IELTS 6.0 vẫn không nói được tiếng Anh?

1. Trợ lý GĐ Tập đoàn giáo dục Study Group nói với tôi: “Hôm qua có 1 HS đạt tới 6.0 điểm IELTS nhưng lại không thể nói chuyện trực tiếp với GĐ của VP nên em phải phiên dịch hộ”. Chuyện mới thoáng nghe cứ ngỡ là nói đùa...

Nhưng sau khi xem kết quả IELTS của em học sinh đó thì tôi mới thấy là thật.

 

Vấn đề không phải là do Hội đồng chấm thi IELTS đã cho kết quả sai, mà do em học sinh này đạt được điểm cao trong các kỹ năng nghe, đọc và viết (Listening, Reading and Writing) nhưng lại kém về kỹ năng nói (Speaking).

 

Em HS đó đã đạt được kết quả kiểm tra ngoại ngữ khá tốt, và cũng đáp ứng được điều kiện đầu vào của một trường đại học tại Úc. Nhưng tôi vẫn cứ ái ngại, với kĩ năng nói như hiện nay thì em HS này không thể tránh được nhiều khó khăn khi hòa nhập vào môi trường sống và học tập tại Úc. Trong thời gian thực hiện công tác tư vấn SV tại trường Uniworld (Sydney, Úc) tôi đã chứng kiến rất nhiều du học sinh VN rất vất vả khi học tập, hòa nhập cuộc sống do khả năng nói tiếng Anh không tốt.

 

2. Tôi cũng có dịp tiếp xúc với nhiều du học sinh chuẩn bị du học. Có khá nhiều em phát âm sai, không chuẩn. Các em thường giải thích rằng thầy, cô trong lớp đã dạy cho các em đọc và phát âm như vậy(?!). Ngoài ra, với những em được học Anh văn từ những giáo viên gốc người miền trung thì khả năng phát âm lại càng có vấn đề hơn.

 

Bên cạnh chuyện phát âm, mặc dù được học rất nhiều về ngữ pháp, từ vựng nhưng khả năng phản xạ của các em đều không tốt. Do đó, trong giao tiếp, các em không thể thành lập nhanh chóng được câu nói hay viết.

 

3. Vợ của tôi hiện nay đang là GĐ của một doanh nghiệp tại TPHCM. Cô ấy tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế và đã có bằng C. Trong hoạt động kinh doanh, công ty thường xuyên giao tiếp bằng Anh văn với các đối tác ở nước ngoài. Đối với tất cả các Email, cô đều đọc được và hiểu nhưng đôi khi lại không dám viết thư trả lời (biết và hiểu nhiều từ vựng nhưng không thể thành lập được câu nói, câu viết).

 

Khi có những đoàn khách nước ngoài đến viếng Công ty thì cô rất e ngại khi tiếp xúc vì sợ rằng sẽ nói không đúng tiếng Anh. Tuy tôi cũng đã rất khuyến khích nhưng sự e ngại đó, cứ lo rằng sợ viết không đúng, sợ nói không được dường như đã trở thành thói quen của vợ tôi từ khi cô ấy còn học ở phổ thông. Cho nên hiện nay, có lẽ sẽ khó khăn lắm mới thay đổi được.

 

4. Công việc của tôi đòi hỏi tuyển nhân viên cho bộ phận dịch thuật. Những ứng viên được giới thiệu đến đều đã tốt nghiệp Cử nhân Anh văn. Nhưng quả thật, rất khó tìm được người có khả năng nói, hoặc viết lưu loát tiếng Anh. Có khi tôi phải mất hơn 4 tuần mới tuyển được một ứng viên có khả năng dịch tạm được một bài tường trình bằng tiếng Việt đánh máy trên khổ giấy A4.

 

5. Hiện nay, các trung tâm ngoại ngữ đang ngày càng nở rộ như nấm sau cơn mưa. Để ý quan sát sẽ thấy học viên tại các trung tâm đó không phải thuộc đối tượng có nhu cầu về ngoại ngữ cho cuộc sống, mà đa số là các em học sinh phổ thông và thậm chí là những em học sinh tiểu học (có rất nhiều em còn rất bé mà phụ huynh đã lo lắng và cho đi học Anh văn từ rất sớm).

 

Theo nhiều kết quả khảo sát, dường như đa số các em HS - SV đều không có năng lực thật sự tương ứng với bằng cấp mà họ đạt được, ngay cả những bằng cấp có giá trị quốc tế như IELTS hay TOEFL. Bởi vì với cách dạy và học hiện nay, các em chỉ cần bỏ ra nhiều thời gian luyện thi hầu như sẽ đạt được điểm cao.

 

Thiết nghĩ, để khắc phục tình trạng dạy Anh văn thiếu hiệu quả hiện nay, tại các trường phổ thông, thay vào các buổi dạy thêm (mà hầu hết là tiếp tục bắt các em nhồi nhét ngữ pháp, từ vựng...) các thầy cô có thể thành lập được những “Câu lạc bộ học tập” có giáo viên phụ trách, để cho các em học sinh cùng khối đến tham gia sinh hoạt thành nhóm, cùng thảo luận, trao đổi kinh nghiệm và hiểu biết trong học tập, giao lưu bài học... thì năng lực của các em sẽ được phát triển theo hướng tự nhiên hơn là ép buộc phải nhồi nhét thật nhiều kiến thức.

 

Ngoài ra, tôi còn nghĩ, nếu như SV ngành ngữ văn Anh của các trường ĐH Sư phạm, nơi đào luyện ra các thầy cô giáo Anh văn tương lai, được nhiều giáo viên bản xứ hỗ trợ giảng dạy thì trình độ của các thầy cô sẽ tăng lên. Nhờ đó sẽ giúp nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ cho các thế hệ tương lai lên rất nhiều.

 

Hiện nay, nhà nước ta đang rất nỗ lực tiếp thu và chuyển hóa mô hình học tập của học sinh VN theo như các nền giáo dục phát triển ở nước ngoài. Trong đó, mô hình “đào tạo sư phạm”, nâng cao chất lượng của giáo viên cũng là một phần rất quan trọng và không thể thiếu trong việc phát triển 1 nền giáo dục.

 

Theo Lâm Dũng (công ty du học Uniworld)

Tuổi Trẻ