Hướng dẫn giải đề thi đại học môn Lịch Sử khối C năm 2014

(Dân trí) - Nhiều thí sinh cho rằng đề thi Lịch Sử khối C năm nay hay nhưng hóc búa. Dưới đây là gợi ý giải đề môn Lịch Sử do trung tâm Hocmai.vn cung cấp để bạn đọc và thí sinh tham khảo.

Sau 180 phút làm bài, thí sinh kết thúc môn thi thứ 2 phấn khởi vui tươi vì làm được bài.
Các thí sinh xem lại bài làm sau khi ra khỏi phòng thi môn Sử tại Hội đồng thi trường ĐH Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa. (Ảnh: Thái Bá)
 
Câu 1

1. Những cuộc khởi nghĩa và kháng chiến in đậm dấu ấn của Việt Nam trong thế kỉ XX là

a. Tổng khởi nghĩa Tháng Tám – 1945

b. Kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp thắng lợi .

c. Kháng chiến chống Mĩ cứu nước thắng lợi

2.Vai trò của nhân dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc: Nhân dân là chủ thể của cách mạng có vai trò to lớn, quyết định thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc. Các cuộc kháng chiến của ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đều là kháng chiến toàn dân.

Câu 2

Biện pháp hoà bình của Việt Nam trong quan hệ với Pháp kể từ ngày 6-3-1946 đến trước ngày 19-12-1946.

1. Ngày 3-3-1946, Ban Thường vụ Trung ướng Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì đã chọn giải pháp hoà bình của ta là “Hòa để tiến”. Cụ thể như sau:

- Chiều 6-3-1946, chủ tịch Hồ Chí Minh đã kí với Xanhtoni bản Hiệp định sơ bộ.

=> Với bản Hiệp định sơ bộ, ta tạm thời hoà với Pháp để đuổi Tưởng, tránh cho ta được tình trạng cùng 1 lúc phải đối đầu với hai kẻ thù, đẩy nhanh 20 vạn quân Tưởng về nước, ta có thêm thời gian hoà bình để củng cố chính quyền cách mạng, chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến lâu dài với Pháp mà ta biết không thể tránh khỏi

- Kiên quyết giữ vững lập trường quyết tâm bảo vệ độc lập chủ quyền mặc dù Pháp có những hành động gây chiến ở Nam Bộ. Một mặt ta tiến hành kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ, một mặt tiếp tục đàm phán với chính phủ Pháp thông qua cuộc đàm phán ở Phongtennoblo (6-7-1946) nhưng thất bại vì lập trường hai bên khác xa nhau; và cuối cùng là Tạm ước 14-9-1946 tiếp tục nhượng bộ Pháp một số quyền lợi để tranh thủ thời gian hoà hoãn chuẩn bị và củng cố lực lượng.

- Tuy nhiên, do lập trường hai bên khác xa, Pháp quyết tâm có những hành động gây hấn và quyết tâm xâm lược nước ta một lần nữa cho nên dù chúng ta giữ lập trường hoà bình nhưng không thể tiếp tục nhân nhượng, nhân nhượng là mất nước. Thực dân Pháp buộc ta phải cầm sung đứng lên tiến hành Toàn quốc kháng chiến vào ngày 19-12-1946 để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.

2. Tác dụng của biện pháp ấy.

- Tránh cho ta được tình thế phải cùng 1 lúc đối đầu với 2 kẻ thù trong điều kiện thế ta còn chưa mạnh.

- Ta có thêm thời gian hoà hoãn để tranh thủ thời gian hoà bình để chuẩn bị lực lượng, củng cố các tiềm lực chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp.

Câu 3: Hoàn cảnh lịch sử của việc hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước ở Việt Nam (1975-1976)

Ngày 30-4-1975, cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước kết thúc thắng lợi, Tổ quốc được thống nhất về mặt lãnh thổ.

Tuy nhiên, ở hai miền Nam – Bắc vẫn tồn tại những hình thức tổ chức nhà nước khác nhau, chúng ta chưa được thống nhất về mặt Nhà nước.

• Miền Bắc: có Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, có Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính là chính quyền các cấp.

• Miền Nam, có chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Hội đồng cố vấn của Chính phủ, Ủy ban nhân dân cách mạng là chính quyền các cấp.

Công cuộc xây dựng CNXH đang được tiến hành ở miền Bắc và chỉ có thống nhất đất nước về mặt Nhà nước chúng ta mới có cơ sở đển tiến hành công cuộc xây dựng CNXH trên phạm vi cả nước.

Có thống nhất đất nước về mặt nhà nước mới tạo điều kiện thống nhất toàn diện, phát huy sức mạnh và tiềm năng, từng miền, mở ra khả năng to lớn trong xây dựng và phát triển đất nước, mở ra quan hệ hợp tác quốc tế

Ngoaì ra, thống nhất đất nước còn là quy luật phát triển của dân tộc Việt Nam; một yêu cầu cấp bách và là nguyện vọng chính đáng của nhân dân sau ¼ thế kỉ bị chia cắt.

Xuất phát từ hoàn cảnh, yêu cầu khách quan của lịch sử, Hội nghị Ban chấp hành trung ương Đảng lần thứ 24 đã họp (tháng 9/1975), đã đề ra nhiệm vụ hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước.

Câu 4

Những biến đổi to lớn ở Đông Nam Á từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay

- Các nước đều đã giành được độc lập ở những mức độ khác nhau.

- Sau khi giành độc lập, các nước Đông Nam Á đều bắt tay vào công cuộc khôi phục, phát triển kinh tế và đạt được những thành tựu đáng kể điển hình như Singapo

- Các nước đều gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và phấn đấu đưa ASEAN ngày càng trở nên vững mạnh, một cộng đồng hợp tác hùng mạnh ở khu vực và trên thế giới trên cơ sở hoà bình, ổn định khu vực.

Hiện nay, ASEAN cần có những biện pháp để bảo đảm hoà bình, an ninh, ổn định ở khu vực.

+ Trước những hành động leo thang của Trung Quốc ở biển Đông, tình hình ở Đông Nam Á ngày càng nóng lên, nguy cơ xung đột vũ trang có thể xảy ra, ASEAN cần đứng vai trò trung tâm, vai trò định hướng trong việc giải quyết các xung đột nhằm duy trì hoà bình, ổn định ở khu vực.

+Cần coi trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển

+ Quan điểm và lập trường hoà bình nhưng trên nguyên tắc là kiên quyết bảo vệ chủ quyền của các quốc gia và các cơ sở pháp lí quốc tế.`

Nguồn: Hocmai.vn