Hơn 90.000 nhà giáo trường nghề chính thức được miễn chứng chỉ ngoại ngữ

Lệ Thu

(Dân trí) - Hơn 90.000 nhà giáo giáo dục nghề nghiệp chính thức được bãi bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ kể từ ngày 10/3/2021.

Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Thông tư 21/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2017/TT-BLĐTBXH ngày 10/3/2017 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH quy định chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.

Theo đó, tại Điều 4, tiêu chuẩn 2 về Trình độ ngoại ngữ, Thông tư có quy định, giáo viên giáo dục nghề nghiệp "Có năng lực sử dụng ngoại ngữ trong thực hiện nhiệm vụ của nhà giáo dạy trình độ sơ cấp theo yêu cầu vị trí việc làm do người đứng đầu cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp quy định."

Tương tự, tại Điều 5, tiêu chuẩn 3 về Trình độ tin học quy định, giáo viên giáo dục nghề nghiệp "Có năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ của nhà giáo dạy trình độ sơ cấp theo yêu cầu vị trí việc làm do người đứng đầu cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp quy định".

Như vậy, với việc ban hành Thông tư số 21/2020/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2020, thì Bộ LĐ-TB&XH chính thức bỏ yêu cầu nhà giáo giáo dục nghề nghiệp phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ trong tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần giải tỏa áp lực cho hơn 90.000 nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.

Hơn 90.000 nhà giáo trường nghề chính thức được miễn chứng chỉ ngoại ngữ - 1

Hơn 90.000 nhà giáo giáo dục nghề nghiệp chính thức được bãi bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, kể từ ngày 10/3/2021.

Trước đó, theo quy định tại Thông tư số 08/2017/TT-BLĐTBXH ngày 10/3/2017 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH quy định chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp: Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp phải có chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học, cụ thể như sau:

Nhà giáo dạy trình độ sơ cấp phải có trình độ ngoại ngữ Bậc 1 (A1); nhà giáo dạy trình độ trung cấp, cao đẳng phải có trình độ ngoại ngữ Bậc 2 (A2) theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/01/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương trở lên (sau đây gọi là Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT);

Nhà giáo dạy trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng phải có trình độ tin học đạt Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin hoặc tương đương trở lên (sau đây gọi là Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT).

Thực tế triển khai những năm qua cho thấy, do "áp lực" phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ trong một thời gian ngắn nên dẫn đến nảy sinh những tiêu cực trong việc học, thi lấy chứng chỉ. Một số cơ sở, đơn vị đào tạo, bồi dưỡng không có chất lượng, tổ chức thi, cấp chứng chỉ tin học, ngoại ngữ không đúng quy định gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Với việc ban hành Thông tư số 21/2020/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2020, thì Bộ đã chính thức bỏ yêu cầu nhà giáo giáo dục nghề nghiệp phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ trong tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần khắc phục bất cập nói trên.

Do đó, từ ngày 10/3/2021 khi Thông tư số 21/2020/TT-BLĐTBXH có hiệu lực thi hành thì:

Yêu cầu về ngoại ngữ đối với nhà giáo giáo dục nghề nghiệp không còn quy định bắt buộc phải đảm bảo bậc 01, bậc 02 theo Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT về khung năng lực ngoại ngữ 06 bậc dùng cho Việt Nam.

Yêu cầu về trình độ tin học đối với nhà giáo giáo dục nghề nghiệp không còn bắt buộc phải đạt Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin theo Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT.

Điều này không có nghĩa là yêu cầu về ngoại ngữ, tin học đối với nhà giáo giáo dục nghề nghiệp được "xem nhẹ" hoặc "hạ thấp" mà đã được nghiên cứu, điều chỉnh một cách hợp lý để đảm bảo các yêu cầu về năng lực này được quy định hiệu quả và thực chất hơn.

Thay vì quy định bắt buộc phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ thì Thông tư số 21/2020/TT-BLĐTBXH yêu cầu nhà giáo phải có năng lực sử dụng ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm do người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp quy định. Qua đó, tăng cường phân cấp, tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm