Khi giáo viên được trao quyền “lãnh đạo“

Đã đến lúc các giáo viên được trao quyền lãnh đạo trong phạm vi công việc của mình… Họ cần là những người trước hết là làm chủ công việc của mình, sau đó là truyền cảm hứng cho những người khác, dẫn dắt tập thể học sinh và đóng góp vào việc cải thiện nhà trường.

Khi giáo viên được trao quyền “lãnh đạo“ - 1

Giáo viên - người “lãnh đạo dạy học”

Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Liên (Trường ĐH SP Hà Nội) cho rằng, khi được trao quyền, giáo viên trở thành người làm chủ trong nhà trường, chủ động tham gia đóng góp cho việc xây dựng tầm nhìn của nhà trường.

Mặt khác, người giáo viên trong nhà trường thực sự là quản lý - lãnh đạo trực tiếp hoạt động dạy học - đặc biệt là hoạt động học của người học. Để làm tốt được vai trò là người “lãnh đạo dạy học” này, giáo viên cần thiết lập “tầm nhìn” hay “mục tiêu” cho lớp học nói chung và cho mỗi học sinh nói riêng.

Một người giáo viên biết thiết lập mục tiêu dạy học, giáo dục tốt là người giáo viên bắt đầu bước đầu tiên đi đến thành công trong nỗ lực đưa học sinh tới đích của sự phát triển

Bước thứ hai trong vai trò người lãnh đạo dẫn dắt sự thành công của người học, theo thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Liên, là việc xây dựng kế hoạch để hiện thực hóa mục tiêu đặt ra, gồm: Kế hoạch để thực hiện mục tiêu phát triển bản thân đáp ứng yêu cầu công việ; kế hoạch thực hiện mục tiêu dạy học, giáo dục phát triển người học và kế hoạch hỗ trợ người học trong việc xây dựng và thực hiện mục tiêu của bản thân.

Khi đã thiết lập được mục tiêu và xây dựng kế hoạch thực hiện mục tiêu, để biến mục tiêu, kế hoạch đó thành hiện thực, người giáo viên cần thể hiện vai trò lãnh đạo của mình qua việc đoàn kết, tập hợp sức mạnh tập thể. Sức mạnh tập thể ở đây trước hết là tập thể nhà trường, tập thể giáo viên và sau nữa là tập thể lớp học học sinh.

“Như vậy, với vai trò là người lãnh đạo giáo viên sẽ chủ động hợp tác, phát triển bản thân và những người xung quanh qua đó họ xây dựng được sức mạnh của tập thể giáo viên và điều này có lợi cho nhà trường mà trực tiếp nhất là người học.

Bên cạnh đó, khi người giáo viên được trao quyền và hướng dẫn khả năng lãnh đạo, họ sẽ là nhân tố quan trọng trong việc đoàn kết, xây dựng sức mạnh cho tập thể người học đồng thời bằng sự ảnh hưởng của mình khuyến khích động viên tập thể đó đi đến thực hiện thành công mục tiêu đặt ra” - thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Liên cho hay.

Để thực sự trở thành người “lãnh đạo dạy học”, thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Liên còn nhấn mạnh đến việc xây dựng hình ảnh, uy tín và truyền cảm hứng cho người học, tránh trở thành chiếc “máy nói” cứng nhắc. Đồng thời, biết cách ra các quyết định phù hợp trong quyền hạn của bản thân; tạo ra những thay đổi trong tổ chức, với bản thân và người học; tạo dựng môi trường làm việc, học tập chuyên nghiệp, xây dựng văn hóa tổ chức lớp học

“Cùng với sự thay đổi của xã hội, giáo dục nói chung và vai trò của người giáo viên nói riêng cũng cần có những thay đổi. Từ vị thế một người “bị quản lý, lãnh đạo” giờ họ cần được trao cho vị thế “người quản lý, lãnh đạo”. Chỉ có như vậy, người giáo viên mới phát huy được hết sự chủ động, tích cực sáng tạo của mình” - thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Liên khẳng định.

Cần có sự thay đổi về quan niệm lãnh đạo

Làm thế nào để tăng cường vai trò lãnh đạo của người giáo viên trong nhà trường? Trả lời câu hỏi này, thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Liên cho rằng, cần có sự thay đổi về quan niệm lãnh đạo; trong đó khẳng định lãnh đạo nhà trường không chỉ là vai trò chức năng của hiệu trưởng hay mở rộng là ban giám hiệu mà là vai trò, trách nhiệm của cả các giáo viên.

Để thực hiện được việc này, cần có sự nhận thức và thay đổi từ nhiều phía trong đó có vai trò của người hiệu trưởng và bản thân các giáo viên

Cụ thể, về phía hiệu trưởng, cần nhận thức được vai trò lãnh đạo của giáo viên và hiệu quả của việc trao quyền lãnh đạo cho giáo viên trong nhà trường; trao quyền lãnh đạo thực tế cho giáo viên; đồng thời hỗ trợ hiệu quả cho giáo viên trong việc thực hiện vai trò lãnh đạo của mình.

Cùng như người hiệu trưởng, bản thân giáo viên cũng cần nhận thức được vai trò lãnh đạo của mình và hiệu quả mang lại từ vai trò này đối với sự phát triển của nhà trường nói chung và học sinh nói riêng. Thay đổi quan niệm “bị lãnh đạo”, chủ động, tích cực nắm lấy vai trò lãnh đạo trong các hoạt động đặc biệt là hoạt động dạy học. Bên cạnh đó, học hỏi tìm hiểu lý thuyết về quản lý lãnh đạo và rèn luyện các kỹ năng lãnh đạo hiệu quả trong thực tế.

“Lãnh đạo là quá trình gây ảnh hưởng tới các cá nhân hoặc nhóm bằng các tác động tích cực nhằm đạt tới mục tiêu nhất định. Với ý nghĩa đó, chỉ khi nào người giáo viên thay đổi vai trò “người bị quản lý lãnh đạo” thành vai trò “người quản lý - lãnh đạo” thì mới có thể nói tới tích cực hóa người dạy, tích cực hóa người học và nâng cao chất lượng giáo dục.

Vai trò lãnh đạo của người giáo viên cần được thể hiện ở mọi lĩnh vực, mọi hoạt động của nhà trường mà trước hết là hoạt động dạy học và giáo dục. Chất lượng của một nền giáo dục phụ thuộc vào chất lượng của mỗi nhà trường.

Chất lượng của mỗi nhà trường lại được quyết định bởi tính tích cực, chủ động, sáng tạo và sức ảnh hưởng của người giáo viên. Điều này có được chỉ khi giáo viên thoát khỏi sự thụ động của vai trò bị lãnh đạo, quản lý” - thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Liên nêu quan điểm.

Theo Hải Bình

Giáo dục & Thời đại

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm