Hướng dẫn ôn và làm bài thi đại học

Những câu trả lời dưới đây sẽ giải tỏa thắc mắc và giúp các bạn thí sinh có được sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi ĐH sắp tới.

Em thấy môn Vật lý rất khó. Xin các thầy cô hướng dẫn cách làm bài thi môn này.

 

Thầy Nguyễn Thanh Bình: Để đạt được điểm tối đa các môn Toán, Hóa, Lý là rất khó. Phương pháp học từ nay đến khi thi: bài giáo khoa: đọc chậm; bài tập: đọc lại các dạng bài đã học từ trước đến giờ, lưu ý không nên học thêm bài mới. Những năm vừa qua, đề môn Lý, điểm lý thuyết không nhiều, tuy nhiên học sinh không thể bỏ qua phần lý thuyết nếu muốn giải được bài tập. Ở thời điểm này, học sinh nên ôn theo trình tự ngược lại: Vật lý hạt nhân học trước, Quang lý, Quang hình, Địa và cơ... Hiện nay, khuynh hướng đề thi đại học là Hạt nhân quang lý được xem trọng nhiều hơn.

 

Môn Văn khối D bao gồm kiến thức từ giai đoạn nào?

 

Cô Hà Phương Minh: Kiến thức môn Văn thi cả 2 khối C và D đều bao gồm kiến thức văn học hiện đại, phần lớn ở lớp 12, một phần ở học kỳ 2 lớp 11. Đề thi trong 3 năm nay (cả khối C và D) đều có 3 phần câu hỏi: phần 1 kiểm tra kiến thức cơ bản trong SGK (3 điểm) - học và trả lời giống thi tốt nghiệp. Câu hai 5 điểm tương tự một bài văn, yêu cầu học sinh có kỹ năng làm bài. Phần 3 dùng để đánh giá khả năng văn chương và sự sáng tạo của thí sinh. Năm nay Bộ cũng triển khai phương hướng ra đề như vậy.

 

Môn Sinh chú trọng chương trình lớp 12 hay rải đều ở 3 khối lớp? Khi học, chỉ học trong SGK hay cả tài liệu tham khảo?

 

Thầy Phan Kỳ Nam: Chính những sách tham khảo làm cho học sinh bị ám ảnh. Trong đề thi, phần kiến thức lớp 12 chiếm khối lượng lớn (khoảng 60-70%). Tuy nhiên, học sinh phải học liên hoàn các kiến thức từ thấp lên thì mới có thể làm bài. Học sinh không nên sa đà vào sách tham khảo. Cách học: học theo từng bài, từng chương. Ở mỗi bài, ghi nhận lại những ý chính cần nhớ, cần nhận xét, giải thích. Ví dụ: Bài các nhân tố tiến hóa: khái niệm đột biến, 2 đặc điểm quan trọng, vai trò của quá trình đột biến... Cuối cùng đặt ra mối liên hệ giữa các chương với nhau, theo những kiến thức trong SGK. Sách tham khảo chỉ để tham khảo, tránh học thuộc lòng đáp án của những đề mẫu. Bài tập, trước hết làm những bài có tính chất áp dụng, sau đó giải những bài tập khó hơn, không nên sa đà vào những bài tập lắt léo, xu hướng ra đề không theo hướng này. Học sinh nên lưu ý giữ gìn sức khỏe, có chế độ sinh hoạt (học tập và nghỉ ngơi) hợp lý để giữ được sự thăng bằng trong kỳ thi rất quan trọng sắp tới.

 

Môn Tiếng Anh: Kiến thức chỉ cần  học trong SGK thì có đủ không?

 

Thầy Lê Quang Vinh: Môn Tiếng Anh có đặc thù là không giới hạn như các môn học khác. Trong đề thi tiếng Anh hầu như không giới hạn. Cấu trúc bài thi gồm các phần chính: Văn phạm và viết yêu cầu thí sinh nắm vững văn phạm; từ ngữ: từ lớp 6 đến lớp 12, từ nào cũng có thể gặp trong bài thi; phát âm: yêu cầu thí sinh học từ không chỉ học nghĩa từ mà còn phải biết cách sử dụng, cách phát âm (dấu nhấn) của từ. Tóm lại, HS phải học hết, không những chỉ trong SGK mà cả các tài liệu liên quan.

 

Đề thi môn Địa lý có thường cho vẽ bản đồ không? Làm cách nào vẽ bản đồ một cách dễ dàng và nhanh chóng?

 

Thầy Trần Văn Quang: Trong những năm gần đây, yêu cầu vẽ bản đồ không còn được đề ra trong đề thi. Cách để nhớ: vẽ đường ven biển trước (chú ý tỷ lệ), vẽ phía trên đầu (phần giáp Trung Quốc), nhớ các chỗ lõm. Cách tốt nhất: luyện nhiều lần.

 

Ở môn Văn, cùng một hình ảnh có nhiều ý kiến khác nhau, nên theo ý nào?

 

Cô Hà Phương Minh: Đối tượng thi của HS là tác phẩm văn học, sự hiểu và tiếp nhận tác phẩm khác nhau là hiển nhiên. HS có thể đưa ra cách lý giải riêng, điều quan trọng là khi đưa ra lý giải phải phù hợp trên văn bản, hợp logic. Tác phẩm văn học trong nhà trường là một đơn vị kiến thức, giá trị cơ bản là bản chất của tác phẩm văn học mà học sinh đã được học trên lớp, trên cơ sở đó thí sinh đưa vào cảm nhận của mình.

 

Theo Thanh Niên