Hút sinh viên tài năng để đào tạo nhân tài cho đất nước

(Dân trí) - Hỗ trợ kinh phí đào tạo 15 triệu đồng/năm, được cấp học bổng khuyến khích tài năng 1 triệu đồng/tháng…Hàng loạt hình thức ưu tiên của trường ĐH Khoa học Tự nhiên-ĐH Quốc gia HN dành cho những thí sinh đặc biệt xuất sắc và đam mê với các ngành khoa học cơ bản.

Vậy nguyên nhân từ đâu mà trường ĐH Khoa học Tự nhiên quyết định “hút” tài năng bằng những hình thức ưu tiên đặc biệt như vậy? Dân trí đã có cuộc trao đổi với GS.TS. Nguyễn Hữu Dư – Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo của Nhà trường.

Thưa GS, việc nhà trường quyết định đưa ra những chính sách ưu tiên “đặc biệt” để hút các thí sinh thực sự có tài năng vào trường có phải cảnh báo nguồn nhân lực khoa học cơ bản chất lượng cao đang có dấu hiệu đi xuống?

Đối với các nước phát triển, Khoa học cơ bản là xương sống để giữ vững vị trí siêu cường của họ, còn đối với các nước đang phát triển, việc phát triển nhanh hay chậm, bền vững hay không và có đuổi kịp các nước phát triển hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó xây dựng một nền Khoa học cơ bản vững mạnh và đúng hướng là rất quan trọng. Đầu tư cho đào tạo và nghiên cứu khoa học khoa học cơ bản là sự đầu tư mang lại lợi nhuận cao nhất, quan trọng nhất đối với sự phát triển của mỗi quốc gia.

Sở hữu đội ngũ chuyên gia về khoa học cơ bản có chất lượng vượt trội so với các đại học khác trong nước và có tầm quốc tế, Trường Đại học Khoa học Tư nhiên được đất nước giao cho trọng trách đào tạo, nghiên cứu khoa học cơ bản có chất lượng cao hàng đầu của Việt Nam. Với sứ mệnh lịch sử này, ĐHKHTN thực sự trở thành vườn ươm nhân tài cho đất nước, đã đào tạo được các sinh viên đó trở thành chuyên gia hàng đầu, các chính trị gia, những nhà khoa học, quản lý, lãnh đạo, chủ doanh nghiệp xuất sắc được thế giới công nhận và tôn vinh.

Gắn liền với việc đào tạo nhân tài của Trường là hệ Cử nhân Khoa học Tài năng (CNKHTN). Vào thời kỳ đầu, hệ nằm trong dự án đào tạo cử nhân tài năng nên kinh phí đầu tư được cấp nhiều đủ để cho Trường thực hiện rất tốt nhiệm vụ. Tuy nhiên, sau đó chương trình được đưa vào hệ cấp kinh phí thường xuyên. Với nguồn kinh phí như vậy thì chất lượng đào tạo của hệ CNKHTN của Trường không giữ vững được như trước. Đáng tiếc là điều đó xảy ra cùng chiều với sự xuống cấp của các ngành khoa học, đặc biệt là khoa học cơ bản trong nước nên việc thu hút nhân tài vào ngành khoa học, kỹ nghệ cao (một lĩnh vực sống còn của đất nước) càng gặp nhiều khó khăn.
Hút sinh viên tài năng để đào tạo nhân tài cho đất nước - 1

Nếu không có sự quan tâm đúng mức thì nguồn nhân lực khoa học
cơ bản chất lượng cao sẽ xuống dốc

