Họp phụ huynh chỉ bàn… chuyện tiền
(Dân trí) - Đầu năm học, nhiều người tránh việc đi họp phụ huynh không phải vì thiếu quan tâm đến con mà họ không muốn mất thời gian đến chỉ để nghe thông báo về các khoản tiền phải đóng.<br><a href='http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/phu-huynh-phai-viet-giay-khat-no-hoc-phi-phuong-phap-giao-duc-cua-hieu-truong-qua-yeu-948790.htm'><b> >> Phụ huynh phải viết… giấy khất nợ học phí: “Phương pháp giáo dục của hiệu trưởng quá yếu”</b></a><br><a href='http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/ong-hieu-truong-tu-dat-ra-phi-la-bi-xem-xet-ky-luat-948611.htm'><b> >> Ông hiệu trưởng tự đặt ra “phí lạ” bị xem xét kỷ luật</b></a><br><a href='http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/mot-truong-tieu-hoc-phai-tra-lai-tien-phu-huynh-thu-ho-948338.htm'><b> >> Một trường tiểu học phải trả lại tiền “phụ huynh thu hộ”</b></a>
Họp… thu tiền
Nghe đến việc họp phụ huynh là chị Trần Bích Ngân, bà mẹ có hai con đang theo học phổ thông ở TPHCM lại ngán ngại. Không phải chị không có thời gian hay không quan tâm đến con nhưng chị cho rằng việc đi họp phụ huynh chẳng giúp ích gì.
“Đi họp chỉ để nghe thông báo về các khoản thu, thành quả lớn nhất sau buổi họp là bản danh sách dài dằng dặc đủ loại tiền phải đóng. Đến nghe chỉ thêm đau đầu, ở nhà rồi cũng nhận được thông báo này”, chị Ngân nói.
Theo chị Ngân, không chỉ mình chị mà nhiều phụ huynh khác cũng ngại đi họp hành ở trường. Có nhiều người đến họp chỉ ngủ gật, bấm điện thoại, nói chuyện… chờ cuối buổi nắm tinh thần “đóng góp vì sự nghiệp giáo dục con em” là xong.
May mắn của chị Ngân là chị giữ liên hệ với giáo viên chủ nhiệm, trao đổi riêng về tình hình về con. Còn gia đình nào chỉ chờ vào buổi họp phụ huynh để biết thêm về con khi ở trường thì xem như trắng tay hoặc biết không đến nơi đến chốn.
Ngay với nội dung đóng tiền trong các buổi họp, phụ huynh cũng chẳng khác nào người thừa. Một là họ ngại lên tiếng, sợ ảnh hưởng đến con. Hai là có lên tiếng, chắc gì đã được ghi nhận… thành ra không ít người chọn cách im lặng, ai bực mình thì lẩm bẩm hoặc ra cổng trường xả với nhau cho bớt bức xúc.
“Có nhiều khoản thu theo thỏa thuận rất mập mờ được hội phụ huynh thông báo. Chúng tôi hỏi đóng để làm gì, hiệu quả ra sao… cũng chẳng ai trả lời, chỉ biết đó là việc từ ban đại diện phụ huynh trường thông báo xuống. Họp để bàn chuyện tiền cũng không đúng, họp phụ huynh để thông báo đóng tiền thì chính xác hơn”, anh Tâm, có con học lớp 6 Trường B, TPHCM cho hay.
Ghi nhận tại nhiều buổi họp phụ huynh lớp, đại hội phụ huynh trường đầu năm càng hiểu rõ vì sao sang phụ huynh “quay lưng” với những cuộc họp như vậy. Những nội dung về lịch học, trao đổi về chương trình học đạo đức, lối sống con trẻ… gần như không được đề cập hoặc chỉ được nhắc cho có lệ trong các buổi họp phụ huynh. Còn lại phần lớn là “màn diễn” của đại diện phụ huynh và nhà trường xoay quanh chuyện xã hội hóa với những thông báo chi tiêu, đóng góp. Báo cáo tổng kết hoạt động năm cũ, kế hoạch cho năm mới của ban đại hiện cha mẹ học sinh (HS) cũng chỉ một nội dung duy nhất là việc thu tiền và tiêu tiền.
Hội phụ huynh hay… “hội bảo trợ”?
Cũng vì chuyện tiền “át” hết những nội dung giáo dục quan trọng khác nên nhiều người được bầu vào Hội Cha mẹ HS phải tìm cách từ chối, mấy ai mặn mà với công việc này. Có chăng là những phụ huynh có điều kiện, có thể "đi đầu" trong các cuộc vận động về tiền bạc. Khi đó, vai trò của hội cũng bị lệch hướng, lẽ ra họ đứng về phía quyền lợi của phụ huynh, con trẻ thì lại trở thành "người mở đường", thậm chí thành “hội bảo trợ” cho nhà trường.
Mọi khoản tiền, mọi ý tưởng liên quan đến tài chính nhà trường đặt ra luôn “trói” hội phụ huynh vào với danh nghĩa đã thông qua ban đại diện cha mẹ HS, thậm chí được gán là đề xuất của ban đại diện này.
Nhiều ý kiến cho rằng, hoạt động hội của hội phụ huynh theo cách như hiện nay là không cần thiết vì không hỗ trợ nhiều cho giáo dục con trẻ. Việc đóng tiền theo chủ trương xã hội hóa là nhu cầu thực tế nhằm tạo ra môi trường học tập tốt hơn cho trẻ. Tuy nhiên, về việc đóng các khoản thu, anh Nguyễn Văn Phương, thuộc hội phụ huynh lớp 6 một trường nằm giữa trung tâm TPHCM cho rằng chỉ cần nhà trường thu đúng, thu đủ, chi hiệu quả và công khai minh bạch tất cả các khoản thu chi trên bảng thông báo thì không cần phải tổ chức họp hành, thanh minh gì nhiều.
Ở trường con anh theo học, một năm 3 lần đại hội phụ huynh, trọng tâm cũng chỉ là tiền. Đầu năm thông báo đóng tiền, hết học kỳ 1 họp nhắc đóng tiền đợt 2 và cuối năm thông báo thu chi. Họp phụ huynh lớp cũng quanh quẩn như vậy.
“Chúng ta nói về tiền quá nhiều. Các buổi họp phụ huynh lớp nên tập trung để giáo viên và phụ huynh trao đổi sâu sát tình hình giáo dục con em thì trường học mới thật sự mang nhiệm vụ giáo dục”, anh Phương nói.
Sự gắn kết giữa gia đình và nhà trường ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả giáo dục. Gắn kết giữa nhà trường - phụ huynh thường chỉ thông qua cuốn sổ liên lạc, học bạ chưa thể nói gì về đứa trẻ. Họp phụ huynh là dịp gặp gỡ trực tiếp giữa phụ huynh và giáo viên lại biến thành buổi họp bàn chuyện tiền.
Vấn đề này cũng được đề cập tại chuyên đề về tầm quan trọng của việc hợp tác của phụ huynh với nhà trường trong khuôn khổ Ngày hội Giáo dục 2014 do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức. Tại đây, một số chuyên gia, nhà quản lý giáo dục cảnh báo sự lỏng lẻo giữa nhà trường và gia đình trong việc phối hợp giáo dục con cái hiện nay.
Việc giáo dục cần chú trọng những trao đổi về thế mạnh, điểm yếu của trẻ giữa nhà trường và gia đình để có những biện pháp giúp trẻ phát huy bản thân. Còn lúc này, dường như chuyện thu - đóng tiền lại là mối bận tâm hàng đầu của cả nhà trường lẫn phụ huynh. Như thể giáo dục đang vận theo kiểu nhà trường không thu được các khoản “tự nguyện” từ phụ huynh thì chưa thể dạy học tốt con trẻ. Còn phụ huynh không “tự nguyện” thì xem như chưa hoàn thành trách nhiệm với con?