"Khi học không sáng tạo, thi làm sao sáng tạo được!"

(Dân trí) - Dù rất sợ những đáp án môn Văn nhưng Kim Ngân (tác giả bài viết <a href="http://dantri.com.vn/giaoduc-khuyenhoc/2005/6/58192.vip" >"Em sợ những đáp án môn Văn"</a>) vẫn phải đối diện với chúng qua kỳ thi ĐH, CĐ 2005. Rời phòng thi với tâm trạng "còn nhiều điều chưa ưng ý”, Ngân vẫn cười rất tươi khi trò chuyện với chúng tôi.

Cảm giác đầu tiên của em sau khì thi ĐH?

 

Vẫn còn đôi chút lo lắng vì không biết bài làm như thế đã tốt chưa? Điểm như thế nào? Nhưng mà đã thấy thoải mái hơn rất nhiều vì dù sao cũng đã chấm dứt một thời gian dài lo lắng.

 

Hãy bắt đầu với môn Văn, môn học em yêu thích và có nhiều trăn trở trước kỳ thi. Đề thi Văn có làm em thấy khó hay bất ngờ chút nào không?  

 

Đề văn vừa sức về suy nghĩ nhưng để viết thì hơi dài. Dĩ nhiên, viết sâu thì dài nhưng  chỉ trình bày đủ ý thì không hẳn như vậy. Theo suy nghĩ của em, bài “ Kính gửi cụ Nguyễn Du” khá  “sốc” với học sinh nói chung vì bài ấy không được nhiều người coi là trọng tâm. Em không có ý nói về tủ mà muốn nói tới hướng suy nghĩ. Với câu ấy, chỉ những người có bản lĩnh tốt mới thể hiện hay được. Em nghĩ câu hỏi phụ cho thời gian và điểm hợp lí.

 

Trong bài viết của em gửi chúng tôi, em có viết “học sinh không dám chệch ra đường ray”? Vậy em có bị ám ảnh bởi một “đáp án” nào đó hay những khuôn mẫu cho bài văn trong kỳ thi này hay không?

 

Vừa rồi thi tốt nghiệp xong, em đọc đáp án tốt nghiệp thì hình như có một sửa đổi nào đó. Đáp án thi Văn đã cho điểm theo ý lớn chứ không phải ý nhỏ như năm ngoái nữa. Thế là tự nhiên lần này em yên tâm và em viết thoải mái hơn. Tất nhiên cũng phải có một đường ray nhất định cho mình chứ nếu viết “quá quá” thì lại thành bài văn lạ và lại lên báo.

 

Em đã từng viết rằng, đã có lúc em nghĩ em xứng đáng được điểm 7,5. Nếu cho em tự chấm bài thi Văn vừa rồi, em có cho mình đạt điểm đó không?

Em nghĩ bài này em có thể được 7,5. ít ra cũng trả cho em 0,5 điểm một trang chứ, em viết 15 trang mà không được 7 điểm thì chắc em “oan” quá. Em viết xong mà mỏi hết cả tay cơ mà (cười). Nhưng em viết theo tư duy của mình, chứ không phải bịa đâu. Dẫu vậy, em cũng nghĩ chưa chắc những ý em tư duy có khớp được với đáp án hay không?

 

Thi tốt nghiệp phổ thông em được mấy điểm cho môn Văn?

 

Em được 9 điểm. Không ngờ điểm lại cao vống lên như vậy (cười tiếp).

 

Để vượt qua kì thi thì dĩ nhiên còn phải nói tới các môn khác chứ không chỉ môn “tủ” của em. Cảm nhận của người học Văn với môn Toán và tiếng Anh ra sao?

 

Đề Toán khối D khó hơn khối A nhưng không phải khó theo kiểu không làm được. Kể cả tiếng Anh cũng có gì đó chưa thật ổn vì tiến tới năm sau làm trắc nghiệm người ta hứa 50-75 % trắc nghiệm nhưng em tính chỉ có 25%, còn lại hoàn toàn là viết.

 

Cái khó nữa của tiếng Anh là tìm “trọng âm”, bọn em không được học. Trong SGK 3 năm không có, 7 năm cũng không có và chúng em cũng không được dạy. Chỉ những ai chăm chỉ học thì phải  lấy phần từ điển đằng sau sách để tự học thuộc. Trong phòng thi ai cũng phàn nàn phần này nhưng vẫn phải “sống chung” với chúng.

 

Em xử lý phần này ra sao?

 

Em làm theo thủ thuật của người Mỹ là để tay dưới cằm, khi đọc thì từ nào thấy tay mình bị ấn xuống thì từ đó là “trọng âm”. Nhưng làm như thế mọi người xung quanh đều biết mình đang đọc cái gì... Em lo nhất môn tiếng Anh.

 

Sau khi bài viết của em đăng trên Báo Khuyến học & Dân trí cùng một tờ báo khác, nhiều người đã biết tới em. Em có cảm thấy bị áp lực không?

 

Bạn bè của em biết em rồi nên ai đọc cũng hiểu mình thôi và thực ra trong bài viết em cũng có nêu một phần ý kiến của bạn bè em. Ngoài ra, sau khi bài báo đăng em nhận được rất nhiều ý kiến chia sẻ qua e-mail. Có một số ít người chê rằng: bạn không nên phê phán Phi Thanh (đoạn này được đăng trên một tờ báo khác) vì Phi Thanh là người đưa đường cho bạn nói lên điều gì đấy. Một vài người còn nói: Em có thấy “sự sáng tạo” em yêu cầu là “ngố”, là ngớ ngẩn trong xã hội người lớn không? Em nghĩ là các anh chị ấy coi em là quá bé hay sao ấy. Nhưng thôi đó là ý kiến của mọi người thì tiếp thu thôi nhưng em cũng buồn cười.

 

Thực ra, em không thích xuất hiện trên báo - chính điều này là áp lực lớn nhất. Hình như em quen đứng đằng sau rồi. Áp lực nữa là em không muốn mọi người so sánh với Thanh.  Em với Thanh suy nghĩ khác nhau, những người khen thì nói: “cám ơn hai em”. Còn người chê thì cho rằng em đã đi theo con đường của bạn ấy.

 

Qua kỳ thi này em cũng được trao đổi về quan niệm học Văn với nhiều người? Chắc hẳn vẫn có những người không đồng tình với quan điểm của em?

 

Em nghĩ một số khá đông vẫn học theo kiểu học thuộc Văn, vẫn đi học lò và các bạn vẫn không thích đáp án “mở”. Mà không hiểu sao tư tưởng của các bạn ấy một là học thuộc hai là bịa. Ra khỏi phòng thi, em thấy các bạn đều bảo nhau: “bịa được mấy trang” hay “cố bôi thêm mấy trang nữa”.

 

Đó là do cách học, cách dạy, từ trước đến nay. SGK đưa cho chúng em là “nhồi” hoàn toàn. Các bài học quá dài, thời gian ngắn làm sao có chỗ cho cảm thụ được. Soạn bài thì chép đến khi học lại chép tiếp. Em nghĩ là trong lúc học không cho bọn em sáng tạo thì lúc làm bài cũng khó sáng tạo được.

 

Dự thi ĐH Ngoại ngữ rồi, em có dự định học báo nữa không? 

 

Có chứ ! Em nghĩ rồi, nếu em đỗ thì em sẽ học một khoá nghiệp vụ báo chí 18 tháng nhưng mà trước tiên phải  xem có đỗ hay không? Nếu đủ kiên nhẫn, em sẽ học văn bằng hai.

 

Cảm ơn em, và chúc em có kết quả khả quan trong kỳ thi đại học này.

 

Mạnh Cường (thực hiện)