Trước tình hình đó vào năm 2009, ĐH Quốc gia HN và ĐH Khoa học Tự nhiên nhận thấy không thể để mai một truyền thống lâu năm về đào tạo CNKHTN, không thể để nhân tài của đất nước về khoa học và kỹ thuật cao sau này sẽ “như lá mùa thu” mà cần hỗ trợ toàn diện để đưa nó lên một tầm cao mới. Sự hỗ trợ cho đào tạo CNKHTN đến từ nhiều mặt: hỗ trợ cho giáo viên, cho học sinh và hỗ trợ cho cơ sở vật chất. Về hỗ trợ cho giáo viên và cơ sở vật chất, chúng tôi có các nguồn kinh phí từ các chương trình tiên tiến, chương trình đào tạo quốc tế (16+23). Từ kinh phí của các chương trình này, đội ngũ giáo viên có điều kiện hoàn thiện chính mình về giảng dạy và nghiên cứu khoa học; cơ sở vật chất như giảng đường, phương tiện học tập được đổi mới.

Do đó vấn đề chủ yếu ở đây là cần quan tâm đến sinh viên mà thôi. Lý do chính là có rất nhiều em giỏi, có hoài bão khoa học lớn lao…nhưng điều kiện kinh tế gia đình khó khăn đang cản trở ước mơ của các em nên các em không thể theo học hệ CNKHTN. Chính vì vậy, sự hỗ trợ cho các em trong quá trình học đóng vai trò rất quan trọng. Bắt đầu từ năm 2010 ĐH Quốc gia HN và ĐH Khoa học Tự nhiên quyết định trích kinh phí đào tạo để hỗ trợ cho các sinh viên theo học các lớp khoa học cơ bản hệ tài năng.

Giáo sư có thể “tiết lộ” cụ thể những chính sách ưu tiên đặc biệt của nhà trường đối với những thí sinh xuất sắc trúng tuyển vào trường năm này?

Theo chủ trương thì năm nay thì thí sinh nào được vào lớp cử nhân tài năng của trường ĐH Khoa học Tự nhiên sẽ đồng loạt được cấp học bổng 1 triệu đồng/tháng. Thí sinh được vào lớp chương trình chất lượng cao sẽ được cấp học bổng 500.000đ/tháng. Việc cấp học bổng thường xuyên này sẽ diễn ra trong năm học đầu

Hết năm thứ nhất thì học bổng được xét để cấp tiếp cho sinh viên theo cách như sau: Những em nào học giỏi xuất sắc ở hệ cử nhân tài năng thì dự định nâng mức học bổng lên 1,2 triệu đồng/tháng; những em nào học khá và loại giỏi thì giữ mức học bổng là 1 triệu, những em khác sẽ được cấp học bổng là 800.000đ/tháng. Mục tiêu là tạo động lực để các em tranh đua nhau học tập. Những em có kết quả học tốt còn nhận được nhiều học bổng khác từ các cơ quan, các cá nhân, doanh nghiệp và các tổ chức ở nước ngoài tài trợ.
Hút sinh viên tài năng để đào tạo nhân tài cho đất nước - 2

Không thể để nhân tài của đất nước về khoa học và kỹ thuật cao
sau này sẽ “như lá mùa thu”-GS.TS. Nguyễn Hữu Dư
 
Bên cạnh đó trường cũng đưa ra chính sách là những sinh viên học các hệ khác trong trường vẫn có thể được chọn vào hệ cử nhân tài năng nếu tích lũy đủ tín chỉ của hệ cử nhân tài năng. Việc làm này để tạo cơ hội cho những sinh viên đặc biệt xuất sắc ở hệ ngoài nhưng chưa được vào hệ cử tài năng ở năm thứ nhất.

Ngoài học bổng thường xuyên 1 triệu đồng/năm sinh viên hệ tài năng còn được hỗ trợ kinh phí 15 triệu đồng/năm, vậy khoản hỗ trợ này cụ thể ra sao thưa GS?

Theo chính sách của ĐH Quốc gia HN thì những cử nhân tài năng ngoài kiến thức và kỹ năng chuyên môn thì khi ra trường phải có trình độ tiếng Anh tốt. Các em ra trường phải sử dụng thành thạo ngoại ngữ ở trong chuyên môn và giao tiếp tốt trong cuộc sống hàng ngày. Các em có thể ngay lập tức làm việc ở tất cả các cơ sở, ngay cả cơ sở ở nước ngoài mà không phải đào tạo lại. Để đạt được mục tiêu này Trường quyết định dành ra một số tiền rất lớn (25 triệu đồng/năm ) để hỗ trợ cho các em học ngoại ngữ và tăng cường kỹ năng thực hành cho các em.

Vậy phương thức xét tuyển vào hệ cử nhân tài năng năm nay có khác so với các năm trước đây không thưa GS?

Nhà trường xác định đối tượng xét tuyển vào hệ CNKHTN là nhắm vào các nhân tài. Thí sinh tham dự vào đội tuyển quốc tế thì được tuyển thẳng vào hệ cử nhân tài năng, đối với những thí sinh đạt giải quốc gia từ giải ba trở lên thì nhà trường sẽ tạo điều kiện để nhận hết các em vào. Những thí sinh đạt các giải khác thì sẽ được ưu tiên xét tuyển.

Ngoài ra thì những thí sinh dự thi vào các đại học khác năm 2010 có tổng điểm 3 môn thi cao (khối A, B) thì cũng là đối tượng nhà trường xem xét.

Chúng tôi thực hiện chính sách xét tuyển vào hệ cử nhân khoa học tài năng theo hệ thống mở cho những sinh viên tài năng của đất nước.

Một điều mà nhiều bạn thí sinh quan tâm đó là khi theo học hệ cử nhân tài năng thì cơ hội đi du học sẽ như thế nào, GS có tiết lộ điều này?

Theo quy chế đào tạo của nhà trường thì những sinh viên theo học lớp cử nhân tài năng mà thật sự xuất sắc sẽ được gửi đi đào tạo ở nước ngoài ngay trong quá trình học đại học. Thực tế thì ở hệ cử nhân tài năng khi mà kết thúc năm thứ 2 thì đã có rất nhiều sinh viên được gửi đi học ở các trường danh tiếng như Bách Khoa Paris,…Có năm đến 2/3 sinh viên của một lớp cử nhân tài năng được cử đi học. Phần còn lại sẽ có cơ hội rất cao được đào tạo bậc sau đại học ở các nước tiên tiến. Cho đến nay, chúng tôi đánh giá là tương lai của sinh viên hệ cử nhân tài năng là sáng sủa nếu các em chăm chỉ và có phương pháp làm việc tốt.

 Điều mà xã hội đặc biệt quan tâm đó là những sinh viên được cử đi học có quay trở lại phục vụ cho tổ quốc hay không? Bản thân nhà trường ràng buộc nào để tránh tình trạng “chảy máu” chất xám?... GS có thể chia sẻ điều này?

Nói chung việc các em có quay trở về hay không còn tùy thuộc vào từng lĩnh vực cụ thể. Chẳng hạn như ngành khoa học trái đất thì nhiều em được cử đi đều quay trở về phục vụ cho tổ quốc.

Một số ngành mà dễ xin việc ở nước ngoài như ngành Toán học chẳng hạn thì cho đến nay vẫn chưa thấy em nào trở về phục vụ.

Tuy vậy, theo tôi thì chúng ta cũng nên nhìn nhận thoáng hơn một chút. Nếu các em có tâm huyết phục vụ cho tổ quốc thì sẽ không phụ thuộc vào khoảng cách xa hay gần.

Chúng tôi quan niệm, nếu GS Ngô Bảo Châu về nước thì chưa chắc đã tốt cho đất nước Việt Nam mà GS Ngô Bảo Châu phải được làm việc ở Mỹ hoặc Pháp thì có lợi hơn cho Việt Nam rất nhiều.

Chính vì thế trường ĐH Khoa học Tự nhiên không đặt ra vấn đề các em phải quay trở về phục vụ nhưng các em nên có trách nhiệm tạo điều kiện cho các bậc hậu duệ khóa sau.

Xin cảm ơn GS!
 
Nguyễn Hùng (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm