“Khoảng trống” sau giờ tan trường

Trên thực tế, hiện đang thiếu vắng những cam kết ràng buộc giữa nhà trường và gia đình trong quản lý trẻ sau giờ tan trường.

Hai học sinh Nguyễn Phương Nhi và Nguyễn Bảo Ngọc (cùng là học sinh lớp 2H, Trường tiểu học Kim Đồng, Ba Đình, Hà Nội) nghi bị bắt cóc chiều 4/5 đã được tìm thấy tại một tòa nhà sát gần trường học sau 20 giờ mất tích.

Dù hai đứa trẻ đã may mắn được tìm thấy, nhưng nhiều phụ huynh vẫn không hết lo lắng khi thực tế đang thiếu vắng những cam kết ràng buộc giữa nhà trường và gia đình trong quản lý trẻ sau giờ tan trường.

Theo người trực bảo vệ tại Trường tiểu học Ngọc Khánh, thông thường mẹ bé Bảo Ngọc vẫn đón con muộn. Bé thường gửi cặp sách ở phòng bảo vệ rồi vào lớp 3H ngồi xem tivi. Ngày 4-5, bé không gửi lại cặp, nhưng bảo vệ cũng không để tâm, chỉ phát hiện điều bất thường này khi mẹ Ngọc đến đón mà không thấy con đâu.

Ở Hà Nội và các đô thị lớn khác, phần lớn trường tiểu học trong khu vực nội thành khuôn viên chật hẹp, học sinh xếp hàng còn không đủ nên càng không có chỗ cho phụ huynh vào tận nơi đón. Trẻ thường phải đứng ra ngoài cổng trường tìm đến chỗ đã hẹn trước với bố mẹ. Nhiều trường có lực lượng bảo vệ túc trực quan sát, hết giờ đón, học sinh nào chưa có bố mẹ đến đón kịp sẽ được đưa trở lại trường. Nhưng trong lúc hàng ngàn học sinh cùng tan trường, trẻ được bố mẹ đón hay tự lẻn đi đâu, thậm chí bị đối tượng lạ mặt dụ dỗ thì không trường nào dám chắc có kênh bảo đảm.

Cô Hoàng Kim Ngân - hiệu trưởng Trường Hermann - cho hay: “Với học sinh lớp 1, cô giáo có khi còn chưa nhớ hết mặt học sinh, nên nhà trường kiên quyết yêu cầu phụ huynh phải vào tận lớp đón cháu. Phải là phụ huynh học sinh thì giáo viên mới được trao tay trò” - cô Ngân nói.

Trường tiểu học Ngọc Khánh còn tổ chức hẳn một câu lạc bộ sinh hoạt sau giờ học nhằm giữ chân trẻ ở lại trường từ 16g30-17g45. Câu lạc bộ này luôn có đến 500 học sinh đăng ký (trên tổng số 1.500 học sinh của trường). “Phụ huynh bận việc phải đón con muộn đều đăng ký câu lạc bộ này. Song nói thật nhà trường không thể kiểm soát hết được sự ra vào của học sinh sau giờ tan trường, không thể chắc chắn không có sự cố được”, cô Phùng Thị Tố Nga - hiệu trưởng Trường tiểu học Ngọc Khánh - lo lắng.

Ông Nguyễn Thanh Bình - nguyên hiệu trưởng Trường tiểu học Thái Thịnh - thừa nhận nhu cầu gửi con thêm giờ rất lớn khi nhiều phụ huynh phải làm việc rất muộn, nhưng các trường không mặn mà với những cam kết này. “Sẽ rất phiền hà khi phải tính toán chuyện thu phí, rồi giờ trông trẻ... Ban giám hiệu không đứng ra làm nên có một cô giáo dạy thể dục đã nhận trông thêm giờ. Học sinh được đưa vào thư viện ngồi cho đến khi cha mẹ đến đón, phí trông vài nghìn đồng/em”, ông Bình chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Hiệp Thống- phó giám đốc Sở Giáo dục - đào tạo Hà Nội, đúng là hiện không có quy định ràng buộc việc quản lý học sinh khi hết giờ. “Quan trọng nhất là phụ huynh phải thật sự quan tâm đến con em mình, đồng thời nâng cao nhận thức, giáo dục các con học kỹ năng sống để tự bảo vệ mình. Ở các trường, tùy điều kiện cụ thể mà mỗi nơi sẽ có những thỏa thuận giữa phụ huynh với giáo viên hoặc với nhà trường”, ông Thống nói.
 
Theo Tuổi Trẻ