Kết thúc tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2006:

Không đủ chỉ tiêu, nhiều ngành học đóng cửa

“Thí sinh đạt điểm sàn hoặc trên sàn một chút thì đã “cạn”. Những thí sinh đạt điểm cao nhưng trượt NV2 vào các trường công lập thì không muốn vào trường dân lập. Chính vì vậy, dù thời hạn xét tuyển NV2 và NV3 đã kéo dài hơn 1 tháng, nhưng nhiều trường vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu”…

Ngày 30/9, thời hạn xét tuyển nguyện vọng 3 kết thúc, nhiều trường ĐH DL đã thông báo tiếp tục gia hạn thời gian nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 3 với hy vọng có thể vét thêm được vài thí sinh

 

Ngày 2/10, Trường ĐH DL Văn Hiến thông báo kéo dài thời hạn nộp hồ sơ nguyện vọng (NV) 3 đến ngày 20/10 với chỉ tiêu cần tuyển hệ ĐH và CĐ là 350; Trường ĐH DL Công nghệ Sài Gòn kéo dài thời gian nhận hồ sơ đến ngày 10/10; Trường ĐH DL Hồng Bàng kéo dài thêm vài ngày nữa để chờ những thí sinh đến muộn...

 

CĐ hóa... ĐH!

 

Theo lý thuyết, nguồn thí sinh trượt NV2 ở các trường ĐH công lập đủ để các trường thiếu chỉ tiêu tuyển tiếp NV3. Tuy nhiên, PGS-TS Nguyễn Hồng Đào, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH DL Bình Dương, cho rằng: Thí sinh đạt điểm sàn hoặc trên sàn một chút thì đã “cạn”. Những thí sinh đạt điểm cao nhưng trượt NV2 vào các trường công lập thì không muốn vào trường DL. Chính vì vậy, dù thời hạn xét tuyển NV2 và NV3 đã kéo dài hơn 1 tháng nhưng nhiều trường vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu.

 

Đã vậy, số hồ sơ các trường nhận được lại nghiêng về hệ CĐ nhiều hơn, chiếm từ 50% đến 70% tổng số hồ sơ nhận được. Ví dụ: Trường ĐH DL Bình Dương, ĐH DL Hùng Vương, ĐH DL Văn Hiến... số hồ sơ vào hệ CĐ chiếm đến hơn 50%. ĐH DL Công nghệ Sài Gòn, ĐH DL Kỹ thuật Công nghệ cũng trong tình trạng thí sinh đăng ký vào hệ CĐ nhiều hơn hệ ĐH. Một cán bộ Phòng Đào tạo Trường ĐH DL Hùng Vương tâm sự: Là trường ĐH, dĩ nhiên ai cũng muốn tuyển nhiều chỉ tiêu hệ ĐH nhưng vì không tuyển đủ nên phải lấy chỉ tiêu CĐ bù vào.

 

8 ngành học bị đóng cửa

 

Cũng vì lý do không tuyển đủ chỉ tiêu, nhiều trường đã tuyên bố đóng cửa nhiều ngành học. Ngay khi vẫn còn thời hạn xét tuyển NV3, Trường ĐH DL Văn Hiến đã thông báo ngưng nhận hồ sơ xét tuyển vào 4 ngành: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung và tiếng Nhật. Lý do là thí sinh nộp hồ sơ vào các ngành này quá ít. Chỉ có 19 thí sinh nộp hồ sơ vào ngành tiếng Anh, 9 hồ sơ ngành tiếng Nhật và 2 hồ sơ ngành tiếng Trung, tiếng Pháp chưa có hồ sơ đăng ký nào. Trường phải chuyển những thí sinh lỡ đăng ký sang các ngành học khác cùng khối hoặc chuyển hồ sơ sang trường ĐH DL khác có ngành nghề tương tự.

 

Tiếp theo đó, Trường ĐH DL Kỹ thuật Công nghệ cũng ngưng nhận hồ sơ ngành tiếng Anh. Lý do là NV1, NV2 trường chỉ nhận được 7 hồ sơ xét tuyển. Các thí sinh đến làm thủ tục nhập học, trường tư vấn chuyển sang ngành quản trị hoặc công nghệ thông tin.

 

Mới đây, Trường ĐH DL Hùng Vương cho hay đã ngưng xét tuyển 3 ngành: Toán - tin ứng dụng, tiếng Pháp, tiếng Trung vì số hồ sơ xét tuyển vào các ngành này chỉ đếm trên đầu ngón tay.

 

Điểm sàn: Nguyên nhân chính?

Ông Huỳnh Thế Cuộc, Hiệu trưởng Trường ĐH DL Ngoại ngữ - Tin học, bày tỏ: Trước khi có tuyển sinh 3 chung, sinh viên của trường đào tạo ra có trình độ ngoại ngữ rất tốt. Ở đầu vào, trường áp dụng việc nhân hệ số 2 môn ngoại ngữ, nhằm chọn đúng thí sinh có năng lực ngoại ngữ để đào tạo. Năm nay, trường cũng thông báo trước trong quyển Những điều cần biết... về việc nhân hệ số 2 môn ngoại ngữ và định ra điểm chuẩn bằng cách lấy điểm sàn (13) chia 3 và nhân 4. Đây là cách nhiều trường ĐH có đào tạo môn ngoại ngữ đều làm. Nhưng rủi thay, cách làm này của trường đã khiến 187 thí sinh đạt điểm chuẩn trúng tuyển (đã nhân hệ số) nhưng lại dưới điểm sàn nên Bộ GD-ĐT không chấp nhận.

Theo nhà trường, trong số này nhiều thí sinh có điểm ngoại ngữ rất cao, rất tốt để đào tạo nhưng “chiếu” theo điểm sàn phải đành loại bỏ. Bất hợp lý là nhiều thí sinh chỉ đạt 2,5 điểm ngoại ngữ nhưng đạt điểm sàn vẫn trúng tuyển. Điểm sàn không ngăn được những thí sinh kém môn ngoại ngữ vào học các chuyên ngành ngoại ngữ. Đây chính là kẽ hở của điểm sàn trong mục tiêu nâng cao chất lượng đầu vào.

Như vậy, điểm sàn là nguyên nhân gây lãng phí chỉ tiêu đào tạo hệ ĐH của các trường, trong khi nhu cầu xã hội vẫn còn rất cao.

 

 

Theo Diệu Hằng

Người Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm