhà, suốt ngày chỉ biết tha thẩn với con cún, con mèo quanh sân.

Không chỉ có bé Quyên mà hiện nay cả xã Yên Bình có 124 bé 3 tuổi đồng loạt bị cho nghỉ, chiếm đa số các cháu nằm ở ngưỡng tuổi này. Anh Nguyễn Ngọc Thái, phụ huynh cháu Nguyễn Ngọc Khoa ở thôn Thuống cho biết: “Năm ngoái con tôi lên 2, gia đình gửi nhà trẻ ở trường Mầm non Yên Bình. Thế nhưng năm nay, khi chuẩn bị đến kỳ khai giảng thì tất cả bỗng nhận được thông báo, các cháu 3 tuổi đều phải nghỉ. Chúng tôi hỏi cả nhà trường và UBND xã nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu kèm câu trả lời: “Phòng Giáo dục huyện chỉ đạo thế thì chúng tôi buộc phải thực hiện như thế”. Tuy nhiên, sự cá biệt này chỉ nhằm vào các cháu ở lứa tuổi mẫu giáo bé, còn lại các cháu ở lứa tuổi nhà trẻ (2 tuổi) và mẫu giáo nhỡ, mẫu giáo lớn (4 và 5 tuổi) thì vẫn được đi học. 

Anh Đặng Duy Vũ, phụ huynh cháu Đặng Đức Long ở thôn Đình cho hay: “Thông tin mà chúng tôi nắm được là các cháu 3 tuổi buộc phải nghỉ học do địa phương không có lớp. Những lớp học vẫn được sử dụng từ các năm trước đây đều là các phòng học tạm bợ nay đã không đủ đáp ứng. Vì thế giải pháp tháo gỡ trước mắt là: Không có lớp thì không đi học. Tuy nhiên, đó chỉ là thông tin phụ huynh được rỉ tai từ các giáo viên chứ khi chất vấn thì chẳng có ai dám khẳng định điều đó. Ngay cả ủy ban xã cũng không có câu trả lời. 

Nhà kho và nhà để xe tang được cải tạo để làm phòng học cho các bé
Nhà kho và nhà để xe tang được cải tạo để làm phòng học cho các bé.

Lớp học cải tạo từ nhà để xe tang

Xã Yên Bình vốn là một xã khó khăn của huyện Lương Sơn (Hòa Bình), tiếng là sáp nhập về Hà Nội đã nhiều năm nay nhưng cơ sở vật chất của hệ thống trường mầm non tại đây vô cùng thiếu thốn. Một giáo viên của trường Mầm non Yên Bình thừa nhận: “Đúng là mới đây Phòng Giáo dục huyện Thạch Thất có về kiểm tra cơ sở vật chất của trường và chỉ đạo tạm thời cho các cháu lớp 3 tuổi nghỉ học vì không đủ lớp. Tuy nhiên, đấy là chỉ đạo miệng chứ không có văn bản chính thức. Còn lý do tại sao lại chỉ cho nghỉ các cháu 3 tuổi là vì, tầm tuổi này các cháu đã lớn, tự xúc ăn được nên gia đình có thể tự chăm sóc. Sang năm khi các cháu đã lớn hơn thì chúng tôi vẫn cho vào học lại như bình thường”.

Ông Đinh Như Hùng - Phó Chủ tịch xã Yên Bình cũng xác nhận từ khi sáp nhập về Hà Nội, xã Yên Bình được đầu tư 3 điểm trường mầm non chính thức vào năm 2010-2011. Nhưng không hiểu tính toán thế nào mà hiện nay cả 3 điểm trường ấy đều không đủ năng lực để tiếp nhận tất cả học sinh của xã dẫn đến tình trạng thiếu lớp như hiện nay. Ngoài ra còn rất nhiều điểm trường khác hiện cũng chưa có cơ sở vật chất, các cháu nhỏ đều phải đi học nhờ ở Nhà văn hóa của các thôn. Thậm chí có điểm trường như thôn Thuống, các cô giáo phải cải tạo cả nhà kho và nhà để xe tang của thôn để làm lớp học cho các cháu mà vẫn không đủ lớp. “Nếu như không có đủ tiêu chuẩn đón trẻ thì ít nhất Phòng Giáo dục cũng phải có phương án cụ thể, như việc mở rộng, xây thêm, xây mới hay học tạm… như thế nào đó để nói với phụ huynh chứ không thể cứ im lặng như hiện nay. Người dân cứ nhè đầu UBND xã quy tội, chúng tôi cũng không biết phải làm thế nào” - ông Đinh Như Hùng khổ sở giải thích.

Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã tới Phòng Giáo dục huyện Thạch Thất để tìm hiểu. Nhưng dù tới tận nơi và liên tục gọi điện mà lãnh đạo Phòng vẫn không thể liên lạc được. 
 
Theo Nguyễn Long
An Ninh Thủ Đô