Không dám đối đầu, người thầy sẽ mất “vị thế”

(Dân trí) - Người thầy giỏi là người biết định hướng cho người học xây dựng tri thức mới, nhân cách cho người học. Đó là quan điểm của nhiều chuyên gia, nhà giáo... tại tọa đàm “Chữ tài của người thầy” sáng 15/11 tại ĐH KHXH&NV TPHCM.

Theo tiến sĩ Nguyễn Chí Trung (Trường ĐH KHXH&NV TPHCM), nếu người thầy mà vì mục đích tiền bạc, vật chất thì chính người thầy sẽ đánh mất vị thế của mình. Trong mọi hoàn cảnh, người thầy cũng phải biết dũng cảm đối đầu với những khó khăn mới của cuộc sống thì mới tồn tại được”.

 

Cùng quan điểm trên, tiến sĩ Nguyễn Bích Hồng (ĐH Sư phạm TPHCM) không khỏi băn khoăn về những điều mắt thấy, tai nghe về hiện tượng học trò đánh thầy, phụ huynh mắng thầy… Đây thực sự là những đòi hỏi rất khắc nghiệt đối với thiên chức của người thầy giáo. Tiến sĩ Hồng cho rằng: “Trong xã hội ngày nay, người thầy phải giữa được cái tâm trong sáng, giữ được hình ảnh, tác phong của một người thầy giáo chân chính”.

 

Mặt khác, theo tiến sĩ Hồ Bá Thâm, để không đánh mất “vị thế” của mình thì người thầy “cũng phải nhạy cảm với cái mới, hiểu mới những tri thức của người khác và của mình sáng tạo ra, thấu hiểu người học và nhu cầu xã hội. Có như vậy, mới có thể khơi dy tình cảm, hứng thú cho người học. Qua đó, vị thế của người thầy sẽ được khẳng định. Vì đơn giản không chỉ là dạy chữ mà còn dạy người.

                    

Đồng quan điểm, nhà giáo Lê Thúy Hoa - Hiệu trưởng Trường THPT Thái Bình (TPHCM) chia sẻ:Ngành giáo dục của mình làm sao phải hướng người thầy giáo vào đúng vai trò, trọng trác. Tôi rất chạnh lòng vì hiện nay không phải thầy cô giáo không có tài mà vì cách tổ chức giáo dục làm cho người thầy tự ái, chán nn. Người thầy chỉ biết giảng dạy nhồi nhét, nạp những kiến thức cao siêu theo ý của thầy”.

 

Thầy giỏi cần cả tài và tâm

 

Là một nhà giáo nhưng đồng thời nhiều năm liền là chuyên viên tư vấn giáo dục, hướng nghiệp cho Tổng đài 1080, cô Nguyễn Thị Hương hàng ngày phải đối điện với nhiều bức xúc của học sinh và phụ huynh. Cô Hương cho biết, nhiều thầy cô giáo đánh học sinh bằng roi mây, bắt phạt bằng nhiều hình thức phi giáo dục chỉ vì “bệnh thành tích”. Điều này học sinh không phục cũng đúng. Người thầy bên cạnh cái tài cũng cần phải có cái tâm.

 

Ngoài ra, Nguyễn Thị Hương cũng đề nghị xem lại cách đào tạo “sản phẩm” thầy cô giáo trong hệ thống sư phạm của chúng ta hiện nay. Nếu người thầy cảm thấy không yêu nghề thì không nên bước chân vào hệ thống sư phạm.

 

Vấn đề này, tiến sĩ Nguyễn Bích Hồng cho rằng, “hệ thống nhà trường sư phạm hiện nay mới chỉ mới dừng lại đào tạo kiến thức cho người thầy mà còn thiếu những kiến thức chuyên môn khác như giao tiếp với người học, phụ huynh, đồng nghiệp...”. Chính những yếu tố này “trong một” người thầy mới cấu thành người thầy giỏi, tâm huyết với nghề.

 

Tiến sĩ Hồ Bá Thâm cho rằng: “Đối với việc đào tạo ra người thầy trong xã hội hiện nay, nền giáo dục chúng ta cần xây dựng một hệ thống các tiêu chí cụ thể để đánh giá, lựa chọn, tuyển dụng người thầy sao cho thỏa đáng”. Vị tiến sĩ này cũng lưu ý, hiện nay có một “người thầy của người thầy”, đó là nhà quản lý giáo dục. Nếu không có nhà quản lý giáo dục giỏi thì không thể có những người thầy giỏi.

 

Còn theo thạc sĩ Đặng Minh Tâm, “trong giáo dục không chấp nhận phép thử làm hư hỏng con người được. Vì vậy thầy giáo cần có nhân cách toàn diện, nắm vũng kiến thức chuyên môn, năng lực truyền đạt đến người học với phương pháp giáo dục tốt.

 

Đoàn Quý