Khối tư nhân và hệ sinh thái giáo dục toàn diện
(Dân trí) - Khu vực tư nhân đang “lấn sân” vào thị trường giáo dục đào tạo ở những khía cạnh mà khu vực công không quan tâm hoặc là không có lợi thế. Ví dụ như ứng dụng công nghệ vào giảng dạy hay giáo dục trực tuyến là một trong những mảng giáo dục công dường như đang còn bỏ ngỏ.
Giảm gánh nặng xã hội
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, đó cũng chính là lý do vấn đề giáo dục luôn được nước ta xem là quốc sách hàng đầu. Từ ngày giáo dục được phổ cập tới toàn dân, chính sách giáo dục liên tục thay đổi để phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội, tuy nhiên không thể phủ nhận rằng bên cạnh những chuyển biến tích cực, hệ thống giáo dục nước ta vẫn còn nhiều nhức nhối như: chạy điểm, chạy chức, chạy quyền, bệnh thành tích… Mặt khác, với dân số ngày một gia tăng, riêng khối trường công không thể đáp ứng đủ nhu cầu học tập của người dân.
Thống kê mới đây cho thấy, phụ huynh Việt Nam chi đến 47% thu nhập cho việc giáo dục con. Mỗi năm, người Việt chi khoảng 3 tỷ USD cho con du học, nhất là bậc phổ thông trung học và đại học, cao đẳng. Điều này cho thấy nhu cầu đầu tư cho chất lượng giáo dục là vô cùng lớn. Trong bối cảnh đó, sự tham gia của khối tư nhân vào giáo dục đã góp phần giải quyết nhiều vấn đề còn tồn đọng.
10 năm trở lại đây, giáo dục tư nhân dường như bùng nổ ở nước ta. Hầu hết các nhà đầu tư đều nhìn thấy một thị trường hấp dẫn với gần 100 triệu dân, trên 60% ở độ tuổi dưới 35 và dân số ở độ tuổi đi học nhiều. Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu phát triển hệ thống giáo dục và sẵn sàng tạo điều kiện cho khối tư nhân “đặt chân” vào lĩnh vực giáo dục.
Bên cạnh những ngôi trường ngoài công lập đơn lẻ, hiện nay nhiều tập đoàn sẵn sàng rót vốn lớn để đầu tư theo mô hình giáo dục toàn diện từ mầm non – Tiểu học – THCS – THPT – Đại học, thậm chí là sau đại học.
Sự tham gia của các tập đoàn lớn vào giáo dục không chỉ giảm bớt áp lực cho xã hội mà còn hỗ trợ gia tăng nguồn lực đầu tư cho giáo dục, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước và tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người lao động. Học sinh sẽ có thêm nhiều lựa chọn phong phú như học bán trú, nội trú, song ngữ, song bằng hay chương trình quốc tế... cùng nhiều cơ hội học tập chất lượng cao.
Phát triển thêm “địa hạt” cùng với khu vực công
Không thể phủ nhận rằng khi đầu tư cho nghiên cứu khoa học và đào tạo, khu vực tư nhân có thể tránh được những điểm yếu của khối công lập. Với nguồn lực tài chính mạnh, người nắm quyền và người thực thi thu về một mối, cơ chế quản lý có thể linh hoạt, khối tư nhân có những lợi thế nhất định trong việc tạo ra một môi trường đổi mới, sáng tạo hơn cho các cá nhân có năng lực. Là doanh nghiệp với số lượng nhân viên lớn trong nhiều lĩnh vực chuyên môn, họ cũng là những người nhanh nhạy với thị trường và nắm được yêu cầu đầu ra cần có của học sinh, sinh viên để có một chương trình và cách thức đào tạo phù hợp.
Xuất phát từ thực tiễn, họ hướng vào khía cạnh mà khu vực công không quan tâm hoặc không có lợi thế để phát triển. Cụ thể trong quá trình hội nhập vào cộng đồng quốc tế, thế hệ trẻ Việt Nam thường bị rào cản bởi ngoại ngữ và kỹ năng mềm. Nếu như chương trình học ở hệ thống trường công có phần “nặng” về lý thuyết và các em chưa có cơ hội thực hành nhiều thì khối tư nhân tạo điều kiện để học sinh vừa được học văn hóa, vừa được rèn luyện các kỹ năng sống và kỹ năng khởi nghiệp cần thiết ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Một trong số các hệ sinh thái giáo dục hiện nay là Egroup với các mô hình giáo dục chú trọng vào phát triển tiếng Anh và quá trình thực hành, trải nghiệm của học sinh trong học tập, như: Apax English – Apax Leaders, Dongsim, Steame Garten, CMS,... Với chương trình học ấn tượng, học sinh trở thành trung tâm, chủ động tìm tòi, thu nhận kiến thức, từ đó rèn luyện sự tự tin cho bản thân chứ không thụ động.
Nếu trước đây, các bậc phụ huynh thường ưa chuộng một môi trường học tập đúng nghĩa với điểm số cao và thành tích thi cử xuất sắc thì ngày nay, quan niệm về giáo dục đang dần mở rộng. Việc học không chỉ là nhồi nhét kiến thức một cách cơ học với lý thuyết suông, để tồn tại phát triển trong thế giới phẳng hiện nay, mỗi cá thể cần được trang bị những kỹ năng sống cơ bản, học sinh phải được liên tục cập nhật kiến thức xã hội trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, đưa công nghệ vào quá trình dạy và học cũng là một trong những mảng giáo dục công đang bỏ ngỏ và được khối tư nhân tận dụng hiệu quả. Mỗi tiết học sẽ trở nên hấp dẫn, sôi động hơn để học sinh được “học mà chơi, chơi mà học”, từ đó kích thích tinh thần ham học hỏi. Việc kết hợp cách học truyền thống và học trực tuyến cũng đang được ưa chuộng qua hệ thống E-learning và dần chứng minh được hiệu quả của nó. Quá trình ôn tập trở nên dễ dàng hơn khi có thể làm mọi lúc, mọi nơi và bổ trợ đắc lực cho bài học trên lớp.
Với hệ sinh thái giáo dục này, các bậc phụ huynh sẽ không còn phải đau đầu trong việc chọn trường cho con, không còn cảnh chen chúc xếp hàng từ sáng sớm để nộp đơn xét tuyển bởi đã có một hệ thống trường học chất lượng, quy mô và thống nhất.
Trong bối cảnh hệ thống giáo dục công lập có phần quá tải, hệ sinh thái giáo dục ngoài công lập tại Việt Nam hiện đã chứng minh được độ uy tín và sự phù hợp với xu thế chung của thời đại. Không những thế, với nhiều cuộc đầu tư kịp thời, đúng hướng, hệ thống giáo dục ngoài công lập đã bước đầu cho thấy sự ưu việt trong đào tạo - giáo dục toàn diện cho học sinh. Qua đó, cùng với khu vực công khắc phục, bổ sung những nhược điểm của mô hình giáo dục truyền thống, đem lại chất lượng giáo dục toàn diện để người học Việt Nam tự tin trở thành công dân toàn cầu.
Minh Hoàng