Khi Bộ trưởng là chính khách
(Dân trí) - Nói đến từ chính khách, ta thường nghĩ đến những người tài ba trong lịch sử Trung Quốc xưa như Tề Án Anh, Trương Nghi, Tô Tần... với tài du thuyết của mình đã đem lại lợi ích cho quốc gia. Những vị đó là những chính khách của thời đại.
Có thể nói, chính khách làm nhiệm vụ chính trị, nhưng là chính trị ở tầm vĩ mô, tầm chiến lược, có thể đi đây đi đó nhưng có thể chỉ ở yên một chỗ mà nghĩ ra được những quyết sách lớn kiểu “văn kề gối phượng yên trăm họ”.
Trong thời đại ngày nay, có thể xem các vị Tổng thống, Thủ tướng, Phó thủ tướng và các vị Bộ trưởng thường xuất hiện trên chính trường quốc tế là những chính khách. Với tài năng ở tầm chiến lược của mình, họ đã đến những nơi “nóng bỏng” về chính trị để hoà giải, thương lượng, đấu tranh và đã giành những thắng lợi rực rỡ.
Tôi chưa thấy có qui định cán bộ lãnh đạo cỡ nào thì được gọi là chính khách, nhưng cứ tạm căn cứ vào ý kiến của PGS.TS Phạm Hồng Thái, thì từ hàm Bộ trưởng trở lên có thể gọi là chính khách, mà đã là chính khách là cần ngồi nghĩ ra những vấn đề chiến lược cho toàn cục hơn là cứ đi hội họp nhiều.
Liên hệ tới ngành Giáo dục và Đào tạo hiện hay, rất mừng và cũng đáng ca ngợi cái tâm của tân Bộ trưởng, mới chân ướt chân ráo nhận nhiệm vụ đã phải giải quyết nhiều vấn đề gay cấn, nóng bỏng mà bàn dân thiên hạ đều biết và trông ngóng. Tân Bộ trưởng, một chính khách của nền học vấn nước nhà đã vào Nam, ra Bắc, thăm thú tỉnh này, khen thưởng thầy nọ... như một tướng tiên phong của một đạo quân.
Cái tâm, cái đức ấy của một chính khách thật là quí hoá, nhưng thiết nghĩ, những vụ việc cần giải quyết lâu nay nên giao cho các tướng tiên phong khác trong ngành, để vị tổng tư lệnh của sự nghiệp giáo dục cần ngồi nghiên cứu từng ngành học, cấp học. Ví như đối với Mầm non là vấn đề chế độ đãi ngộ; với Tiểu học là hiệu quả của Chương trình Tiểu học năm 2000; với Trung học cơ sở là vấn đề chuyển cấp và với Trung học phổ thông là vấn đề phân ban đang còn nhiều băn khoăn trăn trở...
Không một nhà dân nào ở nước ta mà không “dính” tới giáo dục và như vậy là “trăm họ” đang trông chờ vào những quyết sách lớn, chính sách của nhà chính khách.
Tùng Thạch
(Hội Khuyến học Hà Tĩnh)