Khoa Luật - ĐH QGHN phối hợp với Pháp tổ chức hội thảo chống tác tại của rượu, bia
(Dân trí) - Tính chất hai mặt trong câu chuyện về rượu bia cùng những góp ý nhằm xây dựng cơ chế pháp lý kiểm soát lạm dụng rượu bia hiệu quả được nhiều chuyên gia, đại diện các cơ quan hữu quan trong nước và các nhà khoa học đến từ Pháp thảo luận thẳng thắn.
Hội thảo Quốc tế "Pháp luật về an toàn thực phẩm và phòng chống tác hại của rượu, bia ở Pháp, Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới - tiếp cận nghiên cứu so sánh" do Khoa Luật - ĐH Quốc gia Hà Nội phối hợp với Đại học Aix Marseille (Cộng hòa Pháp Pháp) tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội.
Câu chuyện mang mâu thuẫn nội tại
Phát biểu khai mạc PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh (Chủ nhiệm Khoa Luật - ĐH Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh: “Hơn lúc nào hết, ngày nay Việt Nam đang đứng trước những thách thức vô cùng lớn trong lĩnh vực vệ sinh, an toàn thực phẩm và lạm dụng rượu bia, rượu giả, rượu bẩn gây nhiều hệ lụy đến sự phát triển bình thường của xã hội Việt Nam.
Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ tiêu thụ rượu bia đứng tốp đầu châu Á và theo báo cáo của Hiệp hội Bia - rượu - nước giải khát Việt Nam, người Việt đã tiêu thụ 4 tỉ lít bia trong năm 2017. Tình trạng lạm dụng rượu bia ở mức cao khiến hàng năm, số người chết và thương tật vì tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia vẫn ở mức rất cao hàng đầu khu vực”.
Trong bối cảnh ấy, bên cạnh những cơ chế, chính sách hữu hiệu như tuyên truyền nâng cao ý thức, đạo đức của người dân và doanh nghiệp, thiết lập các cơ chế quản lý thì xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thiết lập cơ chế pháp lý thực thi hiệu quả vẫn được cho là quan trọng nhất. Tuy nhiên, xây dựng khung chính sách và luật pháp về rượu bia thường không dễ dàng, bởi tự thân vấn đề chứa đựng nhiều mâu thuẫn nội tại.
Một mặt, ai cũng nhận thức được rằng, lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác gây tác hại đến sức khỏe người sử dụng, đến gia đình, cộng đồng và kinh tế - xã hội. Mặt khác, trên thực tế thì rượu, bia là hàng tiêu dùng hợp pháp và nhu cầu sử dụng rượu bia của người dân là chính đáng.
Về bình diện kinh tế xã hội thì ngành công nghiệp rượu bia có những đóng góp to lớn trong tạo ra việc làm, tăng thu ngân sách và phát triển kinh tế, về mặt tinh thần thì nhiều nước, rượu bia là yếu tố văn hóa ẩm thực, tạo nên văn hóa của dân tộc.
Đó là phân tích của PGS.TS Nguyễn Hoàng Anh và TS. Nguyễn Thị Anh Thu trong tham luận “Luật rượu bia – từ góc nhìn lập pháp”.
“Tính chất hai mặt bộc lộ rõ nét trong câu chuyện về rượu bia: bên cạnh những tác hại lớn về kinh tế, xã hội, y tế và văn hóa, thì chính rượu bia lại mang lại những lợi ích khó phủ nhận trên tất cả các bình diện trên”, bà Hoàng Anh nói về lý do tại sao chính sách về rượu bia lại gây nhiều chia rẽ.
Theo đó, bản chất của nó ở mặt lập pháp gần giống luật về thuốc lá khi xuất phát từ nhu cầu thực tế của con người nên để “cấm” thì rất khó khăn.
Đến từ một quốc gia có “văn hóa rượu vang”, Giáo sư Laurent Sermet (Giáo sư Viện khoa học chính trị Aix en Provence, Trung tâm Luật Y tế trường Đại học Aix Marseille – Pháp) đồng quan điểm cho biết: “Ở Pháp, quyền được uống cũng đối mặt với sự mâu thuẫn sâu sắc”.
Theo chuyên gia này, quyền uống như một quyền có rất nhiều khía cạnh: một quyền phi pháp lý, quyền pháp lý, một vấn đề ngoài sự điều luật pháp và nhu cầu của công dân, một quyền không tên.
