Hơn 17.500 thí sinh trượt tốt nghiệp THPT

(Dân trí) - Tỷ lệ tốt nghiệp của cả nước: giáo dục THPT là 99,02% (năm 2013 là 98,97%); giáo dục thường xuyên là 89,01% (năm 2013 là 78,08%). Với tỷ lệ này, cả nước có 17.586 thí sinh (bao gồm 8.043 thí sinh giáo dục THPT và 9.543 thí sinh GDTX) không đỗ tốt nghiệp.

Đây là những thống kê sơ bộ của Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng trên cơ sở báo cáo của 64 đơn vị (gồm 63 Sở GDĐT và Cục Nhà trường-Bộ Quốc phòng). Con số thí sinh trượt tốt nghiệp này có thể sẽ giảm xuống khi mà công tác phúc khảo bài thi được hoàn thành.

Bộ GD-ĐT cũng cho biết, mặc dù còn một bộ phận thí sinh chưa tiếp cận được với yêu cầu của đề thi nhưng đề thi năm nay đã đặt ra yêu cầu thay đổi cách dạy, cách học trong những năm sau; hiệu quả này cũng là tiền đề để tiếp tục đổi mới thi theo hướng tiếp cận đánh giá năng lực của học sinh những năm tới, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Đối với giáo viên, kỳ thi đã làm thay đổi nhận thức về dạy học, thi, kiểm tra đánh giá; Việc đổi mới đề thi theo định hướng đánh giá năng lực, cũng như việc chấm bài theo hướng mở đã đặt ra yêu cầu đối với mỗi giáo viên phải đổi mới phương pháp giảng dạy, phương pháp kiểm tra, đánh giá một cách thực chất hơn. Giáo viên phải tự bồi dưỡng, tham gia bồi dưỡng nâng cao dần năng lực giảng dạy, kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; khắc phục dần tình trạng dạy học đối phó, truyền thụ một chiều, học thuộc lòng máy móc, tiêu cực trong dạy thêm, học thêm;

Đối với học sinh, kết quả thi cũng tác động mạnh vào nhận thức, phát huy hứng thú học tập, hình thành, phát triển năng lực và phẩm chất của người học, giúp các em định hướng nghề nghiệp sau THPT; khắc phục tình trạng học đối phó và sử dụng “phao thi”;

Đối với ngành Giáo dục, những đổi mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 đã góp phần thiết thực thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW Hội nghị Trung ương Tám, BCH Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng “Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan”; “... Phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học”;

Về mặt xã hội thì kỳ thi đã bước đầu giảm áp lực và tốn kém cho xã hội, trở nên nhẹ nhàng, bình thường hơn, do đó đã nhận được sự đồng thuận chung của xã hội.

Cũng theo Bộ GD-ĐT, những đổi mới của kỳ thi năm nay là sự khởi đầu cho lộ trình đổi mới theo hướng sẽ có kỳ thi chung bảo đảm độ tin cậy, vừa làm căn cứ để xét công nhận tốt nghiệp, vừa cung cấp dữ liệu để các cơ sở giáo dục đại học sử dụng vào tuyển sinh phù hợp với các ngành đào tạo của các trường đại học, cao đẳng.

Để đánh giá toàn diện về kì thi Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức chấm thẩm định và xử lý các vấn đề có liên quan sau kỳ thi nhằm rút kinh nghiệm các khâu tổ chức thi nhất là coi thi, chấm thi; Tổ chức rút kinh nghiệm trong quá trình chỉ đạo thực hiện dạy học, kiểm tra đánh giá, thi và xét công nhận tốt nghiệp để phát huy các nhân tố tích cực, khắc phục những yếu kém, tiêu cực.

Bộ GD-ĐT chủ động nghiên cứu, đề xuất phương án, tham khảo ý kiến của các cơ sở giáo dục, các chuyên gia trong và ngoài ngành để có phương án thi hợp lý nhất trong những năm sau.

Theo thống kê riêng của Dân trí đối với dữ liệu của 63 Sở GD-ĐT thì Nam Định là địa phương có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT cao nhất với 99,94 hệ THPT và 99,57 hệ Giáo dục thường xuyên. Phần lớn các địa phương đều có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp hệ THPT từ 99% trở lên, khoảng cách chênh lệch tỷ lệ đỗ giữa các địa phương được rút ngắn (thấp nhất là 97%). Đối với hệ giáo dục thường xuyên thì tỷ lệ có sự tăng đột biến so với năm 2013 nhưng sự chênh lệch ở các địa phương vẫn ở mức cao. Ở hệ này vẫn còn có địa phương có tỷ lệ đỗ dưới 60%. Chúng tôi sẽ có bài thống kê, phân tích về vấn đề này một cách chi tiết để độc giả có cái nhìn toàn cảnh về kì thi tốt nghiệp THPT 2014.

Nguyễn Hùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm