IELTS có phải là một "trang sức giáo dục"?

Tiến Thịnh

(Dân trí) - Để gỡ bỏ áp lực chạy đua điểm IELTS, chuyên gia của Hội đồng Anh cho rằng, cần đưa chứng chỉ IELTS về đúng với giá trị nguyên bản thay vì chỉ sử dụng nó như một "trang sức giáo dục".

Kể từ thời điểm Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra quy định miễn thi môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia đối với thí sinh có chứng chỉ IELTS từ 4.0 trở lên có mức điểm quy đổi là 10, IELTS dần trở thành một chứng chỉ được nhiều học sinh cấp ba săn đón.

Không chỉ sử dụng để miễn thi môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT hay xét tuyển đại học, nhiều trường Đại học tại Việt Nam cũng công nhận quy đổi điểm IELTS để miễn các học phần tiếng Anh tại trường.

Khi nhiều người sử dụng chứng chỉ để "làm đẹp"

Là chứng chỉ đánh giá toàn diện bốn kỹ năng ngôn ngữ của người học, kết quả thi IELTS được xem như tiêu chí đáng tin cậy để giúp các trường học; tổ chức học thuật; doanh nghiệp có cái nhìn tổng quan về năng lực Anh ngữ của người học.

Tuy vậy, không ít người đã chạy đua học và thi chứng chỉ cấp tốc để làm đẹp hồ sơ - biến IELTS thành một "trang sức giáo dục".

Với chức năng "nâng cấp profile" này, nhiều người cho rằng điểm IELTS càng cao sẽ càng chứng minh được năng lực của mình; hoặc dễ dàng để đánh bóng tên tuổi cá nhân. Trong khi thực tế mỗi người đều có một mục tiêu điểm số riêng tùy thuộc vào mục đích sử dụng và yêu cầu của các tổ chức công nhận bài thi này.

IELTS có phải là một trang sức giáo dục? - 1
Giá trị của tấm bằng IELTS không đến từ điểm số mà là những gì người học lĩnh hội được sau kỳ thi (Ảnh: British Council).

Mục tiêu của IELTS là để góp phần xây dựng kỹ năng ngoại ngữ và sự hiểu biết toàn diện của người học về các vấn đề học thuật và xã hội. Do đó, nếu thành tích hóa năng lực tiếng Anh thông qua bảng điểm, giá trị của tấm bằng không còn là giá trị thật.

Vũ Hải Trường, quán quân học bổng IELTS Prize năm 2022 của Hội đồng Anh, đang theo học thạc sĩ ngành Khoa học dữ liệu cũng bày tỏ quan điểm rằng nếu học IELTS chỉ vì muốn khoe thành tích hay đồng hóa mình với số điểm, người học sẽ khó áp dụng những kiến thức và kỹ năng của bài thi IELTS vào môi trường học thuật và thực tế cuộc sống. Bởi lẽ mục tiêu của người học đã khác xa với mục tiêu của bài thi được đặt ra lúc đầu.

Không chỉ riêng IELTS, các chứng chỉ tiếng Anh khác nói chung cũng dần trở nên phổ biến vì đáp ứng đa dạng nhu cầu của mỗi người. Tuy nhiên, với giá trị lâu dài mà IELTS mang lại, đây vẫn là lựa chọn tối ưu dành cho đa số người học.

Theo số liệu tại một trường đại học ở Hà Nội, năm 2017, trường ghi nhận có khoảng dưới 70 thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển có kèm chứng chỉ IELTS. Đến năm 2023, con số này đã tăng vọt đến 11.000 hồ sơ đăng ký (gấp 220 lần so với năm 2017).

Nhìn nhận đúng giá trị của IELTS

Được công nhận bởi hơn 11.000 tổ chức trên hơn 140 quốc gia trên toàn cầu, IELTS là một trong những chứng chỉ Anh ngữ phổ biến nhất trên thế giới vì tính bảo mật, tin cậy và thiết thực khi không chỉ mang lại cơ hội trong tương lai gần cho người học, mà còn giúp trang bị những kiến thức và kỹ năng dài hạn.

