Khởi nghiệp thế nào khi sinh viên vẫn được bố mẹ bao ăn ở?
(Dân trí) - “Trước khi giúp được các em sinh viên, chính đội ngũ giảng viên cần nhận thức rõ vai trò của ĐH trong khởi nghiệp là gì? Làm sao để đổi mới sáng tạo trong khởi nghiệp? Nhất là khi ở Việt Nam hầu như sinh viên chưa có động lực cá nhân nào cho khởi nghiệp vì vẫn đang được bố mẹ nuôi ăn, ở và trả tiền học phí”, cô Đinh Huỳnh Thái Linh (giảng viên ĐH Việt Đức) trăn trở.
Hạ tầng khởi nghiệp
Ngày 16/3, tại Vietnam Business Matching (VBM) số 273 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM, hội thảo mở về vai trò của đại học trong đổi mới sáng tạo khởi nghiệp đã thu hút đông đảo các giảng viên đến từ nhiều trường đại học lớn của khu vực phía Nam.
Thầy Nguyễn Ngọc Dũng (Phó giám đốc Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ, giảng viên khoa Kỹ thuật Giao thông - ĐH Bách khoa TPHCM, sáng lập Lean Startup Lab; sáng lập Student Idea Competition; đồng sáng lập Phiên chợ khởi nghiệp) trăn trở đặt vấn đề: “Cần giúp sinh viên xác định rõ khởi nghiệp là gì? Khởi nghiệp có vai trò như thế nào trong cộng đồng xã hội, vai trò đối với các tỉnh thành, quốc gia?”.
Ông Vũ Tuấn Anh - Trưởng dự án cộng đồng khởi nghiệp Hoa Sen Group đưa ra khái niệm hạ tầng khởi nghiệp nhằm giúp cho Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp. Hạ tầng khởi nghiệp, theo ông Vũ Tuấn Anh, bao gồm tất cả những nền tảng cung cấp đầu vào tới nhân lực như hạ tầng nhân lực, hạ tầng tri thức, hạ tầng công nghệ, chiếm vai trò rất quan trọng và có thể nói là chính yếu, nhằm giúp Việt Nam đột phá trở thành quốc gia khởi nghiệp.
“Hạ tầng khởi nghiệp sẽ giúp Việt Nam xác định đầu tư khởi nghiệp hiệu quả hơn. Nhà nước cần tư duy quốc gia khởi nghiệp như tạo dựng hạt giống, tạo dựng phương pháp chăm sóc, tạo dựng người chăm sóc hạt giống, tạo dựng các vườn ươm tốt cho ba thành phần nói trên hoạt động tạo ra các startup thành công. Chúng ta hãy tư duy đầu tư cho hạ tầng khởi nghiệp thay vì cách hỗ trợ thông thường”, ông Vũ Tuấn Anh chia sẻ.
Ông Vũ Tuấn Anh cũng đề cập tới thông tin năm 2016 TPHCM đã chi 100 tỉ đồng cho khởi nghiệp nhưng chưa ai nhìn thấy hiệu quả của con số đầu tư này. Hơn nữa, ông Vũ Tuấn Anh cho rằng nhìn đâu cũng thấy các cuộc thi khởi nghiệp dành cho sinh viên, đến nỗi có nhiều đội đi thi chuyên nghiệp để lấy giải, nhưng thi xong rồi các bạn trẻ này có thể khởi nghiệp được thật hay không.
“Chỉ riêng năm 2016, TPHCM mở mới 110.000 doanh nghiệp, và con số thống kê cho thấy có hơn 220 doanh nghiệp chết đi mỗi ngày. Nếu như số tiền này đầu tư cho hạ tầng khởi nghiệp thì sẽ tạo ra sự phát triển bền vững của TPHCM - thành phố khởi nghiệp”, ông Vũ Tuấn Anh nói.
Các chuyên gia tại hội thảo cho rằng không chỉ có sinh viên, bản thân đội ngũ giảng viên ĐH cũng cần xác định vai trò của ĐH trong khởi nghiệp.
Thiếu động cơ khởi nghiệp
Cô Đinh Huỳnh Thái Linh (giảng viên ĐH Việt Đức) trăn trở: “Trước khi giúp được các em sinh viên, chính đội ngũ giảng viên chúng ta cần nhận thức rõ vai trò của đại học trong khởi nghiệp là gì? Làm sao để đổi mới sáng tạo trong khởi nghiệp? Nhất là khi ở Việt Nam hầu như sinh viên hoàn toàn chưa có động lực cá nhân nào cho khởi nghiệp vì vẫn đang được bố mẹ nuôi ăn, ở và trả tiền học phí”.
