Khó khăn vì... không có sách bài tập?!
(Dân trí) - Theo quy định bắt đầu từ học kỳ 2 năm học 2004-2005, các lớp 1, 2, 3 không được sử dụng sách bài tập. Khi quy định này triển khai đã gây rất nhiều khó khăn cho giáo viên và học sinh.
Không được luyện tập vì không có sách
Ở trường tiểu học Thành Công B, quy định không được sử dụng sách bài tập khiến cho việc dạy và học ở một số môn gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể môn đạo đức lớp 1, 2, 3 những năm trước, sách giáo khoa được viết dưới dạng sách bài tập. Dựa vào sách này HS có thể thảo luận nhóm về những tình huống, hành vi sai hay đúng. HS có thể độc lập làm việc phát huy sự sáng tạo vì thế giờ học trở nên nhẹ nhàng hơn.
Cô Trần Thu Lan, chủ nhiệm lớp 4A1, trường tiểu học Thành Công B cho hay: “Có sách bài tập thuận lợi hơn rất nhiều, thầy và trò không mất nhiều thời gian viết, ghi chép lại. Không sử dụng sách bài tập, HS không có thời gian luyện tập trên lớp nhiều như trước. Chúng tôi phải cắt bớt bài tập giống nhau...”.
Tuy nhiên, chị Nguyễn Thị Khoa, một phụ huynh trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc lại than thở, sách bài tập dù không được sử dụng nhưng phụ huynh vẫn phải mua (sách bán theo bộ). Số sách này không dùng đến, toàn vứt xó ở nhà vì nếu muốn trẻ dùng tham khảo cũng chẳng có... thời gian.
Thực tế cho thấy việc sử dụng sách bài tập trong những năm qua mang lại hiệu quả cao, đổi mới phương pháp hữu hiệu trong giảng dạy, đặc biệt đối với những lớp học 1 buổi/ngày. Dùng sách bài tập sẽ giúp HS tiết kiệm thời gian ghi chép, tập trung vào luyện tập kiến thức và làm bài tập trên lớp, vì thế HS ít phải làm bài tập về nhà. Mỗi tiết học trong sách bài tập được thiết kế để có thể kiểm tra cả kiến thức cũ, mới với các dạng bài tập vận dụng kiến thức đã học.
Theo quy định mới, ở môn Đạo đức hầu hết các trường phải sử dụng những hình vẽ trong sách để HS có thể thảo luận nhóm, vì không phải trường nào cũng có điều kiện thuê vẽ tranh vừa tốn kém, vừa mất thời gian.
Giáo viên lo “cháy” giờ
Trước đây, HS chỉ cần dùng một quyển vở ghi đầu bài để ghi tất cả các môn Toán, Tập làm văn, Sử, Địa nhưng hiện nay theo quy định mới bỏ sách bài tập thì phải thêm vào đó khá nhiều đầu vở. Bà Nguyễn Thị Liên, Hiệu trưởng trường tiểu học Trưng Vương cho hay: “Văn bản quy định các lớp 1, 2, 3 có 4 quyển vở ghi các môn nhưng nay lại có thêm vở Toán, Tiếng Việt. Thực tế, không cần thiết phải nhiều vở như thế, chỉ cần một quyển vở ghi đầu bài là đủ. Khối 4, 5 trước có vở chính tả, tập làm văn, vở ghi đầu bài, bây giờ thêm 3 quyển vở Địa, Toán, Tiếng Việt. Bắt bỏ sách bài tập, sau đó lại phải thêm mấy quyển vở khác như vậy là hai lần lãng phí - hiệu quả cũng vì thế mà... giảm”.
Cô Lưu Hồng Hạnh, Giáo viên môn đạo đức trường tiểu học Thành Công B lại cho biết: “Dạy đạo đức lớp 1, 2, 3 hiện nay quá khó, trẻ ở lứa tuổi này khả năng tập trung không cao nên không có sách trong tay là HS ngồi chơi ngay. Nhất là khi có tình huống khó thảo luận nhóm vì thế với mỗi tình huống giáo viên lại phải có ý tưởng để đặt vẽ tranh, sưu tầm băng hình, băng tiếng... Giáo viên phải tự mày mò nên vô cùng vất vả và chắc chắn nhiều trường Hà Nội thể không làm theo cách này được”...
Bộ GD-ĐT cần công bố chính thức cho các trường tiểu học được sử dụng lại sách bài tập các môn Toán, Tiếng Việt... tránh tình trạng "nửa nạc, nửa mỡ" như dạy môn đạo đức.
Trước đây dùng bảng con, viết phấn bụi bặm nhờ có sách bài tập HS không phải dùng phấn, dùng bảng.
Quy định "cấm" không cho sử dụng sách bài tập đã gây bất tiện và lãng phí lớn. Lên lớp 4, 5 HS phải tiếp thu lượng kiến thức nhiều hơn mà không được dùng sách bài tập thì mất rất nhiều thời gian. Trong lớp học, giáo viên thường quan tâm tới 3 đối tượng: khá, trung bình, yếu nên giờ muốn giúp đỡ những HS tiếp thu chậm giáo viên lại lo “cháy” giờ.
Hồng Hạnh