“Khóc” vì trường điểm

Nhiều phụ huynh học sinh trái tuyến nhắm trước cho con một trường điểm nào đó và “lao vào bằng mọi giá”. Song, khi con vào học rồi, họ mới hiểu ra, vất vả nhưng kết quả thu được lại không như mong muốn.

Đất chật, người đông

Không trường điểm nào có sĩ số HS như “mơ ước” (chỉ 25-30 HS/lớp). Chị Mai, phụ huynh học sinh (PHHS) lớp 1 ở Đà Nẵng cho biết, trường điểm nơi con chị đang theo học có sĩ số tới 55 HS. Với số học sinh đông như vậy, không biết các cô giáo có đủ sức để... chăm các con không?

Những năm trước, PHHS có con theo học tại các trường điểm như trường Thăng Long, Nguyễn Du (Hà Nội) đều không xa lạ gì với cảnh... các con học một nơi, nghỉ trưa một nẻo vì trường... quá chật. Trường lại đóng ngay trong những tuyến phố cổ, vốn đã đông dân nên không gian sư phạm yên tĩnh, rộng rãi càng không thể có...

Như trường tiểu học Thăng Long, cơ sở vật chất quá chật chội, không đủ để mở lớp bán trú tại trường cho cả ngàn HS. Năm học trước, trường cực chẳng đã từng phải chia HS ra học tại 4 điểm lẻ ở Ngõ Trạm, Hàng Bông, Nguyễn Quang Bích, Lý Thái Tổ. Cứ trưa đến, những người dân quanh khu vực này đều quen với cảnh các cháu nhỏ xếp thành hàng đi qua đường để đến nơi nghỉ trưa.

Tương tự là cảnh chật chội của Trường tiểu học Nguyễn Du - Trưng Vương phải chia nhau tá túc ở “điểm tạm” trên phố Hàng Bè. Giờ nghỉ trưa nhưng học sinh cũng ít có cơ hội được chạy nhảy vì không có sân bãi.

Tiếng là học trường điểm nhưng các HS vẫn phải học tạm trong môi trường không sư phạm vì đều là nhà dân tận dụng cho thuê lại. Rất nhiều PHHS thương con phải học tập và sinh hoạt trong môi trường quá ư chật chội, nhất và vào mùa hè nóng nực như hiện nay thì sự vất vả càng nhân lên, song họ cũng đành “nhắm mắt” vì sự học của con là trên hết.

“Khóc” vì trường điểm - 1
 
Học càng nhiều càng ít

Với bất kỳ trường nào, chất lượng dạy học tốt luôn là yếu tố hàng đầu. Điều này càng đặc biệt đúng với trường điểm.

Chị Đào Nga, bác sĩ quân y ở Hải Dương, kể, cường độ học tập tại trường điểm rất căng, nhất là lại vào học tại lớp điểm của trường điểm. Hàng ngày, cô giáo ra rất nhiều bài tập về nhà, các cháu làm trong SGK chưa đủ, còn được khuyến khích làm thêm cả sách nâng cao nữa.

Con chị có năng khiếu học Toán nên được chọn vào đội tuyển của trường. Cứ gần đến những đợt thi HS giỏi quận, thành phố, cháu được các cô giáo đầu tư ôn luyện suốt ngày, tối về cũng lại tự học thêm. Sau đợt thi thì người trông phờ phạc, sụt cả cân.

Tại trường điểm, tập trung rất nhiều các giáo viên giỏi, từ cấp quốc gia, cấp thành phố, cấp quận rồi cấp trường.

Năm học trước, chị Minh (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) phải rất kỳ công mới xin cho con vào học lớp của một cô giáo dạy giỏi cấp quốc gia. Những tưởng là con sẽ vô tư “hưởng nền giáo dục tốt nhất” nhưng chị không ngờ, con học lớp dạy giỏi lại mệt thế.

Trước hết là sĩ số lớp con gái chị đông hơn hẳn lớp cô giáo thường tới gần 20 HS (vì ai cũng xin chọn học cô giáo dạy giỏi quốc gia). Trước khi vào lớp 1, chị đã cố gắng dạy cho con biết mặt chữ, số và tập ghép những vần đơn giản. Chị tưởng như thế là đã đủ. Không ngờ, khi con chị nhập học, các cháu học cùng lớp đều đã được bố mẹ cho học trước từ bao giờ. Các cháu đã đọc trơn cả những từ rất khó mà không cần phải qua bước “đánh vần” như con chị.

Các cháu cũng biết nhẩm Toán trong phạm vi 10. Hết học kỳ 1, con chị đứng gần cuối lớp chọn. Tệ hơn, cháu luôn kêu sợ đến lớp vì không chịu nổi cường độ học tập của bạn bè.

Cũng vì chuyện học hành, mà có những PHHS buộc phải rút con ra khỏi các lớp điểm của trường điểm. Họ rút ra kết luận: Không phải cứ học nhiều là tốt. Dù có học tại trường điểm nhưng nếu không có phương pháp hay, vẫn duy trì lối học truyền thống đọc chép thì HS chẳng thể tiến bộ được.

Theo Hoàng Lâm
Phụ nữ Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm