Huyền Chip chia sẻ 10 điều "ước mình biết” khi vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường
(Dân trí) - Nữ du học sinh Huyền Chip (tên thật là Nguyễn Thị Khánh Huyền), tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo tại Đại học Stanford, Hoa Kỳ chia sẻ một số điều mà cô ước mình biết khi vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường và những điều thú vị về học tập/ thực tập tại các đại học Mỹ.
Nữ tác giả cuốn “Xách ba lô lên và đi” từng gây xôn xao năm 2012 nay đã tốt nghiệp Đại học Stanford danh tiếng. Sau khi lấy bằng thạc sĩ, Huyền Chip có những chia sẻ kinh nghiệm quý báu nhắn gửi đến các bạn trẻ, điều mà cô đúc rút từ trải nghiệm học tập, thực tập, làm việc tại đất Mỹ như sau:
1. Tình bạn dựa vào sự hào nhoáng bề ngoài không bao giờ bền vững. Tình bạn bền vững thực sự có nền tảng từ những đam mê chung và sự tôn trọng lẫn nhau. Đừng phí thời gian cố gắng gây ấn ượng với hot girl hay hot boy. Dành thời gian bắt chuyện với những người nhút nhát, ít nói nhất trong lớp.
2. Điểm số thực sự không quan trọng. Không ai đến một bữa tiệc và tuyên bố: "Hồi học đại học tôi có điểm này điểm kia". Tập trung vào những điều thực sự quan trọng: sự trưởng thành của bản thân, kỹ năng giúp bạn làm điều bạn mong muốn, và những người bạn tốt.
3. Không bao giờ là quá sớm để bắt đầu thực tập. Cũng không bao giờ là quá muộn để bắt đầu thực tập. Sống là một cuộc hành trình, không phải là một cuộc đua.
4. Một mối quan hệ tốt với giáo sư có thể giúp bạn rất nhiều ngay cả sau khi tốt nghiệp. Mình ước mình đã dành thời gian nói chuyện với giáo sư nhiều hơn, và chịu khó tìm hiểu về công trình nghiên cứu của họ.
5. Đừng lấy lý do bận học để tránh yêu. Một người bạn trai/bạn gái tốt có thể dạy bạn vô số điều tuyệt vời.
6. Bạn không tốt hơn bất kỳ ai chỉ vì trường bạn nổi tiếng hơn trường của người đó. Bạn cũng không thua kém ai chỉ vì cái tên trường.
7. Làm người lớn tự chịu trách nhiệm cho bản thân vô cùng khó. Hãy tranh thủ thời gian đại học để thực hành làm người lớn nhiều nhất có thể.
8. Một lời cảm ơn chân thành có thể làm ai đó hạnh phúc cả ngày. Viết email cảm ơn những người đã dành thời gian cho bạn: người trợ giảng ở lại quá giờ giảng bài cho bạn; người phỏng vấn bạn, dù bạn không nhận được công việc đó; đứa bạn chở bạn đi ăn sau khi bạn bị bồ đá.
9. Nếu bạn không biết mình muốn làm gì sau khi tốt nghiệp, đó là điều hết sức bình thường. Nhiều người có cháu ngoại rồi mà vẫn không biết mình muốn gì. Mục đích sống không phải là tìm kiếm bản thân. Mục đích sống là để xây dựng bản thân.
10. Đừng so sánh mình với bất cứ ai. Dù bạn giỏi đến đâu, sẽ vẫn luôn có người giỏi hơn bạn. So sánh bạn của ngày hôm nay với bạn của ngày hôm qua.Dạo này mình hơi bận để viết các bài chia sẻ nên mình sẽ thử một dạng bài mới: mỗi tuần, mình sẽ viết về những điều mình học được, một câu hỏi mình suy nghĩ, và những gì mình đang đọc.
7 điều thú vị về học tập, thực tập tại đại học Mỹ
1. Các trường đại học của Mỹ đầu tư gián tiếp khá nhiều vào cryptocurrency (tiền điện tử). Gián tiếp bởi một trong các nguồn vốn chính của các quỹ đầu tư của Mỹ là trường đại học, và rồi các quỹ này lại đầu tư vào cryptocurrency.
2. Vì nhóm mình đang tuyển người, mình có đọc hàng trăm resume (sơ yếu lý lịch) từ rất nhiều các bạn đã/đang học đại học/cao học ở các trường đại học của Mỹ, nhiều trong số đó là các trường tên tuổi.
Trên 90% các resume không có gì nổi trội và mình loại bỏ chúng. Khi mình nói với bạn về điều này, bạn mình bảo: "Hầu hết những người mà chúng ta gặp đều xoàng xĩnh. Theo định nghĩa, một nửa những người chúng ta gặp là dưới mức trung bình".
Nếu bạn đi học và chỉ làm những điều nhà trường bảo bạn, bạn không có gì nổi trội. Các công ty tìm kiếm những người, như sếp mình nói, "go above and beyond" -- "làm nhiều hơn những gì được giao".
Ví dụ, bạn cần phải có các dự án cá nhân nghiêm túc, chiến thắng các cuộc thi, đi thực tập với công việc cho bạn cơ hội rèn luyện các kỹ năng cần thiết, viết các bài blog sâu sắc.
Thị trường lao động vô cùng cạnh tranh. Theo nhận định của một người bạn mình làm nhân sự, ở các công ty công nghệ lớn, chỉ khoảng 5% các hồ sơ họ nhận là được bắt đầu phỏng vấn, và trong số những người phỏng vấn, chỉ 5% được mời vào làm.
3. Mỗi năm, 10 thực tập viên xuất sắc nhất của Facebook được mời ăn tối ở nhà Mark Zuckerberg. Một người bạn của mình, cách đây vài năm, có vinh dự đó. Nó lập tức bỏ học và giờ làm toàn thời gian ở Facebook.
4. Stripe là một trong những công ty khuyến khích 'work from home' - làm việc từ nhà. Mình gặp một người quản lý của Stripe làm việc từ nhà của ông ở trên một hòn đảo nhỏ khoảng 1000 dân ở Canada.
Ông bảo trên hòn đảo này, mọi người để chìa khoá trên xe để chẳng may hàng xóm cần dùng. Không ai sợ mất xe bởi nếu muốn đưa xe ra khỏi đảo, họ cần phải qua đò, và người quản đò biết hết các xe trên đảo.
5. Mình chỉ nhận ra một đồng nghiệp của mình viết code giỏi thế nào khi mình thấy khó chịu với code của anh và quyết tâm viết lại code nhưng không thể. Thật dễ để chỉ nhìn và kêu ca - phải đến khi làm mới biết nó khó thế nào.
6. Ở San Francisco, ngay cả người vô gia cư cũng có Twitter. Mình ngồi uống cà phê ở San Francisco và một người đàn ông vô gia cư đến khoe với mình bộ sưu tập gift cards của Starbucks. Sau đó, ông bảo mình nên follow (theo dõi) ông trên Twitter.
7. Mình tình cờ chơi bóng đá với tỉ phú tự kiếm trẻ nhất thế giới (trở thành tỉ phú khi 27 tuổi). Mình đang đá bóng với bạn của anh thì anh chàng đi qua và vào chơi cùng.
Mình muốn rời thung lũng Silicon vì con người ở đây quá cạnh tranh và không thật lòng, nhưng những sự tình cờ thế này lại khiến mình nhận ra rằng nơi đây vẫn là nơi tập trung của quá trời người giỏi. Nếu muốn chơi biển lớn, mình sẽ phải ở lại đây.
Huyền Chip tên thật là Nguyễn Thị Khánh Huyền. Cô là cựu học sinh THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội).
Năm 2012, cô ra mắt cuốn sách đầu tay Xách ba lô lên và đi: Tập 1 - Châu Á là nhà, đừng khóc kể về chuyến du lịch bụi qua 25 nước. Cuốn sách tạo nên một cơn bão dư luận vì nhiều chi tiết bị cho là "phóng đại, không xác thực". Tiếp đó, Huyền Chip ra mắt Tập 2 - Đừng chết ở châu Phi.
Năm 2014, Huyền Chip lên đường theo học Đại học Stanford theo diện học bổng toàn phần, hỗ trợ toàn bộ chi phí học tập, sinh hoạt. Cô tốt nghiệp năm 2018 với bằng đại học và thạc sĩ ngành Trí tuệ nhân tạo.
Lệ Thu