“Két giáo dục rất “nặng”, không cần tăng học phí”

(Dân trí) - Ngày 19/6 tới, Quốc hội sẽ có kết luận chính thức về đề xuất tăng học phí. GS, TSKH Nguyễn Xuân Hãn thẳng thắn lên tiếng “không đồng tình”. Ông đã hơn một lần chứng minh, giáo dục nước ta “không thiếu tiền”, thậm chí có thể giảm học phí chứ không phải tăng!

Có thể miễn học phí chứ không phải tăng
 

Tại sao ông lại cho rằng không nên tăng học phí vào lúc này?

 

Nền kinh tế toàn cầu đang rơi vào khủng hoảng, ngay các trường đại học lớn ở Mỹ cũng giảm 50% học phí. Để đối phó với khủng hoảng toàn cầu hiện nay, nhiều nước đã tăng đầu tư cho giáo dục kiểu “né bão”, tạo nguồn lực trí thức để chờ khi “bão tan”. Thế nhưng chúng ta lại đặt vấn đề ngược lại là tăng học phí nên quả là khó thuyết phục.

 

Nhưng không tăng học phí lại yêu cầu tăng chất lượng liệu có hợp lý, thưa ông?

 

Tôi đã hơn một lần khẳng định giáo dục nước ta không thiếu tiền. Nhưng vấn đề là ở chỗ việc thu chi của chúng ta còn nhiều bất cập. Nếu thu chi công khai minh bạch, quản lý tốt và chi tiêu hợp lý, vẫn có thể tăng lương giáo viên gấp 2 lần mức lương hiện nay, học phí vẫn có thể giảm hoặc tiến tới miễn học phí.

 

Bộ GD-ĐT thì muốn tăng học phí. Ông lại nói có thể tiến tới miễn học phí. Dựa vào cơ sở nào mà ông lại đưa ra nhận xét “trái chiều” như vậy?

 

Xin được chứng minh bằng con số. Năm 1990, nước ta có 12 triệu học sinh, sinh viên. Trong khi đó, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục chỉ có 767 tỷ đồng (120 triệu USD theo giá USD hồi đó). Đến năm 2008, số học sinh, sinh viên tăng lên gấp đôi, là 22 triệu em nhưng ngân sách chi cho giáo dục là 81.000 tỷ (khoảng 4,7 tỷ USD), tăng 40 lần. Vậy là cái “két giáo dục” hiện nay rất “nặng”.  

 

Hơn nữa, tiền chỉ là điều kiện cần chứ không phải là điều kiện đủ làm giáo dục thành công. Những năm chiến tranh, chúng ta thiếu thốn đủ đường, nhưng giáo dục của ta vẫn miễn phí đồng thời chất lượng cũng rất cao. Tại sao bây giờ, hòa bình, ổn định, kinh tế phát triển thì lại tăng học phí, và đòi tăng liên tục suốt từ 2003 đến nay?

 

Mỗi một thời điểm có những yêu cầu khác nhau và không thể mang một phương pháp cũ áp dụng vào cho một điều kiện mới, thưa ông?

 

Theo số liệu tính toán ngày đó, trước 1975, tỉ lệ đi học còn đông hơn bây giờ. Cụ thể là cứ 3 người thì có 1 người đi học, còn bây giờ 4 người mới có 1 người được đi học.
 
“Két giáo dục rất “nặng”, không cần tăng học phí” - 1

GS, TSKH Nguyễn Xuân Hãn

           

Tiền “chạy” đi đâu?

 

Khung học phí được quy định năm 1998 đến nay đã lạc hậu, mức lương tối thiểu đã tăng gấp hơn 4 lần (từ 144.000 đồng lên 650.000 đồng/tháng) và lạm phát trung bình “hai con số” mỗi năm, nếu không tăng sẽ không đảm bảo hoạt động tối thiểu của nhà trường, thưa ông?

 

Nhưng đó mới chỉ là một nửa sự thật. Nhà nước đầu tư 20% ngân sách cho giáo dục, đó là một con số khá lớn so với nhiều nước. Mức đóng góp của dân và các nguồn đầu tư khác vào giáo dục đã đẩy tổng kinh phí cho giáo dục ở nước ta vào khoảng 50%. Trong khi đó, ở các nước có con số đầu tư giáo dục cao cũng chỉ ở mức 20%.

 

Như vậy, chúng ta thừa tiền chứ không thiếu. Nếu tính theo GDP thì tổng ngân sách chi cho giáo dục ở nước ta là 9,2%GDP, trong khi đó Mỹ chi khoảng 7,2%, Pháp 6,1%, Nhật chỉ 4,7%. Các con số đó đã nói lên tất cả.

 

Vậy thì vì lý do gì mà lương giáo viên vẫn thấp, đề án tăng học phí viện dẫn lý do thiếu tiền chi trả cho lương?

 

Nhiều số liệu trong Báo cáo của Bộ GD-ĐT chúng tôi đã tính toán lại và nhận thấy có sự chênh lệch lớn. Ví dụ, theo con số thông kê của Bộ GD-ĐT công bố, năm 2006 có 876.159 nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục thuộc hệ thống công lập được hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Khoản dành cho chi thường xuyên của Bộ là 44.957 tỷ đồng.

 

Nếu theo số liệu của Bộ, tiền lương chiếm 85% số chi thường xuyên thì tổng số lương phải là 38.213,45 tỷ đồng. Với quỹ lương này, bình quân lương của cán bộ quản lý, giáo viên công lập sẽ là trên 3,6 triệu đồng/người/tháng.Riêng năm 2006, số tiền chênh lệch về lương  giữa ngân sách Nhà nước với thực tế là 10.060 tỉ đồng (Báo Tiền Phong 2007).

 

Nhưng đó là con số trên sổ sách?

 

Đúng thế. Điều ngạc nhiên là trong thực tế, lương bình quân mỗi giáo viên hiện nay chỉ khoảng 1,5 triệu/người/tháng. Phân tích tài chính của hai trường là ĐHQG Hà Nội và TPHCM thì lương trung bình cho cán bộ trong trường năm 2008 phải 9-12 triệu đồng/tháng, nhưng thực tế bình quân chỉ 3-4 triệu đồng/tháng. Vậy chênh lệch này đi về đâu?

Cơ chế “ăn bám”

Tài chính cho giáo dục từ cơ sở đến Trung ương là một ẩn số. Giáo sư Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Giáo dục cũng từng gọi đây là “bí mật của các bí mật’’. Ông nghĩ gì về nhận định này?

Theo tôi, có thể thấy nguyên nhân là buông lỏng quản lí tài chính và cải cách triền miên, nhất là ở cấp trung ương. Rồi sự không thống nhất quản lý tài chính. Một nguồn kinh phí cho giáo dục mà ba Bộ cùng tham gia quản lý: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thế nhưng khi cần một số liệu tài chính thì 3 Bộ đưa ra 3 con số khác nhau.

Nhưng không chỉ ở trên mà ngay tại các cơ sở, sự lãng phí cũng rất lớn?

 

Ở cơ sở, hiện nay nhiều nơi đã được giao quyền tự chủ. Thế là ngoài phần kinh phí từ ngân sách nhà nước, tiền học phí được giữ lại một phần chia nhau và có nơi còn gửi... lên trên. Kiểu quản lí có người gọi là “cơ chế ăn bám”. Từ đó dẫn đến nhiều lãng phí. Việc họp hành hiện nay còn theo phong trào “chạy” ra nước ngoài. Vậy chi phí cho những cuộc họp này, suy cho cùng là sự lãng phí tiền của nhà nước và của dân. Tình trạng này rất dễ nhận ra nhưng dường như chúng ta đang “bất lực”.

 

Ông nói như thế có vẻ chủ quan. Theo như quy định đối với các trường Công lập, Nhà nước vẫn quản lý vĩ mô, các trường phải hoạt động theo đúng “quỹ đạo” chứ?

 

Đôi khi đó chỉ là hình thức. Có thanh tra, có kiểm định nhưng cái sự kiểm định ấy không thực chất hoặc không “tinh tường”. Nếu quản lý tốt thì xin hỏi Nhà nước đầu tư 4,7 tỷ USD, chúng ta chi cho lương giáo viên và cán bộ trong toàn ngành khoảng 1,5 tỷ USD, còn hơn 3 tỷ USD nữa đi đâu, đến nay người có trách nhiệm vẫn chưa tìm ra câu trả lời.

 

Xin cám ơn ông!

 

Hà Vân
(Thực hiện)