TPHCM:
Khi học sinh làm “ông bà nghị”
(Dân trí) - Có một Quốc hội "đặc biệt" với 120 đại biểu chính thức chỉ ở lứa tuổi từ 12 đến 17. Các đại biểu nhí chia 4 tổ thảo luận và chất vấn khá sôi nổi. Những ý kiến hay được tập hợp lại thành bản kiến nghị gửi Quốc hội và Bộ GD-ĐT.
Kỳ họp thứ nhất "Quốc hội trẻ" do Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam tổ chức cho 120 học sinh trên địa bàn TPHCM và các tỉnh lân cận vào ngày 28/3 đã thu hút sự quan tâm của nhiều người lớn. Trong vai trò là đại biểu đặc biệt, bà Phạm Phương Thảo - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TPHCM - đã theo suốt phiên họp này.
Các vấn đề như đổi mới thi cử, chương trình học, đạo đức học đường, sân chơi trong nhà trường… được các đại biểu tuổi học trò thảo luận tổ khá nghiêm túc. Dưới góc nhìn trẻ thơ, các đại biểu phân tích mặt tốt, chưa tốt, rồi đề xuất những giải pháp cần thiết.
Nhiều ý kiến cho biết tình trạng học thêm tràn lan hiện nay là do bố mẹ muốn con được điểm cao hơn. Vài lí do học thêm để được thầy cô ưu ái, cho điểm cao hơn và đặc biệt là để... biết trước đề kiểm tra. Tuy nhiên, các bạn vẫn rút ra được vấn đề bản thân có tự học hay không. “Bố mẹ, thầy cô nên tư vấn cho con phương pháp để tự học là tốt nhất”, đại biểu Trần Phan Kiều Anh (THPT Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đề xuất.
Không chỉ thế, vấn đề sân chơi cho học sinh hiện nay cũng làm hội trường Quốc hội giả định "nóng" lên. Một đại biểu góp ý rằng: “Thay vì làm sân chơi bằng bê tông thì nên làm bằng cỏ nhân tạo để học sinh chơi không bị tai nạn mỗi khi té. Dù tốn chi phí nhưng an toàn là trên hết”.
Còn đại biểu Đặng Trần Phú Lộc (Trường THCS Bàn Cờ, Q.3, TPHCM) thì nêu thực trạng: “Sân chơi ở trường rất nhỏ, không đủ cho lượng học sinh đông. Đá bóng thì không đủ diện tích chơi, đá cầu cũng bị cấm”.
Ngoài ra, các vấn nạn trong thi cử, phương pháp thi nào hợp lý cũng được Quốc hội trẻ “mổ xẻ”. Ở nhiều nước, thi trắc nghiệm được phổ biến từ năm 1960, trong khi ở ta, từ lớp 1 chủ yếu là thi tự luận. Nhưng đến năm lớp 12 thì phải thi trắc nghiệm. “Như vậy, chỉ một năm thì làm sao thích nghi được với phương pháp thi này được”, chất vấn của đại biểu Nguyễn Ngọc Lan Anh (THPT Nguyễn Thượng Hiền, quận Tân Bình, TPHCM).
Để "xóa sổ" tình trạng gian lận trong thi cử nên có phương pháp thi mới, đại biểu Nguyễn Tấn Lộc (THPT Ngô Quyền, tỉnh Đồng Nai) cho rằng: “ Nên bắt đầu thi đề mở, vì không cần phải học thuộc lòng mà buộc phải vận dụng những kiến thức đã được cung cấp, kiến thức xã hội để ứng dụng vào bài làm”.
Kết thúc kỳ họp lần thứ nhất này, những ý kiến hay được tập hợp lại thành bản kiến nghị gửi Quốc hội và Bộ GD-ĐT.
Nguyễn Ngọc Minh Thanh (học sinh Trường Chuyên Trần Đại Nghĩa, Q.1, TPHCM) trong vai trò Chủ tịch Quốc hội trẻ đã trình bày bản kiến nghị với các nội dung như: Tăng lương cho thầy cô để hạn chế giáo viên phải dạy thêm; Định hướng nghề nên thực hiện từ cấp 2 để giúp các em hiểu sâu về nghề nghiệp hơn; Đưa kĩ năng sống vào bài giảng, hạn chế lí thuyết và áp dụng nhiều thực tiễn hơn; Thi đề mở để tránh gian lận; Môn đạo đức lâu nay chỉ được chú trọng tới lớp 5 là lí do tình trạng bạo lực học đường tăng cao từ cấp 2 trở đi;…
Có mặt suốt phiên họp, bà Phạm Phương Thảo chia sẻ: “Phát biểu của các em rất ngây thơ, hồn nhiên nhưng cũng rất thẳng thắn và có tầm. Các trăn trở của các em cũng liên quan đến vấn đề lớn của đất nước: chương trình học, thi cử, vui chơi. Những điều này khiến người lớn phải suy nghĩ thêm trong việc đầu tư, không chỉ chất lượng giáo dục mà cả về cơ sở hạ tầng, sân chơi cũng cần phải nhiều hơn.
Tôi mong muốn các em trưởng thành từ những bài giảng của nhà trường và sự tự rèn luyện thành người có ích. Không chỉ có những buổi sinh hoạt như thế này, biết đâu, các em sẽ là những đại biểu Quốc hội của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trong tương lai”.
Được biết, kỳ họp thứ 2 của "Quốc hội trẻ" sẽ được tổ chức vào tháng 6 tới, trong đó nội dung thảo luận chính là sân chơi mùa hè cho các em.
Bài và ảnh: Lê Phương