Khan hiếm học viên, trường nghề “đua nhau” giải thể

60% số học sinh tốt nghiệp THPT không vào đại học nhưng các trường nghề vẫn mỗi ngày một “teo tóp” vì không tuyển sinh được. Vậy, học sinh đi đâu?

Trường nghề “teo tóp”

Theo các chuyên gia giáo dục, với hàng loạt thay đổi trong xét tuyển vào đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) những năm gần đây đã khiến cánh cửa vào ĐH ngày càng rộng mở. Điều đó đồng nghĩa với việc các trường nghề càng “đuối” trong cuộc chạy đua giành thí sinh.

Ngày càng nhiều học sinh chọn trường nghề làm điểm đến thay vì trường ĐH (Ảnh chụp tại Trường CĐ nghề công nghệ cao Hà Nội). (Ảnh: Minh Nguyệt)
Ngày càng nhiều học sinh chọn trường nghề làm điểm đến thay vì trường ĐH (Ảnh chụp tại Trường CĐ nghề công nghệ cao Hà Nội). (Ảnh: Minh Nguyệt)

Theo Sở GDĐT Quảng Ninh, cả tỉnh có 23 cơ sở đào tạo trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) với quy mô hơn 7.000 học viên, tuy nhiên năm nay số lượng học viên tuyển sinh đã giảm rõ rệt. Lãnh đạo Sở này lo lắng, mục tiêu đến năm 2020 phải phân luồng được 30% học sinh tốt nghiệp THCS vào trường nghề sẽ... vỡ, vì hiện tỉnh này mới đạt 15% chỉ tiêu.

Tương tự, ông Phạm Văn Đại – Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cũng thông tin, các trường TCCN của Hà Nội chỉ tuyển sinh được 50% số chỉ tiêu được giao, trong đó có tới trên 25% số trường không tuyển sinh được.

Nhiều trường nghề vì không thể tuyển sinh được học viên đã phải giải thể, đóng cửa ngành học, như: Hệ TCCC của Trường CĐ miền Nam năm 2016 phải trả hồ sơ và học phí cho người xin xét tuyển vì chỉ nhận được 9 bộ hồ sơ suốt nhiều tháng liền chiêu sinh; Trường Trung cấp Kỹ thuật cơ khí giao thông trước đó cũng phải xin giải thể do nhiều năm liên tiếp không tuyển sinh được...

Theo các chuyên gia giáo dục, nghịch lý về sự phân luồng giáo dục chưa hợp lý là nguyên nhân của con số cử nhân thất nghiệp mỗi năm một lớn trong khi nhiều nghề lại thiếu lao động.

Thiếu tin tưởng nên không chọn học nghề

Trả lời câu hỏi: “Không vào ĐH hay học nghề, vậy học sinh đi đâu?”, ông Nguyễn Quốc Cường - Phó ban Đào tạo Hội giáo dục nghề nghiệp TP.HCM nhận định: “Với cơ chế hiện nay, các trường nghề phải tự bơi khi chưa có sự nhất quán chung, phụ huynh và xã hội sẽ không có được sự tin tưởng. Không tin tưởng thì rất khó chọn học nghề. Do đó, không ít bạn trẻ tìm con đường du học hoặc kinh doanh, đi làm công nhân chứ không học nghề”.

Ông Cường phân tích, có một “nút thắt” trong tuyển sinh khiến cho chính thí sinh và các trường nghề không thể chủ động được đó là hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia của Bộ GDĐT cấp cho thí sinh không có phần đăng ký nguyện vọng vào các trường CĐ và trung cấp nghề. Điều này bắt buộc thí sinh phải trượt ĐH mới có thể làm bước thứ hai là đăng ký học nghề nếu muốn. Một nguyên nhân khác là tâm lý chuộng bằng cấp, dù đã được tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp nhưng vẫn còn tồn tại trong các gia đình. Các bậc phụ huynh vẫn muốn con mình học ĐH.

Còn theo ông Cao Văn Sâm – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTBXH), trong tương lai và lâu dài, trường nghề muốn bứt phá thì phải đổi mới. “Lao động Việt Nam không chỉ cạnh tranh với lao động trong nước mà còn phải cạnh tranh với cả lao động khu vực và quốc tế, đặc biệt cạnh tranh với robot. Vì vậy, ngoài việc nâng cao chất lượng tuyển sinh, việc đổi mới chất lượng dạy nghề cũng rất quan trọng và cần thiết” – ông Sâm lý giải.

Theo ông Sâm, giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng dạy nghề chính là thay đổi cách dạy từ truyền thống sang hiện đại. Muốn vậy cần kêu gọi, hỗ trợ để doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo. Từ đó hình thành kỹ năng thực tế cho học sinh, giúp các em vừa học vừa hành.

Ông Cường cũng đề xuất giải pháp, để trường nghề có thể sống và giúp học sinh xác định được khả năng nên chọn học nghề hay vào ĐH, khi Bộ GDĐT phát hành hồ sơ đăng ký dự thi, Bộ LĐTBXH cũng cần có động thái giúp học sinh hiểu rõ cơ chế xét tuyển và cơ hội khi vào các trường nghề.

“Đừng đợi đến khi các em thi trượt ĐH rồi mới gượng ép đi học nghề. Khi tâm lý miễn cưỡng như vậy, các em cũng không thể học nghề tốt được” – ông Cường nói.

Hiện nay, vào bất cứ doanh nghiệp nào ở các khu công nghiệp cũng thấy có tới 95% lao động phổ thông sản xuất trực tiếp, số còn lại, khoảng 5% là lao động gián tiếp (hành chính, quản lý) yêu cầu trình độ đại học. Thực tế là vậy, nếu còn đào tạo ngược (học cử nhân xong lại quay về học nghề) sẽ gây lãng phí rất lớn”.

Ông Cao Văn Sâm - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTBXH)

Theo Tùng Anh - Minh Nguyệt

Dân Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm