Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài - Bộ GD-ĐT:

Không công nhận bằng cấp của chương trình không đảm bảo chất lượng

(Dân trí) - “Nếu chương trình không đảm bảo chất lượng, đối tác không được kiểm định thì bằng cấp sẽ không được công nhận. Trong tháng 8 này, Bộ có kế hoạch đi kiểm tra một số sơ sở liên kết đào tạo trong đó có các cơ sở mà gần đây được báo chí nhắc tới”.

Không công nhận bằng cấp của chương trình không đảm bảo chất lượng - 1
Ông Nguyễn Xuân Vang, Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài - Bộ GD-ĐT trao đổi với Dân trí về các chương trình liên kết đào tạo (LKĐT) của các trường đại học.

Hiện nay có khá nhiều chương trình đào tạo có yếu tố nước ngoài đang được thực hiện hoặc được tổ chức thực hiện tại Việt Nam, trong đó phổ biến nhất là các chương trình LKĐT của các trường đại học. Ông cho biết ưu và nhược điểm của các chương trình liên kết này?

Toàn cầu hóa đã và đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội. Đối với giáo dục, toàn cầu hóa là nhân tố thúc đẩy giáo dục xuyên biên giới phát triển thành xu hướng chung, tác động mạnh mẽ đến hợp tác quốc tế về giáo dục. Tại Việt Nam, số lượng các chương trình LKĐT với nước ngoài đã tăng lên đáng kể, phát triển dưới nhiều hình thức khác nhau và đã có nhiều đóng góp tích cực mà chúng ta không phủ nhận được như huy động nguồn lực của nhân dân đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, đáp ứng giải quyết nhu cầu học tập ngày càng tăng của số đông HS, SV và cán bộ, giảm thiểu lượng ngoại tệ ra nước ngoài.

Đặc biệt, thông qua các chương trình LKĐT đã giúp các trường ĐH có điều kiện học hỏi những kinh nghiệm quý báu về quản lý giáo dục, đổi mới và cải tiến hệ thống, nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá của các trường tiên tiến trên thế giới.

Tuy nhiên bên cạnh những ưu điểm đã nêu còn tồn tại một số vấn đề về các chương trình LKĐT với nước ngoài. Đó là nguy cơ xâm nhập của các chương trình kém chất lượng từ một số nước có thể gây nhiều rủi ro đối với giáo dục Việt Nam.  Một số chương trình liên kết với các đối tác chưa được kiểm định chất lượng, không được cấp phép đúng quy định, gây thiệt hại cho người học, ảnh hưởng tiêu cực đến ngành giáo dục và xã hội.

Bộ GD-ĐT có kiểm soát hết được các chương trình LKĐT ở các trường đại học hiện nay không? Việc thực hiện quản lý các chương trình LKĐT  này ở các trường đại học, Bộ thực hiện như thế nào thưa ông?

Về việc thẩm định cấp phép các chương trình LKĐT với nước ngoài, Bộ đã thực hiện việc phân cấp cho 2 ĐHQG và 3 ĐH vùng (Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng) được quyết định việc xem xét và quyết định LKĐT. Tất cả các trường đại học còn lại đều phải xin cấp phép của Bộ.

Về việc quản lý các chương trình LKĐT với nước ngoài, các ĐHQG và ĐH vùng chịu trách nhiệm kiểm tra, thanh tra và báo cáo Bộ. Về nguyên tắc các cơ sở phải chịu trách nhiệm về chất lượng các chương trình liên kết mà mình đang thực hiện.

Đối với các chương trình LKĐT do Bộ cấp phép, hàng năm, sau khi kết thúc mỗi  năm học, mỗi kỳ tuyển sinh, các đơn vị phải gửi báo cáo về Bộ. Tại Bộ, Cục Đào tạo với nước ngoài phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Giáo dục ĐH và Thanh tra chịu trách nhiệm kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chương trình liên kết của các bên liên kết theo Quyết định và Hồ sơ đã được phê duyệt.

Thời gian vừa qua, báo chí đã vạch ra rất nhiều trường đại học Việt Nam liên kết với trường đại học nước ngoài không có tên tuổi, thậm chí gọi là dởm, không được công nhận ở nước ngoài vì mục đích của họ là lợi nhuận chứ không quan tâm tới chất lượng. Bộ có biết và có biện pháp gì để chấn chỉnh tình trạng này?

Nếu nói là rất nhiều trường đại học Việt Nam liên kết với trường đại học nước ngoài không có tên tuổi, thậm chí gọi là trường dởm là không đúng. Bộ chỉ cấp phép cho các trường LKĐT với các trường đại học nước ngoài đã được cơ quan kiểm định công nhận về chất lượng ở nước sở tại.

Hiện nay, có một số cơ sở không trực thuộc sự quản lý trực tiếp của Bộ đã thực hiện chương trình LKĐT với nước ngoài mà không xin phép, không báo cáo Bộ. Một số cơ quan không có chức năng đào tạo cũng thực hiện LKĐT với nước ngoài. Bên cạnh đó, việc cấp phép các chương trình LKĐT với nước ngoài do nhiều đầu mối thực hiện nên cũng gây khó khăn cho công tác quản lý. Thực tế này làm cho công tác quản lý nhà nước rất khó khăn. Các đơn vị phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và người học về chất lượng các chương trình liên kết mà mình đang thực hiện.