Cô Nguyễn Thị Hà Thanh (giảng viên ĐH Nguyễn Tất Thành) cho rằng: “Dẫu biết nền tảng của sinh viên MBA rất khác biệt so với sinh viên thông thường. Sinh viên MBA đã có nền tảng tốt nên tiếp cận với các vấn đề về khởi nghiệp mới có đủ nhận thức và phát huy được.
Sinh viên thông thường của nhiều trường đại học ở VN hiện đang rất thụ động, thiếu kiến thức và kinh nghiệm. Nhưng là giảng viên, vẫn phải giúp sinh viên nâng cao tâm thế về khởi nghiệp, sinh viên nào có sản phẩm thì các trường cần đưa vào ươm mầm, tạo cơ hội để sinh viên trải nghiệm, kể cả thành công hay thất bại. Nếu thất bại, sinh viên sẽ có được kinh nghiệm cho lần khởi nghiệp tiếp theo”.
Người ươm mầm khởi nghiệp cần đổi mới
Một giảng viên của đại học Đồng Tháp nói lên suy nghĩ: “Chủ đề khởi nghiệp và trao đổi của các giảng viên đến từ các đại học thật sự rất bổ ích, nhất là đối với các đại học đặt trên địa bàn tỉnh như chúng tôi.
Với các đại học ở thành phố lớn, mà nền tảng của sinh viên đã thấp, thì môi trường địa phương còn kém hơn rất nhiều. Có thể, chính các giảng viên chúng ta đừng nên quá đặt kỳ vọng vào sinh viên mà ngược lại, chính giảng viên cần hiểu rõ sứ mệnh của mình trong quá trình đổi mới, sáng tạo phương pháp dạy và học”.
Ông Huỳnh Kim Tước – Giám đốc Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP.HCM phát biểu tại hội thảo
Gần 70 giảng viên đến từ nhiều trường đại học lớn đều là những người tâm huyết trăn trở với vấn đề khởi nghiệp và vai trò của đại học trong đổi mới sáng tạo khởi nghiệp. Nhiều giảng viên được đào tạo ở nước ngoài về, từng có kinh nghiệm tiếp xúc với giáo dục đào tạo nước ngoài cho biết: “Ở Việt Nam những kiến thức đã học được hầu như không kết nối được với thế giới, với giảng viên còn như thế, nên số đông sinh viên đều không biết các kiến thức các bạn học được ở trường có đem ứng dụng được trong thực tế hay không?”
Ông Huỳnh Kim Tước – Giám đốc Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP.HCM nhận định: “Việt Nam đã bỏ trống một mặt trận là nghiên cứu vấn đề đổi mới sáng tạo trong khởi nghiệp trong khi nhiều trường không biết mình cần phải nghiên cứu cái gì. Trong khi chúng ta còn đang loay hoay thì thế giới đã đi rất xa. Việt Nam đang ươm tạo mất từ 3-5 năm, trong khi thế giới hiện giờ chỉ làm từ 3-5 tháng”.
Cô Nguyễn Thị Hà Thanh (ĐH Nguyễn Tất Thành) khẳng định: “Từng giảng viên phải tự tìm cách bước qua thực tại buồn và lỗ hổng lớn khiến giáo dục Việt Nam cách biệt quá xa với giáo dục quốc tế. Nếu các giảng viên tâm huyết, thì chính môi trường đại học sẽ là nơi tạo ra được những lớp người có tâm thế sẵn sàng khởi nghiệp, có nền tảng và kiến thức để khởi nghiệp”.
Nhằm đào tạo nên thế hệ sinh viên xuất sắc đồng thời là nòng cốt phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong cộng đồng sinh viên TPHCM và các tỉnh phía Nam, Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ - Trường ĐH Bách khoa và Vietnam Business Matching đã thiết kế và xây dựng dự án Giáo dục với tên gọi: "Hạt giống khởi nghiệp – Startup Seed " do thầy Nguyễn Ngọc Dũng - Phó giám đốc, Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ - ĐH Bách Khoa phụ trách.
Ông Huỳnh Kim Tước nhận định: “Cần đưa khởi nghiệp vào thành chương trình chính quy giảng dạy trong các trường đại học, cần có những hoạt động trong không gian đổi mới sáng tạo huấn luận về tinh thần khởi nghiệp, văn hoá khởi nghiệp, tâm thức khởi nghiệp, rồi đến bước cuối cùng là ươm tạo, chuẩn bị khởi nghiệp”.
Hoà Bình