Hơn 400.000 học sinh tiểu học có học lực yếu kém

(Dân trí) - Hiện cả nước có 417.115 học sinh tiểu học có học lực yếu, kém. Đặc biệt, trong đó có nhiều thành phố lớn như TPHCM, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Hải Dương.

Đây là số liệu mà Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Đặng Huỳnh Mai đưa ra tại Hội thảo “Giáo dục cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt: Thực trạng, xu hướng và triển vọng” vừa được tổ chức sáng nay 21/6 tại Hà Nội.

 

Theo thứ trưởng Mai, toàn quốc có hơn 7,3 triệu học sinh tiểu học, trong đó số lượng học sinh có lực học yếu, kém là 417.115. Những tỉnh, thành có điều kiện kinh tế phát triển như TPHCM, Đà Nẵng, Thừa Thiên  - Huế, Hải Dương có đến 6.862 học sinh yếu kém.

 

Các tỉnh khu vực nông thôn có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển như Hà Tây, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định có 7.452 học sinh dưới trung bình, trong đó Hà Tây, Nam Định có tỉ lệ học sinh yếu kém cao nhất.

 

Đặc biệt, các tỉnh miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số ít người sinh sống như Sơn La, Đắk Lắk, Hà Giang, Trà Vinh có 47.227 học sinh yếu kém, cao nhất là Sơn La, Trà Vinh.

 

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT thì cả nước hiện nay vẫn còn khoảng 7% trẻ em trong độ tuổi đi học chưa được đến trường hoặc đã đi học nhưng bỏ học trước khi hoàn thành bậc tiểu học. Bên cạnh đó, cả nước có khoảng 1 triệu trẻ em trong độ tuổi đi học bị khuyết tật cả về thể lực lẫn trí lực, hơn 70% trẻ em trong số đó  không có cơ hội vào học ở các trường học bình thường.

 

Theo thứ trưởng Mai, nguyên nhân của tình trạng trên là do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, do cách biệt về địa lý. Đặc biệt là công tác quản lý chưa thật sự đổi mới, thiếu sự linh hoạt, năng động để đáp ứng với yêu cầu thực tế ở cơ sở. Đội ngũ giáo viên còn nhiều hạn chế, bất cập về trình độ chuyên môn lẫn nghiệp vụ và tình yêu nghề nghiệp. Chất lượng dạy học ở trường vùng sâu, vùng khó khăn cũng ảnh hưởng đáng kể đến số lượng học sinh bỏ học, lưu ban.

 

Bộ GD-ĐT đưa  ra các giải pháp như: ban hành chính sách miễn giảm học phí, cấp học bổng cho đối tượng học sinh nghèo vượt khó học giỏi, chính sách cử tuyển; cải thiện điều kiện dạy học; tăng cường công tác quản lý và đổi mới phương pháp giảng dạy đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn…

 

Hồng Hạnh