Khám phá khoa học rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ
Từ 6 đến 15 tuổi là “thời gian vàng” để trẻ hòa mình vào những trải nghiệm khám phá khoa học, góp phần hình thành kiến thức, kỹ năng và nuôi dưỡng đam mê, sở thích trong tương lai.
Từ 6 đến 15 tuổi: Thời điểm phát triển quan trọng!
Từ 6 đến 10 tuổi, nhận thức của trẻ hình thành dựa vào sự trải nghiệm, quan sát thế giới trực quan sinh động xung quanh. Trẻ thường bị thu hút bởi các hoạt động mới mẻ, mang màu sắc, tính chất khác lạ. Đây là các yếu tố kích thích cảm nhận và phát triển tư duy ở trẻ. Sự quan sát, đặt câu hỏi không ngừng của trẻ em lúc này là một trong những đặc điểm thể hiện khả năng của các nhà “khoa học nhí” tương lai. Ngoài ra, trong độ tuổi này, trẻ có thể bộc lộ các năng khiếu như: khoa học, âm nhạc, hội họa… khi đó, phụ huynh cần tinh ý nắm bắt để bồi dưỡng năng khiếu kịp thời.
Khi bước vào bậc THCS, độ tuổi 11 đến 15 là giai đoạn với nhiều thay đổi đặc biệt. Các em đang trong giai đoạn hình thành nhân cách, đang cố gắng thích ứng với những phát triển tâm sinh lý. Các em muốn được tôn trọng, tự khám phá bản thân. Khi đó, việc trang bị nhiều kỹ năng tự lập trong học tập, sinh hoạt, giúp các em có thể ra quyết định và học cách tự giải quyết vấn đề của mình. Giai đoạn đặc biệt này cũng là thời điểm chuẩn bị quan trọng nhất về tâm lý, thể chất, kiến thức khoa học tạo nên bước đệm quan trọng cho quá trình trưởng thành sau này. Các buổi giao lưu ngoại khóa, tìm hiểu khoa học đặc biệt có ích.
Lợi ích của việc trải nghiệm khoa học sớm ở trẻ
Sáu tuổi là giai đoạn trẻ em có khả năng tiếp thu khá tốt. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khi được tiếp xúc môi trường thông tin khoa học ở độ tuổi này, trẻ sẽ học được và hình thành tư duy khoa học ngay từ nhỏ. Chẳng hạn, những hoạt động đơn giản sau đây cũng là trải nghiệm khoa học rất bổ ích cho trẻ: Cùng làm những thí nghiệm đơn giản với nước, giấy hay tham gia vào các câu lạc bộ, hội nhóm về khoa học và công nghệ trên trường hoặc trên mạng xã hội, hay tham gia các hoạt động ngoại khóa khám phá khoa học…
Thông qua các trải nghiệm khoa học này, trẻ có thể học và phát triển rất nhiều kỹ năng như kỹ năng quan sát, so sánh, phân loại, giải quyết vấn đề, sáng tạo, làm việc nhóm, giao tiếp… Các kỹ năng này chỉ có thể hình thành được trong quá trình trải nghiệm thực hành.
Xã hội càng hiện đại, con người càng cần đến hiểu biết các kiến thức khoa học, môi trường, sức khỏe… để đưa ra nhận định, đánh giá, chọn lựa và ứng dụng vào cuộc sống.
Hãy để trẻ “chơi” hết mình với sân chơi khoa học
Để có thể góp phần thắp lên ngọn lửa đam mê khoa học cho các em, công ty Sony Electronics Việt Nam đã tổ chức các chương trình Tìm hiểu Khoa học cùng Sony với nhiều chủ đề lí thú. Năm 2018, cùng chủ đề “Tìm hiểu nguyên lý hoạt động và hướng dẫn lắp ráp máy ghi âm”, chương trình lần thứ 17 này đã thu hút 100 kỹ sư nhí từ các trường tiểu học Núi Thành và trường tiểu học Phan Thanh thuộc quận Hải Châu, Đà Nẵng.
Dưới sự hướng dẫn nhiệt tình từ các anh chị tình nguyện viên Sony Electronics Việt Nam, các em đã hào hứng “làm quen” với các bộ phận cấu tạo nên chiếc máy, tự lắp ráp các linh kiện như micro, loa, bo mạch, hộp pin,… thành một chiếc máy ghi âm hoàn chỉnh của riêng mình.
Em Quỳnh Anh, học sinh Trường Tiểu học Núi Thành, Đà Nẵng chia sẻ: “Em rất vui khi được tham gia một chương trình thú vị và bổ ích như thế này. Em thật bất ngờ khi có thể tự tay lắp ráp được máy ghi âm và chiếc máy hoạt động rất tốt. Sau này lớn lên, em cũng sẽ chế tạo ra nhiều chiếc máy thú vị và dạy lại các em nhỏ giống như các anh chị đã làm hôm nay”.
Từ lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam vào năm 2011 đến nay, chương trình Tìm hiểu Khoa học cùng Sony đã thật sự trở thành một hoạt động ngoại khóa thực hành khoa học hàng đầu cho học sinh tiểu học và THCS ở 3 thành phố lớn: TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Dự kiến chương trình sẽ mở rộng phạm vi tổ chức đến các tỉnh thành khác trong cả nước, mang đến nhiều cơ hội hơn nữa cho các em học sinh được tiếp cận với chương trình khoa học thực tiễn bổ ích này, cũng như góp phần tạo nền tảng hướng nghiệp cho học sinh Việt Nam ngay từ bậc tiểu học và THCS.