Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014:

Hơn 910.000 thí sinh vừa hoàn thành bài thi môn Văn

(Dân trí)-Từ 8h đến 10h sáng nay, hơn 910.000 thí sinh cả nước làm bài thi môn Ngữ Văn của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Chiều nay, các thí sinh thi một trong hai môn tự chọn là Vật lý và Lịch sử. Với những thí sinh không chọn cả 2 môn này thì được nghỉ chiều nay.

Khác với các kỳ thi trước, thi tốt nghiệp THPT năm nay được tổ chức trong 5 buổi, thí sinh được chọn môn thi nên có hội đồng thi hơn 10 cán bộ “phục vụ” 1 thí sinh.
 
Trước đó, vào sáng và chiều ngày 1/6, tại các Hội đồng thi trên cả nước, các thí sinh đã tập trung để nghe phổ biến Quy chế Tốt nghiệp THPT 2014 và hoàn tất mọi thủ tục cần thiết để chuẩn bị cho kỳ thi bắt đầu vào hôm nay 2/6.
 
Thí sinh xem số báo danh, sơ đồ phòng thi. (Ảnh: Hoàng Mạnh)
Thí sinh xem số báo danh, sơ đồ phòng thi. (Ảnh: Hoàng Mạnh)

Khác với các năm trước, thí sinh năm nay sẽ chỉ phải dự thi 4 môn, trong đó 2 môn thi bắt buộc là Ngữ văn và Toán; 2 môn môn thi tự chọn nằm trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ.

Những đổi mới chủ yếu của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 chính là việc giảm số môn thi từ sáu môn như trước đây xuống còn bốn môn; trong đó có hai môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và hai môn do thí sinh tự chọn (trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Ðịa lý, Ngoại ngữ).

Ngoài ra, Bộ GD-ÐT cũng điều chỉnh tổ chức thi trong 2,5 ngày, trong đó có hai buổi dành cho hai môn bắt buộc; còn lại mỗi buổi đều có hai ca thi (cho hai môn tự chọn). Ðề thi vẫn có câu hỏi phân hóa, có câu khó, câu dễ và ngay ở một câu cũng có thể có phân hóa về mức độ đạt được.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Ðến nay, công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT đã hoàn tất. Bộ GD-ÐT có hướng dẫn ôn thi, hướng dẫn tổ chức thi, các hướng dẫn nghiệp vụ và tập huấn cho các địa phương đầy đủ. Công tác ra đề, in sao được triển khai đúng quy định. Mặt khác, Bộ GD- ÐT cũng có công văn gửi lãnh đạo các địa phương và một số ngành liên quan về việc phối hợp chỉ đạo, bảo đảm kỳ thi an toàn, nghiêm túc. Qua kiểm tra công tác thi ở một số địa phương thấy rằng, có sự chuẩn bị chu đáo từ hướng dẫn học sinh ôn tập, học tập quy chế, đến chuẩn bị các phương án thi đổi mới...”.
 
Thí sinh xem số báo danh, sơ đồ phòng thi tại điểm thi trường THPT Anh Sơn 2 (Nghệ An)
Thí sinh xem số báo danh, sơ đồ phòng thi tại điểm thi trường THPT Anh Sơn 2 (Nghệ An).

Mỗi ca thi cách nhau 70 phút

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, việc thi hai ca trong một buổi đã được Bộ GD-ÐT tính toán khá kỹ lưỡng. Trong đó, khoảng thời gian nghỉ giữa hai ca thi kéo dài một tiếng 10 phút sẽ bảo đảm đủ thời gian chuẩn bị tốt cho ca thi thứ hai. Về biện pháp mang tính kỹ thuật, quá trình sắp xếp thứ tự các môn thi, Bộ GD-ÐT chú trọng đến việc bố trí ca thi thứ hai là những môn có ít học sinh dự thi.

Để đảm bảo tốt cho học sinh thi 2 môn/buổi, nhiều địa phương chuẩn bị chu đáo. Nhiều địa phương có những cách phân luồng hiệu quả, đảm bảo ổn định, trật tự giữa 2 ca thi.

Tại TPHCM, quy định khi thí sinh thi ca 1 xong thì thí sinh ca 2 mới được vào địa điểm thi. Nếu địa điểm thi có một cổng phải phân lối ra vào cho thí sinh. Với địa điểmthi có hai cổng, Sở GD-ĐT TP.HCM khuyến cáo nên sắp xếp cho thí sinh vào một cổng và ra một cổng, tránh sự hỗn độn giữa ca.

Còn tại Hà Nội, Sở GD-ĐT yêu cầu các Hội đồng thi xây dựng phương án tổ chức phân luồng, ổn định học sinh trong thời gian giao thoa giữa hai ca. Phương án được thống nhất trên toàn thành phố là khi có hiệu lệnh trống thu bài của ca 1 thì học sinh ca 2 được vào trường thi, nhưng phải bố trí ở khu vực riêng. Sở cũng yêu cầu các trường tiểu học, THCS lân cận có trách nhiệm mở cửa đón phụ huynh nghỉ ngơi trong thời gian chờ con em làm bài.

Hầu hết các Hội đồng thi của Hà Nội hiện đều có phương án phân luồng học sinh giữa các ca thi bằng cách phân chia học sinh ra vào theo cổng, lối đi khác nhau.

Cũng do chính việc tổ chức 2 môn thi/buổi thi, Sở GD-ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu năm nay đã cho in lịch thi, thời gian thi ngay mặt sau thẻ dự thi để giúp thí sinh đi thi đúng giờ, đúng buổi. Ngoài việc in lịch thi các môn lên mặt sau của thẻ dự thi của từng thí sinh, các Hội đồng Coi thi tại Bà Rịa - Vũng Tàu còn cắt cử lực lượng bảo vệ, nhắc nhở thí sinh ở các phòng chờ đến phòng thi đúng giờ, tránh trường hợp học sinh quên hay đến muộn so với thời gian quy định.

Tại Đà Nẵng, Sở GD-ĐT cấp 2 thẻ dự thi cho thí sinh, trong đó một thẻ sẽ được phát về cho phụ huynh. Ngoài ra, sau mỗi thẻ dự thi đều ghi rõ thời gian, môn thi tốt nghiệp một cách chi tiết, cụ thể. Ngoài lịch thi, Sở GD-ĐT Gia Lai còn cho in cả giờ bắt đầu làm bài lên mặt sau của thẻ dự thi của từng thí sinh. Nếu quên thẻ dự thi, các thí sinh có thể dùng chứng minh nhân dân thay thế.
 
Cán bộ coi thi hướng dẫn thí sinh làm thủ tục và học quy chế thi.
Cán bộ coi thi hướng dẫn thí sinh làm thủ tục và học quy chế thi. (Ảnh: Khánh Hiền)
 
Nấu cơm phục vụ thí sinh

Ngày 1/6, sau khi kiểm tra, thị sát công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp tại tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Để giảm tải cho các địa phương trong việc bố trí môn thi, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết: “Với những Hội đồng coi thi mà có rất ít thí sinh thi một môn, có thể xử lý linh hoạt bằng cách gửi các thí sinh đó sang Hội đồng coi thi bên cạnh với điều kiện các thí sinh dự thi đồng ý. Trong trường hợp các thí sinh không muốn chuyển, các Hội đồng coi thi vẫn tổ chức thi riêng, đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, không gây áp lực cho thí sinh và đảm bảo tiết kiệm, không lãng phí.

Việc tổ chức thi riêng vẫn phải đảm bảo đúng nguyên tắc, đúng quy chế. Thành phần tối thiểu bao gồm: 1 Lãnh đạo Hội đồng coi thi, 2 giám thị trong phòng thi, 1 giám thị ngoài phòng thi, 1 cán bộ thanh tra và công an, y tế”.

Giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Giang Nguyễn Đức Hiền cho biết: “Đối với các buổi thi có môn thi thứ 2, để tránh tình trạng nhầm lẫn và các hoạt động gây lộn xộn trong và ngoài các HĐCT, Sở đã quán triệt các HĐCT một mặt phải tổ chức trong HĐCT bộ phận thư kí, điều hành và bộ phận thu, nhận bài thi có phòng riêng tách biệt nhau. Nhằm mục đích khi bộ phận giám thị thu hết đề thi tập trung tại phòng thu đề, bộ phận thư ký điều hành mới triển khai tiếp công tác chuẩn bị cho môn thi tiếp theo. Các công tác này phải được phối hợp nhịp nhàng, ăn khớp.

Mặt khác, khi các thí sinh thi môn thứ nhất đã ra khỏi khu vực thi, các bộ phận thư kí HĐCT triển khai môn thi thứ 2 thì thí sinh mới được vào khu vực thi để tránh tình trạng lộn xộn trong khu vực thi.

Trong khi chờ thi, trên toàn tỉnh Bắc Giang các HĐCT phải bố trí nơi chờ cho thí sinh và người nhà. Tại đây đảm bảo nước uống quạt mát cho thí sinh. Đối với trường nào không có đủ cơ sở vật chất, Sở chỉ đạo phối hợp với chính quyền địa phương tận dụng các thiết chế văn hóa ở gần trường thi để bố trí làm nơi chờ. Đối với các HĐCT có nhiều thí sinh ở xa, nhà trường tổ chức nấu cơm cho các em".

Lịch thi và thời gian làm bài thi tốt nghiệp năm 2014:

Ngày

Buổi

Môn thi

Thời gian

làm bài

Giờ phát đề thi

Giờ bắt đầu

làm bài

2/6

SÁNG

Ngữ văn

120 phút

7 giờ 55

8 giờ 00

CHIỀU

Vật lí

60 phút

13 giờ 30

13 giờ 45

Lịch sử

90 phút

15 giờ 55

16 giờ 00

 

3/6

SÁNG

Toán

120 phút

7 giờ 55

8 giờ 00

CHIỀU

Hóa học

60 phút

13 giờ 30

13 giờ 45

Địa lí

90 phút

15 giờ 55

16 giờ 00

4/6

SÁNG

Ngoại ngữ

60 phút

7 giờ 55

8 giờ 10

Sinh học

60 phút

10 giờ 25

10 giờ 40

 (Nguồn: Bộ GD-ĐT)

Hồng Hạnh