Cụ thể quyền được uống rượu bia tại Pháp gắn liền với nhu cầu đề cao giá trị cá nhân (thú vui và hội hè), sức nặng kinh tế của ngành sản xuất rượu vang, sức mạnh ngoại giao của rượu vang và rượu vang còn như hiện thân của truyền thống Thiên chúa giáo. Quyền được uống không ghi nhận trong Hiếp pháp của Pháp nhưng lại có sự bén rễ về văn hóa mạnh mẽ.
Song tất nhiên ở một mặt khác, hậu quả của rượu bia mang lại ở đất nước này cũng không nhỏ. Tại Pháp, số người chết hàng năm do rượu là 78.966 người; 1,2 triệu ca bệnh tật có liên quan đến rượu; chi phí xã hội của nước Pháp là 120 tỉ cho rượu (Theo nghiên cứu của Viện quốc gia về chất gây nghiện và chất độc hại, tháng 11/2015).
Giáo sư Laurent Sermet cho hay, pháp luật về bia rượu ở Pháp có một cách đi khác khi “quyền được uống chia sẻ giữa lí trí, sự điều độ và sự lạm dụng”.
TS. Lê Thanh Tú (Tiến sĩ Luật, Luật sư tập sự tại Trường đào tạo Luật sư EDA Sud-est, Pháp) đưa ra nghiên cứu so sánh về tình hình phòng tránh nạn lạm dụng rượu bia tại Việt Nam, Campuchia và Lào. Theo đó, lỗ hổng pháp lý về kinh doanh và quảng cáo rượu bia đã góp phần đẩy mạnh lượng tiêu thụ và nạn lạm dụng rượu bia.
“Ở Việt Nam, vì chưa có quy chuẩn chính thức để nhận biết rượu thuốc như thực phẩm chức năng hoặc sản phẩm rượu có thành phần thảo dược, các nhà sản xuất thường chọn công bố sản phẩm rượu thuốc như một thực phẩm chức năng để thu hút đối tượng tiêu thụ rộng hơn và lách luật quảng cáo dành cho rượu bia”, TS. Lê Thanh Tú dẫn chứng.
PGS.TS Lê Thị Hoài Thu và Thạc sĩ Trần Anh Tú (Khoa Luật – ĐHQGHN) kiến nghị 4 giải pháp: Thứ nhất, cần sớm có các chính sách và quy định pháp luật đầy đủ, đồng bộ về kiểm soát hoạt động sản xuất và kinh doanh bia. Thứ hai, có các quy định rõ ràng cụ thể về địa điểm, phương thức, đối tượng cấm bán rượu bia để hạn chế tính dễ tiếp cận, tính sẵn có của rượu bia. Thứ ba, siết chặt các quy định về quảng cáo, khuyến mại rượu bia. Thứ tư, cần quy định khoản đóng góp bắt buộc từ rượu bia để chi cho phòng chống tác hại từ rượu bia và nâng cao sức khỏe cộng đồng”.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Quân cho rằng, quan trọng nhất phải kể đến biện pháp tuyên truyền, giáo dục về tác hại của rượu bia để người dân tự ý thức kiểm soát trong sử dụng.
Giáo sư Antoine Leca (Giáo sư Khoa Luật ĐH Aix Marseille, Giám đốc Trung tâm Luật về Y tế) cho biết, xuất phát từ những tác hại của đồ uống có cồn đối với sức khỏe cá nhân và cộng đồng, chính quyền Pháp từ lâu đã xây dựng chính sách điều chỉnh lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ rượu. Chính sách này thay đổi trong các giai đoạn lịch sử khác nhau.
Chẳng hạn, dưới chế độ Vichy có Luật cấm mọi đồ uống có nồng độ cồn trên 16 độ, rượu mạnh làm từ goundron và annis nhưng luật không điều chỉnh rượu vang. Hoặc có Luật cấm tiêu thụ rượu mạnh trong thời gian ban ngày của các ngày thứ 3,5,7. Cấm việc quảng cáo khiến việc tiêu thụ rượu tụt giảm trong giai đoạn 1941-1944…
Từ tham chiếu với pháp luật trên thế giới, PGS.TS Nguyễn Hoàng Anh nên áp dụng chiến lược can thiệp nâng cao nhận thức và cam kết thực thi. Đồng thời, tập trung vào vai trò của các chủ thể chính trong quy trình lập pháp. Thêm nữa, các chính sách Luật về rượu bia cũng cần được sự tiếp cận, tham vấn từ công chúng và các hiệp hội.
Lệ Thu