Khóc cười chuyện sĩ tử kiêng kị trước ngày thi tốt nghiệp THPT
(Dân trí) - Hôm nay (6/7), thí sinh làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT 2021. Không ít sĩ tử khổ sở vì những chuyện bi hài, kiêng kị trước ngày thi do phụ huynh áp dụng.
Sợ "tên sao điềm vậy"
Trước ngày thi, chế độ ăn uống của các sĩ tử luôn là vấn đề được quan tâm đặc biệt. 12 năm đèn sách sẽ được quyết định trong vài giờ, chính vì vậy, quan niệm "Có thờ có thiêng, có kiêng có lành" càng được các gia đình áp dụng triệt để. Không ít sĩ tử khổ sở từ áp lực kiêng kị của phụ huynh, nhất là trong chuyện ăn uống.
Đỗ Lan Phương (Hà Nội) chia sẻ: "Mình kiêng ăn chuối và lạc, vì quan niệm "tên sao điềm vậy" đã được lưu truyền nhiều năm nay. Còn trứng thì không quá "kì thị", vì đây là món ăn bổ dưỡng và mẹ mình vẫn thường dùng trong bữa cơm gia đình. Một số người bạn của mình còn kiêng ăn thịt gà vì sợ chữ viết như gà bới, kiêng ăn thịt chó, mực, vịt vì sợ sẽ bị đen đủi".
Ngoài những thực phẩm kiêng kị trên, đậu đỏ và cả những sản phẩm "ăn theo" như đậu phụ, giá đỗ... lại rất được ưa chuộng, vì các gia đình không những mong con em mình có thể thi đỗ ngôi trường nguyện vọng 1.
Bên cạnh đó, một số món ăn cũng được sĩ tử truyền tai nhau như: ăn tôm để bật xa, ăn chim để bay thật xa,...
Dương Thị Hạ Mây đang học tại trường Nội trú Điện Biên, lại có góc nhìn khá khách quan về vấn đề này. Nữ sinh dự định thi vào Trường Đại Học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, và bản thân không tin vào những tập quán kiêng kị kiểu mê tín dị đoan.
Cô cho rằng, làm được bài hay không là dựa vào năng lực của bản thân, chỉ cần cố gắng thì sẽ làm được. Tuy vậy, vì sinh sống và học tập ở địa phương miền núi, Hạ Mây không tránh khỏi chứng kiến các bạn bè xung quanh theo đuổi, "tuân thủ" những truyền thống kiêng cữ ấy đến mức tự làm khó bản thân.
Nữ sinh nhận định, đó là quyền tự do lựa chọn của mỗi người, và không cần thiết phải chê bai, kì thị những người đang cố gắng tránh "điềm gở" trước kỳ thi quan trọng.
Không dám cắt tóc vì… sợ xui
Con số 13 từ xưa đến nay luôn được xem là con số đen đủi và trở thành ngày xấu nhất trong tháng. Người ta thường tránh con số này mặc dù chưa có cơ sở khoa học nào để tin vào sự xui xẻo này.
Theo đó, con số 13 luôn được các sĩ tử "tránh như tránh tà" trước những ngày thi quan trọng. Không chỉ là số báo danh, nhiều sĩ tử còn tránh tất cả những gì liên quan đến con số này như vé gửi xe, thậm chí cả mã đề thi…
Ngoài việc kiêng số 13, theo quan niệm của nhiều người, tóc là bộ phận quan trọng, vì vậy không nên cắt bỏ đầu năm, đầu tháng hoặc trước mỗi kỳ thi.
Bạn Tùng Lâm, học sinh Trường THPT Hồng Hà, Hà Nội cho biết: "Mình cắt tóc từ cách đây 1 tháng, vì cũng muốn giữ chút niềm tin "có kiêng có lành", lỡ may kiến thức rơi theo tóc. Cắt tóc sớm một chút, đến ngày thi, tóc vẫn không quá dài, không quá nóng".
Ngoài ra, quan niệm về giờ giấc nên "đi hơn, về kém" cũng được nhiều gia đình áp dụng. Việc sáng thức dậy mà đặt chân trái xuống đất trước là xui cũng được kiêng. Một số gia đình thậm chí bắt con mặc quần áo màu gì cho hợp với lứa tuổi, bản mệnh trước ngày thi, khiến không ít học sinh khổ sở.
Tốt đâu chưa thấy
Theo chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (ĐH Giáo dục- ĐHQG Hà Nội), áp lực điểm số, trầm trọng hóa kỳ thi của nhiều gia đình, khiến sĩ tử càng lo lắng.
Tâm lý càng gần đến ngày thi, cảm giác lo lắng càng dâng lên, khiến việc kiêng cữ được bố mẹ áp dụng với các con như giải pháp để trấn an tinh thần.
Mỗi vùng miền, mỗi gia đình lại nghĩ ra các phong tục, các hình thức kiêng cữ khác nhau. Phổ biến là tránh tất cả những gì có nguy cơ đến trượt, vận đen, lạc… Ví dụ kiêng ăn lạc vì sợ "lạc đề", kiêng ăn trứng vì sợ điểm "0", kiêng ăn chè đỗ đen, ăn mực vì sợ "vận đen", không ăn bí vì sợ "bí không làm được bài"…
Bên cạnh việc tránh những thứ liên quan đến "trượt", các gia đình liên tục ép thí sinh ăn uống, hành động theo hướng thể hiện khát khao mong muốn đỗ đạt.
Chẳng hạn, liên tục bắt con ăn xôi đỗ, ăn xôi gấc (cho đỏ) hoặc phải ra Văn Miếu sờ đầu rùa đội bia tiến sỹ là một biểu tượng của vinh quy bái tổ...
Tất cả những điều này, không những không đem lại may mắn cho các thí sinh trước kỳ thi mà ngược lại, càng khiến học sinh sao lãng nhiệm vụ ôn tập.
"Nhiều học sinh kể với tôi rằng, lúc ngồi nói chuyện với mọi người, vô tình nhớ mình bước ra cửa bằng chân trái hoặc vô tình vừa cắt tóc… nên trong đầu luôn luôn lơ lửng nỗi sợ.
Có thể nói, việc cha mẹ "áp" kiêng cữ trước ngày thi, thể hiện thông điệp mạnh mẽ với đứa trẻ rằng, "bố mẹ không tin tưởng vào khả năng của con".
Một khi không tin vào khả năng của mình, nhiều em dừng học và nghĩ đến các hình thức gian lận trong thi cử.
Bố mẹ cũng thử hình dung, việc chúng ta kiêng cữ, khiến trẻ tin rằng, mọi thành công hay thất bại trong cuộc sống này không phải do nỗ lực cá nhân mà do "có thờ có thiêng, có kiêng có lành", điều đó vừa mê tín vừa phản tác dụng.
Thay vì kiêng cữ, các em cần ăn ngủ và thư giãn hợp lý trước ngày thi, tránh căng thẳng", chuyên gia Trần Thành Nam nói.