Những chương trình LKĐT trái phép là vi phạm pháp luật và phải xử lý nghiêm, trước hết phải dừng tuyển sinh ngay lập tức, làm hồ sơ xin cấp phép theo đúng quy định và phải chịu phạt hành chính đồng thời phải có các biện pháp để bảo đảm quyền lợi học viên. Căn cứ hồ sơ cụ thể, các cơ quan có trách nhiệm sẽ thẩm định chương trình, đánh giá đối tác và các điều kiện đảm bảo chất lượng. Sau đó sẽ đưa ra giải pháp. Nếu chương trình không đảm bảo chất lượng, đối tác không được kiểm định thì bằng cấp sẽ không được công nhận.

Trong tháng 8 này, Bộ có kế hoạch đi kiểm tra một số sơ sở liên kết đào tạo trong đó có các cơ sở mà thời gian gần đây được báo chí nhắc tới.

Bên cạnh đó, Bộ cũng rất cần sự phối hợp của các tỉnh, thành phố, địa phương, các tổ chức, cá nhân, các cơ quan chức năng và các cơ quan báo chí, truyền thông trong việc giám sát và phát hiện những sai phạm trong hoạt động giáo dục. Các cơ quan nhà nước theo chức năng nhiệm vụ của mình cũng cần rà soát những chương trình LKĐT có yếu tố nước ngoài ở địa phương mình, kiểm tra giấy phép hoạt động và cần xử lý kịp thời các vi phạm để giảm thiểu những rủi ro tiểm ẩn, bảo vệ quyền lợi của người học.
 
Vậy Bộ đã xử lý trường hợp nào thực hiện sai quy định chưa?

Năm 2009 Bộ cũng đã xử lý  một số trường hợp vi phạm ví dụ như Công ty Cổ phần Skills Group VN (thuộc Tập đoàn Cổ phần Skills Group, Đan Mạch) đã tự ý tuyển sinh và tổ chức lớp học đào tạo thạc sỹ Quản trị kinh doanh (MBA) từ đầu tháng 7/2009 cho hơn 20 học viên với mức học phí từ 4.500 USD - 6.000 USD mà không được sự cho phép của các cơ quan chức năng, trái với quy định của luật pháp Việt Nam. Năm 2010, Bộ đã từ chối cấp phép cho 1 chương trình có đối tác nước ngoài chưa được kiểm định.

Với những học viên đã trót nhận bằng dởm này, ông có lời khuyên gì với họ?

Những cơ sở đào tạo Việt Nam trước hết phải chịu trách nhiệm về việc này. Nếu các chương trình liên kết đã được cấp phép thì cơ quan cấp phép phải liên đới chịu trách nhiệm. Vấn đề là các cơ quan liên quan cùng với học viên phải tìm ra giải pháp tối ưu nhất để xử lý vấn đề này.

Cách đây 10 năm khi xảy vụ việc Trường đại học Quốc tế Châu Á, thì đối tác Việt Nam phải chịu trách nhiệm xử lý hậu quả. Tùy từng trường hợp cụ thể mà các bên liên quan báo cáo Bộ giải pháp xử lý để đảm bảo quyền lợi của học viên.

Ông có cách nào để hướng dẫn người học chương trình liên kết nhận diện được là trường đại học đối tác dởm?

 Về phía Bộ, để thực hiện công khai các chương trình LKĐT với nước ngoài, Cục Đào tạo với nước ngoài đăng tải danh sách 112 chương trình LKĐT đã đươc Bộ phê duyệt (không tính các chương trình liên kết đào tạo do ĐHQG và các ĐH vùng cấp phép cho các trường thành viên). Cục Đào tạo với nước ngoài thường xuyên cập nhật danh sách các chương trình LKĐT để các cơ sở đào tạo và người học có thông tin kịp thời và đầy đủ nhất về các chương trình liên kết đào tạo...

Quan trọng nhất là sự chủ động tìm hiểu thông tin của người học. Người học cần tìm hiểu kỹ thông tin về các đối tác, mô hình thực hiện chương trình liên kết, yêu cầu tuyển sinh, chương trình và thời gian đào tạo, địa điểm đào tạo, văn bằng và cơ sở cấp bằng, học phí.... và rất quan trọng là người học cần được thông tin về Văn bản phê duyệt chương trình để đảm bảo được theo học chương trình LKĐT được cấp phép đúng quy định.

Để có có thông tin về một số chương trình học bổng  và các chương LK ĐT do Bộ GD-ĐT cấp phép, các bạn truy cập trang thông tin điện tử của Cục Đào tạo với nước ngoài http://www.vied.vn, hoặc viết thư về hòm thư điện tử: phongduan@vied.vn.

Xin cảm ơn ông!

 Hồng Hạnh (thực hiện