Đắk Nông:
Hơn một triệu suất cơm miễn phí của cô giáo vùng cao
(Dân trí) - Nhìn lại chặng đường 7 năm đồng hành cùng học sinh nghèo, cô giáo Huỳnh Thị Thùy Dung hãnh diện vì từ bếp ăn nhỏ này, đã có những đứa trẻ trưởng thành, tiếp tục con đường học tập.
Cô giáo Huỳnh Thị Thùy Dung (SN 1988) là giáo viên Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (xã Đắk Nang, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông), đồng thời cũng là người quản lý bếp ăn bán trú của trường.
Từng rớt nước mắt vì lá thư của học trò nghèo
Đã nhiều năm trôi qua nhưng nhắc về lý do mở bếp ăn bán trú, cô Dung vẫn chưa thể quên được những dòng thư của Giàng Thị Dó, với nội dung xin nghỉ học vì nhà nghèo.
Cô Dung cho biết Giàng Thị Dó sinh năm 1999 tại một bản người Mông xã Đắk Nang. Bố mất, mẹ đi thêm bước nữa nên chị em Dó cũng theo mẹ về nhà bố dượng. Gia cảnh nghèo khó đã buộc nữ sinh này phải xin thôi học để phụ giúp gia đình.
Nhớ lại từng kỷ niệm với cô học trò năm xưa, cô Dung bồi hồi: "Ngày đó, tôi mới đi dạy, trong lớp có Dó học rất giỏi. Do nhà nghèo, đông anh em nên em phải bỏ dở chuyện học hành. Trước khi nghỉ học, em viết một lá thư gửi cho các bạn trong lớp và cô giáo chủ nhiệm".
Học sinh nghỉ học vì nhà nghèo? Đó là những gì cô Dung nghĩ trong đầu khi đọc bức thư của học trò. Cũng từ câu hỏi ấy, cô Dung cũng đặt ra câu hỏi cho chính bản thân: "Mình cần làm gì để học sinh được đến trường ?".
Nhiều năm gắn bó với ngôi trường vùng cao xã Đắk Nang, cô Dung hiểu rằng, những đứa trẻ nghỉ học sớm để phụ giúp bố mẹ. Có em lên rừng hái măng, hái đót, tìm chuối hột. Có em ở nhà trông em để bố mẹ đi làm. Thậm chí, có em theo chân người lớn để mưu sinh hàng ngày. Trẻ em trong vùng, nhiều em chấp nhận thất học để no bụng.
Tháng 12/2016, những suất ăn đầu tiên được cô Dung chuẩn bị để phát cho học sinh trong trường. Thời điểm đó, mỗi tuần, nữ giáo viên chỉ đủ kinh phí nấu thức ăn cho hơn 100 học sinh và phát 2 buổi/tuần nhưng cô Dung cho rằng, đó là những mình có thể làm để giữ chân học trò ở lại lớp học.
Hơn một triệu suất cơm miễn phí
9 năm về công tác tại trường THCS Võ Thị Sáu thì cô Dung có 7 năm đồng hành cùng học trò nghèo, mang đến cho cả ngàn học sinh ở đây những bữa cơm đầy đủ rau, thịt, cá.
Ít ai biết rằng, những ngày đầu khi bếp ăn đi vào hoạt động, cô Dung chỉ đủ tiền mua rau và cá khô để nấu. Sau đó, những thông tin về bếp ăn được nhiều người chia sẻ, bếp ăn cũng gia tăng về số lượng và cải thiện về chất lượng mỗi bữa.
Cô Dung chia sẻ: "Học sinh của trường phần đông là các em người dân tộc Mông, Sán Chỉ. Do đường từ nhà đến trường xa, các em mang cơm từ nhà đi để ăn trưa tại trường, chờ đến chiều học tiếp. Nhiều lần chứng kiến các em ăn cơm đựng trong túi ni lông, ăn kèm muối ớt hoặc cục đường mía mà tôi không khỏi xót xa".
Thông qua Zalo, Facebook, cô Dung kêu gọi sự giúp đỡ của mọi người, để hỗ trợ các em học sinh nghèo được đến lớp.
Ngoài ra, để việc nấu cơm cho các em ổn định hàng tuần, các phụ huynh, tiểu thương trong xã cũng giúp đỡ bếp ăn của cô Dung bằng cách cho rau, thịt hoặc trực tiếp tham gia nấu nướng.
Bếp ăn đi vào hoạt động ổn định, hiện tại trung bình mỗi tuần cô Dung nấu khoảng 800 suất ăn. Mỗi bữa ăn có đủ thịt, cá, rau và canh, khác hẳn những gói cơm nguội vài năm trước.
Trong suốt 7 năm "đi xin cơm cho học trò nghèo", cô Dung chỉ nhận mình là cầu nối, kết nối giữa những nhà hảo tâm, các mạnh thường quân với những đứa trẻ thiếu thốn, thiệt thòi.
Cô Dung nói rằng, hơn một triệu suất cơm được trao đến tận tay học trò nghèo, đó là tình cảm của mọi người dành cho học sinh khó khăn xã Đắk Nang.
Điều mà nữ giáo viên vùng cao tự hào nhất đó chính là sự tin tưởng của các nhà hảo tâm. Sau nhiều năm triển khai, rất nhiều người đã đồng hành cùng cô Dung.
Có những người chưa từng về thăm trường, chỉ trao đổi qua điện thoại, thậm chí có những nhà hảo tâm gửi tiền giúp đỡ nhưng không tiết lộ thông tin cá nhân. Tất cả đều chung mục đích chăm lo những bữa cơm cho học sinh nghèo.
Đặc biệt, nhiều thế hệ học trò đã trưởng thành, tiếp tục con đường học tập. Chính điều đó đã thôi thúc cô Dung tiếp tục con đường mình đã chọn, vẫn là cầu nối giúp đỡ các học sinh khó khăn cho đến khi bếp ăn không còn học sinh.