Indonesia: Vì sao học sinh chọn trường tư?

Giáo dục công lập Indonesia bị chỉ trích là truyền thụ phương pháp và kiến thức giáo điều. Những thành công về phổ cập giáo dục không thoả mãn được đòi hỏi về chất lượng của người học.

Và giống như nhiều nền giáo dục phương Đông khác, giáo dục Indonesia cũng đứng trước đòi hỏi cải cách...

 

Đặc điểm của hệ thống giáo dục Indonesia phản ánh di sản tôn giáo đa dạng, cuộc đấu tranh cho hợp nhất quốc gia và thách thức về phân chia nguồn lực ở một đất nước có nhiều đảo nghèo và đang phát triển.

 

Mặc dầu một dự thảo hiến pháp năm 1950 chỉ rõ rằng mục tiêu của chính phủ là phổ cập giáo dục cho mọi trẻ em 6 tuổi, mục tiêu giáo dục cho mọi người chưa bao giờ được đề cập cho mãi tới cuối những năm 1980, đặc biệt là giáo dục cho nữ giới. Vào năm 1973, chính phủ của ông Suharto ban hành tỉ lệ lợi nhuận từ bán dầu mỏ dành để xây các trường học mới. Đạo luật này đã giúp cho xây dựng và sửa chữa gần 40.000 trường tiểu học vào cuối những năm 1980, một bước đi lớn về cơ sở vật chất cho mục tiêu giáo dục cho mọi người.

 

Hệ thống giáo dục tại Indonesia vốn được xây dựng để phục vụ trẻ Hà Lan trong giai đoạn thuộc địa. Năm 1903, một trường tiểu học dành cho trẻ em gái Indonesia được mở và vào năm 1940, một hệ thống trường học cho trẻ Indonesia bản xứ tồn tại song song với hệ thống trường Hà Lan. Sau khi độc lập năm 1949, chính phủ mới cố gắng mở rộng hệ thống giáo dục nhưng không thành bởi thiếu tiền. Vào cuối những năm 1960, chính phủ bắt đầu thúc đẩy giáo dục tiểu học, bậc học này gồm 6 năm. Từ năm 1990, phổ cập giáo dục gồm tiểu học và 3 năm đầu trung học.

 

Có thể nói giáo dục Indonesia phát triển theo bề rộng khá tốt, tuy nhiên chất lượng theo chiều sâu kiến thức lại gây nhiều chỉ trích trong xã hội.

 

Một nghiên cứu sinh Indonesia làm luận án tiến sĩ tại Đại học Manitoba, Canada, từ năm 1996 đến 2000, nhận thấy có 83 giảng viên trường này gốc ấn Độ, hơn một số đó nữa là người Trung Quốc và không có vị giáo sư nào người Indonesia. Vị tiến sĩ này đặt câu hỏi: Có bao nhiêu nhà khoa học Indonesia được quốc tế công nhận trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và xã hội? Tại sao đất nước đông dân thứ tư thế giới này sản sinh ra quá ít công trình nghiên cứu khoa học trong các tạp chí khoa học quốc tế nổi tiếng?

 

Đó là những câu hỏi chung cho nhiều nhà giáo dục Indonesia. Không giống như trường học ở phương Tây, nơi khuyến khích suy nghĩ độc lập và phát triển cá nhân trong khi dạy giáo điều bị cấm – hầu hết người dân Indonesia thậm chí không biết rằng dạy tôn giáo không được phép trong các trường công lập tại phương Tây – các trường học Indonesia vẫn đang đi trên con đường trái ngược. Học sinh không được dạy tư duy theo phương pháp khoa học mà phải tuân theo những hướng dẫn giáo điều thiếu căn cứ khoa học trong suốt 200 năm qua.

 

Điều đó lí giải vì sao nhiều phụ huynh Indonesia không hài lòng với giáo dục công lập Indonesia và lựa chọn các trường tư kiểu phương tây bất chấp mức học phí cao.

 

Theo Thanh Anh

Giáo Dục Thời Đại/Jakarta Post