Kể không xuể cái khổ của giáo viên mầm non

(Dân trí) - Thu nhập thấp, quá tải giờ làm, phải kham cả việc lao động phổ thông, chịu áp lực “chèn ép” từ quản lý lẫn phụ huynh…, sự cực nhọc của giáo viên mầm non có thể nói là kể không xuể.

Giáo viên mầm non kiêm… lao công

Tại hội thảo về giáo dục mầm non (MN) vừa diễn ra ở TPHCM, ThS Đào Việt Cường (giảng viên khoa Giáo dục MN, ĐH Sài Gòn) nêu quan điểm, công việc của giáo viên (GV) MN rất nhiều áp lực và áp lực lớn hơn bất cứ ở bậc học nào. Điều này có thể nhìn thấy trước hết ở công việc hàng ngày của các cô xuất phát từ điều kiện làm việc thiếu thốn.

Ở một số trường MN tại TPHCM, nhất là ở các điểm lẻ, ông Cường chứng kiến hàng ngày ba bữa các GV tham gia vào việc chuẩn bị bữa ăn cho trẻ, mang đồ ăn từ dưới lên tầng 3 mà không có thang máy, phải leo bằng thang bộ. Rồi đến những việc như chà nhà vệ sinh, lau chùi quạt, dọn dẹp… GV phải kham hết.

Bên cạnh công việc chuyên môn, giáo viên mầm non phải kham rất nhiều công việc tay chân ngoài lề
Bên cạnh công việc chuyên môn, giáo viên mầm non phải kham rất nhiều công việc tay chân "ngoài lề".

GV có trách nhiệm về chuyên môn vừa lao động như lao công làm hết mọi việc tay chân… có thể xem là hình ảnh "hai trong một" của cô giáo MN. Chưa kể, thời gian làm việc của đội ngũ này cũng rất đặc biệt, bình quân kéo dài từ 10 - 12 giờ/ngày, thời gian làm việc “dôi” so với quy định của lao động rất nhiều. Có lẽ chẳng ai có thể liệt kê nổi tất cả những công việc mà một GVMN phải làm trong một ngày.

PGS. TS. Huỳnh Văn Sơn (ĐH Sư phạm TPHCM) chia sẻ, GVMN có thể phải làm việc liên tục từ 6 giờ sáng đến 5 - 6 giờ chiều. Đừng nghĩ buổi trưa GV được nghỉ, các cô vẫn phải canh chừng trẻ, tính ra họ phải làm việc 3 ca liên tục.

Với thời gian làm việc như vậy, ông Sơn cho rằng theo luật lao động, các cô phải được hưởng đến 200% lương nhưng thực tế bình quân lương hàng tháng của GVMN hiện nay cũng chỉ trong khoảng 4 - 5 triệu đồng. Riêng GVMN ở TPHCM được “an ủi” với chế độ phụ trội làm thêm theo chính sách của UBND là 200 giờ/một năm. Điều này cũng chỉ giải quyết một phần rất nhỏ thời gian làm thêm trên thực tế của GVMN.

Bị “chèn ép” đủ thứ

Lâu nay, chúng ta chỉ mới nhìn thấy “bề nổi” những khó khăn của GVMN trong công việc chăm sóc trẻ, thu nhập thấp. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn rất nhiều áp lực từ quản lý, phụ huynh lại là chuyện họ phải đối mặt hàng ngày.

Nguyên trưởng khoa Giáo dục MN của một trường ĐH ở TPHCM biết trong môi trường giáo dục MN công lập lẫn tư thục, GVMN rất ngột ngạt. Những hoạt động giáo dục, chuyên môn của người GV rất khó phát huy vì phải làm quá nhiều việc lao động phổ thông mà họ còn bị động vì “vướng” ý chí của người quản lý, chủ trường.

“Nhiều lãnh đạo lãnh đạo, chủ trường lại không xuất phát từ ngành MN nên các quy định, chỉ đạo trên xuống dưới rất cứng nhắc, không linh hoạt, thiếu thực tế. Và GV là người là người phải hứng hết”, chuyên gia này nói.

Ngành Mầm non khó tuyển giáo viên cũng như rất khó để giữ chân giáo viên
Ngành Mầm non khó tuyển giáo viên cũng như rất khó để giữ chân giáo viên.

Theo khảo sát của ThS Phan Hoàng Như My (Khoa GDMN, Trường Trung cấp Nam Sài Gòn) thực hiện với 216 GVMN về yếu tố khó khăn trong công việc thì có đến 54,6% GV đồng ý với lý do thu nhập không đủ chi tiêu, 22,7% phân vân; 45,4% đồng ý khó khăn vì đồng nghiệp ghen ghét lẫn nhau, trên 26% phân vân…

Cùng nhiều yếu tố khó khăn họ gặp phải khác như trường thiếu trang thiết bị, cơ sở vật chất để làm việc hiệu quả hơn; cơ hội nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn còn hạn chế…

Bên cạnh đó, các yếu tố làm GVMN buồn bực, chán nản trong công việc như chịu áp lực từ phụ huynh; thường xuyên “đón” các đoàn kiểm tra; không có thời gian nghỉ ngơi; gia đình không thông cảm với công việc…

ThS Đào Việt Cường nêu quan điểm, lãnh đạo không nắm bắt tốt nhu cầu làm việc của GV cũng gây khó khăn cho đội ngũ, công việc của các cô mang tính áp đặt nên rất nặng nề. Rồi áp lực từ phụ huynh là chuyện hàng ngày, hàng giờ các cô phải đối diện.

Đủ thứ khó khăn mà không thể kể xuể, lẽ ra họ cần nhận được sự thông cảm, sẻ chia thì hiện nay, có thể nói dư luận, xã hội còn nhìn nhận, đánh giá chưa đúng vai trò của GVMN, vị thế của GV bậc học này rất thấp.

Với những áp lực, khó khăn tứ bề như vậy, ngành học MN thiếu hấp dẫn, đầu vào thấp, ngành không giữ nổi chân được người giỏi, người có tâm huyết… là điều dễ hiểu. Và đó cũng là nguyên nhân của thực trạng ngành MN bao lâu nay cứ rối rắm trong bài toán thiếu GV về số lượng lẫn chất lượng.

Hoài Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm