Khai mạc đợt khảo sát chính thức đánh giá ngoài Học viện Báo chí và Tuyên truyền
(Dân trí) - Sáng ngày 7/4, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức khai mạc đợt khảo sát chính thức phục vụ đánh giá ngoài nhà trường.
Đợt khảo sát kéo dài 5 ngày được thực hiện theo hợp đồng đánh giá ngoài giữa Học viện Báo chí và Tuyên truyền với Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam để thực hiện việc kiểm định chất lượng đánh giá ngoài đối với trường.
Trước đó, vào ngày 25/3 vừa qua, Đoàn chuyên gia Đánh giá ngoài do GS.TSKH. Bành Tiến Long, Ủy viên Hội đồng Chính sách khoa học và Công nghệ, Ủy viên Hội đồng Giáo sư Nhà nước làm Trưởng đoàn đã đến khảo sát sơ bộ tại Học viện.
Phát biểu tại lễ khai mạc đợt đánh giá ngoài chính thức, PGS.TS Trương Ngọc Nam, Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Tự đánh giá Học viện Báo chí và Tuyên truyền bày tỏ vui mừng vì đợt khảo sát chính thức đã diễn ra đúng tiến độ sau hơn 1 năm tích cực chuẩn bị.
“Sau một thời gian tiến hành tự đánh giá, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã hoàn thành báo cáo Tự đánh giá và đăng ký đủ điều kiện chính thức tiến hành đánh giá ngoài với Trung tâm Kiểm định chất lượng - Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam. Đây là bước đi quan trọng trong chiến lược chuẩn hóa hoạt động của nhà trường theo định hướng chất lượng, hiện đại và hội nhập. Đợt đánh giá ngoài lần này là sự kiểm tra nghiêm túc đối với các hoạt động của Học viện từ tổ chức cán bộ, đào tạo nhân lực, nghiên cứu khoa học, hợp tác tài chính quốc tế, quản lý nhà trường”, PGS.TS Trương Ngọc Nam nhấn mạnh.
Giám đốc Học viện mong rằng đoàn đánh giá ngoài sẽ có những tư vấn, hướng dẫn cụ thể giúp Nhà trường có thể chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đáp ứng được các tiêu chí đặt ra trong bộ tiêu chuẩn đánh giá kiểm định chất lượng, từ đó giúp Nhà trường khẳng định công khai chất lượng đào tạo trước xã hội.
Thay mặt Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, PGS.TS Nguyễn Phương Nga (Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, cố vấn đoàn đánh giá ngoài) khẳng định, kiểm định chất lượng giáo dục là công cụ khách quan, minh bạch, công khai để khẳng định vị thế nhà trường, sản phẩm đào tạo và nghiên cứu khoa học của nhà trường đối với xã hội, cộng đồng.
Theo đó, với tuổi đời 58 năm từ khi thành lập đến nay, Học viện Báo chí và Tuyên truyền có đội ngũ cán bộ giảng viên hùng hậu là 405 người, trong đó 246 người là giảng viên cơ hữu; tỉ lệ giáo sư, phó giáo sư tiến sĩ trên 42% (một trong những tỉ lệ cao nhất cả nước - trung bình cả nước là 22%).
“Học viện có đóng góp đáng kể cho sự nghiệp giáo dục cả nước, như báo cáo của trường là hoàn thành 631 đề tài nghiên cứu các cấp, 65% sinh viên ra trường có việc làm. Những con số đó là công bố của nhà trường đối với xã hội.
Tuy nhiên để có được đánh giá khách quan nhất, đoàn đánh giá ngoài mong muốn toàn thể cán bộ, giảng viên, sinh viên học viên cao học của nhà trường sẽ làm việc nghiêm túc, phối hợp chặt chẽ, cung cấp thông tin minh chứng xác thực. Các nhà tuyển dụng - những người trực tiếp sử dụng sinh viên tốt nghiệp của nhà trường sẽ đóng góp trực tiếp cung cấp thông tin, khuyến nghị cho đoàn đánh giá có. Nguyện vọng, chia sẻ của các cựu sinh viên sẽ cũng được ghi nhận. Qua các nguồn tin, dữ liệu đa chiều, Đoàn Đánh giá sẽ đi đến kết luận khách quan, minh bạch”, PGS.TS Nguyễn Phương Nga chia sẻ.
Lịch trình khảo sát chính thức đánh giá ngoài tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền diễn ra từ ngày 7/4 đến 11/4.
Lệ Thu