Phương Mai, thí sinh IELTS tại Hội đồng Anh, mới hoàn thành chương trình thạc sĩ ngành Ngôn ngữ học ứng dụng tại trường University College London (Vương quốc Anh) chia sẻ: "Tôi xem quá trình học IELTS như một cơ hội để mình có thể rèn luyện thêm các kỹ năng học thuật quan trọng. Ví dụ như khi luyện tập kỹ năng nói và viết, tôi tập trung đến yếu tố mạch lạc và rõ ràng trong diễn đạt, thay vì cố gắng nhồi nhét từ vựng và cấu trúc khủng để phô trương".

Với kinh nghiệm được đúc kết từ quá trình học thi IELTS, Phương Mai đã sớm thích nghi với môi trường học thạc sĩ tại Vương quốc Anh và đang tham gia vào nghiên cứu hoàn thiện các bài thi đánh giá năng lực tiếng Anh, trong đó có IELTS.

IELTS có phải là một trang sức giáo dục? - 2
Nhờ rèn luyện các kỹ năng cần thiết trong quá trình học và thi IELTS, Phương Mai đã nhanh chóng thích nghi với môi trường học tại Vương quốc Anh (Ảnh: British Council).

Song song đó, hơn cả việc trau dồi kiến thức chuyên môn, IELTS đã giúp Mai tự tin trong giao tiếp, làm giàu vốn sống và có thêm động lực hoàn thiện bản thân. "IELTS không phải là một đích đến mà là cột mốc quan trọng cho hành trình học tập của tôi. Nó gợi nhắc tôi cần nỗ lực hết mình, tận dụng những kiến thức mà IELTS mang lại để thực hiện mục tiêu lớn hơn", Mai cho biết.

Học thi đúng thời điểm để không phải "chạy đua"

Hành trình chinh phục IELTS sẽ không đảm bảo chất lượng khi người học chạy đua cấp tốc để có thêm thành tích. Bởi những yêu cầu đặc thù của chứng chỉ, bài thi IELTS không khuyến khích học sinh dưới 11 tuổi tham gia kỳ thi.

Ông Andy Milner - Chuyên gia huấn luyện IELTS toàn cầu của Hội đồng Anh đưa ra lời khuyên về độ tuổi lý tưởng để tham gia kỳ thi IELTS là từ 16 tuổi trở lên. Các chủ đề, khái niệm trong đề thi sẽ đa dạng và đòi hỏi về kiến thức xã hội hay chuyên môn, do đó, kỳ thi IELTS sẽ phù hợp hơn cho các thí sinh đã tốt nghiệp trung học cơ sở.

Theo vị chuyên gia, cần đưa chứng chỉ IELTS về đúng với giá trị nguyên bản thay vì chỉ sử dụng nó như một "trang sức giáo dục". Tuy nhiên, người học vẫn có thể thi sớm hơn tùy theo nhu cầu học tập, làm việc và định cư của mỗi người.

IELTS có phải là một trang sức giáo dục? - 3
Hội đồng Anh khuyến khích người học nắm bắt đúng thời điểm để thi IELTS (Ảnh: British Council).

Không phủ nhận rằng, IELTS là bệ phóng cho người học hoàn thiện các mục tiêu học tập và phụ huynh có thể khuyến khích con em luyện thi IELTS từ sớm để có đủ thời gian trang bị kiến thức. Dù thế, IELTS cần được nhìn nhận đúng giá trị, ôn luyện đúng lộ trình và hơn hết là không bị thành tích hóa như một "trang sức giáo dục". Để từ đó, tấm bằng IELTS trở về đúng giá trị nguyên bản và năng lực tiếng Anh của mỗi người được công nhận đúng đắn hơn.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm