(Dân trí) - Sáng nay 2/6, hơn 1 triệu thí sinh trong cả nước dự thi tốt nghiệp THPT 2010. Theo đó, thí sinh phải thi 6 môn Ngữ văn, Hóa học, Địa lý, Lịch sử, Toán, Ngoại ngữ. Trong đó, môn Ngoại ngữ và Hóa học thi theo hình thức trắc nghiệm.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong hơn 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp có 914.186 thí sinh ĐKDT chương trình THPT; số ĐKDT chương trình giáo dục thường xuyên là 137.274 thí sinh. Đặc biệt, có tới 31.545 thí sinh đăng ký thi thay thế môn ngoại ngữ.
Cả nước có tổng 2.384 Hội đồng coi thi, (giảm 15 hội đồng so với năm 2009); 1.233 cụm trường tăng hơn so với năm 2009 (số cụm thi năm 2009 là 1069 cụm) với 44.152 phòng thi. Theo đó, cả nước có 128.677 cán bộ coi thi được huy động trong kỳ thi này (tăng 6981 cán bộ coi thi so với năm 2009).
Xem lại bài trước khi vào phòng thi
Đối với kỳ thi tốt nghiệp này, Bộ GD-ĐT quyết tâm đảm bảo tổ chức kỳ thi an toàn, khách quan, công bằng và chính xác, đánh giá sát chất lượng dạy học.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Thường trực Ban chỉ đạo thi phổ thông Trung ương và Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh trực tiếp kiểm tra tất cả các khâu tổ chức thi và chỉ đạo cụ thể về việc thực hiện các yêu cầu theo Quy chế thi. Bộ đã chỉ đạo các địa phương chuẩn bị phương án dự phòng, kịp thời ứng phó với các hiện tượng bất thường do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn, cháy nổ, mất điện... hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng tới kỳ thi. Đảm bảo lưới điện tại những nơi có hội đồng thi làm việc trong thời gian diễn ra kỳ thi.
Bộ GD-ĐT đã lên kế hoạch cho các địa phương huy động các nhà trường phối hợp với các lực lượng xã hội và phụ huynh học sinh đảm bảo an toàn về đi lại, đề phòng tai nạn giao thông ở các địa bàn phức tạp như vùng lũ, vùng sông nước, đồi núi hiểm trở; đáp ứng việc ăn, nghỉ, đảm bảo an ninh, trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với thí sinh ở xa và có nhu cầu khi tham gia thi tại các Hội đồng coi thi trong mỗi cụm thi ở địa phương, tạo điều kiện tối đa cho thí sinh dự thi theo cụm, không để xảy ra tình trạng bỏ thi vì phải đi lại quá xa hoặc vì điều kiện ăn ở sinh hoạt".
Về đề thi, thứ trưởng Hiển cho biết, Bộ tiếp tục ra đề thi theo hướng “mở,” coi trọng khả năng vận dụng kiến thức, tránh yêu cầu học vẹt, nhớ nhiều kiến thức, sự kiện một cách máy móc.
Các địa phương đều đảm bảo không cúp điện trong những ngày thi
Đặc biệt, điểm mới năm nay trong thi tốt nghiệp, Bộ giảm lực lượng thanh tra uỷ quyền từ 9.000 người (năm 2009) xuống chỉ còn 600 người trong năm nay. Trao đổi với Dân trí, Phó Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT Lê Quang Hưởng cho biết: “Qua 3 năm thực hiện cuộc vận động “Hai không” (chống tiêu cực trong bệnh thi cử và bệnh thành tích) thì công tác thi cử đã dần đi vào ổn định nên lực lượng thanh tra uỷ quyền của Bộ cắm chốt tại các hội đồng coi thi là không thực sự cần thiết nữa và gây lãng phí. Do vậy, Bộ GD-ĐT quyết định, sẽ không còn lực lượng thanh tra uỷ quyền cắm chốt tại các địa phương như những năm trước. Thay vào đó, Bộ thành lập mỗi tỉnh, thành phố 2 đoàn thanh tra lưu động để kiểm tra đột xuất hội đồng coi thi”.
Hiện các địa phương đã sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp năm nay.
Ngay từ sáng sớm, PV Dân trí đã có mặt tại hội đồng thi trường THPT Nguyễn Khuyến (Q.10) TPHCM và ghi nhận: sau khi tập trung ở sân nghe phổ biến quy định, các thi sinh bắt đầu vào phòng thi từ 6h55. Gần đến giờ thi nhưng nhiều bạn vẫn tranh thủ ôn bài. Cầm trên tay quyển sách môn Văn để xem lại bài Rừng xà nu, em Trương Vĩnh Lộc, học sinh THPT Nguyễn Khuyến tỏ ra lo lắng vì đây không phải là môn sở trường: “Em hi vọng đề thi ra kiểu phân tích nhân vật”.
Thí sinh tập trung tại hội đồng thi trường THPT Phan Đăng Lưu, TPHCM từ sáng sớm. (Ảnh: H.N - L.P)
Mặc dù từ 5h30, lưu lượng xe tại các tuyến đường tại trung tâm thành phố như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Thị Minh Khai, 3 tháng 2 đã đông hơn ngày thường nhưng tình hình giao thông khá thông thoáng. Khoảng 6h15, tại ngã tư Thủ Đức xảy ra ùn ứnhưng chỉ kéo dài trong 15 phút nhờ lực lượng CSGT can thiệp kịp thời, không gây ảnh hưởng cho việc thí sinh tập trung về các cụm thi.
Tại hội đồng thi trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (Q. Tân Bình), ngoài vẻ bồn chồn, lo lắng, có những thí sinh tỏ ra rất tự tin. Trâm Anh, lớp 12A2 trường dân lập Thái Bình giải thích: “Do trường em cho thi thử nhiều lần nên tụi em cũng quen với áp lực rồi”.
Thí sinh làm thủ tục vào phòng thi. (Ảnh: H.N - L.P)
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, TPHCM có 65.678 thí sinh hệ phổ thông và bổ túc thi tốt nghiệp tại 29 cụm thi với 2.447 phòng. Sở đã huy động 8.232 cán bộ, giáo viên coi thi, gần 1.000 cán bộ chấm thi; tăng cường hơn 300 thanh tra cắm chốt tại các hội đồng thi và thanh tra lưu động cho 108 hội đồng thi. Mặc dù phía điện lực cam đoan sẽ duy trì việc cấp điện ổn định trong 3 ngày thi nhưng Sở vẫn yêu cầu các hội đồng thi bố trí máy phát điện để dự phòng.
Có mặt tại điểm thi được cho là nóng ở những năm trước như trường THPT Vân Tảo và trường THPT Phú Xuyên A - Hà Nội, ghi nhận của PV Dân trí tình tình công tác đảm bảo an toàn thi cử khá nghiêm ngặt.
Điểm thi THPT Phú Xuyên năm nay đã được kiểm soát chặt chẽ hơn ngay từ bên ngoài. (Ảnh: Nguyễn Hùng)
Ngay từ 6h sáng PV Dân trí tại Đà Nẵng đãcó mặt tại Hội đồng thi THPT Quang Trung. Theo ghi nhận của PV, hầu hết thí sinh đã vào trường thi. Trên tay vẫn cầm tập ôn bài thi, thí sinh Nguyễn Thị Xuân Duyên cho biết: “Sáng nay thi môn văn là môn học em thấp thỏm lo nhất. Chỉ sợ vào thi run quá không nhớ hết được ý của dàn bài tập làm văn và các phần kiến thức cơ bản liên quan đến tác phẩm, tác giả. Cầu trời cho trúng đề văn em thích, có cảm hứng thì bài thi tốt hơn”.
Thí sinh đến sớm xem lại bài học trước giờ vào phòng thi. (Ảnh: Khánh Hiền)
Trước đó, trao đổi với PV, TS. Huỳnh Văn Hoa, Giám đốc Sở GD- ĐT thành phố Đà Nẵng vẫn dành riêng những lưu ý đặc biệt đến các thí sinh: “Điều đầu tiên đòi hỏi mỗi một thí sinh khi bước vào phòng thi phải chuẩn bị cho mình một tâm thế thi cử thật tốt. Đối với các môn thi trắc nghiệm, ngoài kỹ năng, các thí sinh cần lưu ý đến mã số đề thi, không được không ghi hoặc ghi nhầm mã đề thi, giữ phiếu trả lời cho thật thẳng, nếu để nhàu nát máy sẽ không chấm. Một kinh nghiệm cần được nhắc nhở trong khi thi trắc nghiệm là không nên bỏ trống bất cứ câu trả lời nào. Trong trường hợp chưa chắc chắn câu trả lời đó, thí sinh nên chọn đáp án theo suy nghĩ mà mình cho là đúng nhất...”.
Theo tin từSở GD- ĐT thành phố Đà Nẵng: Một đoàn 8 cán bộ thanh tra từ ĐH Sư phạm Huế do Bộ GD- ĐT ủy quyền đã có mặt tại TP. từ chiều 31/5, thực hiện giám sát chặt chẽ công tác coi thi tại các Hội đồng thi trên toàn thành phố Đà Nẵng. Sở GD- ĐT TP cũng thành lập một đoàn thanh tra sở với 68 thành viên; trong đó có 5 thanh tra lưu động và 63 thanh tra công tác giám sát tại các Hội đồng thi.
Từ 6h30, hầu như thí sinh đã vào trường thi, khu vực trước Hội đồng thi trường Quang Trung - Đà Nẵng được lực lượng an ninh giám sát trật tự chặt chẽ. (Ảnh: Khánh Hiền)
Mọi công tác chuẩn bị, nỗ lực cho một kỳ thi an toàn, nghiêm túc đã sẵn sàng. Năm nay, tại Đà Nẵng, có gần 14 nghìn thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp ở cả hai khối THPT và bổtúc THPT. Toàn thành phố, có 6 cụm thi THPT với 25 Hội đồng thi và 2 cụm thi bổ túc THPT với 5 Hội đồng thi.
Sáng nay 2/6, cũng như cảnước, học sinh THPT Cần Thơbước vào ngày thi đầu tiên 2 môn Ngữvăn và Hóa học. Ghi nhận của PV Dân trí tại Cần Thơ cho thấy, cảnh phụ huynh chờcon trước cổng hầu như vắng bóng.
Quan sát tại một số điểm thi trong nội ô Cần Thơnhư Trường THPT Châu Văn Liêm, THCS Đoàn Thị Điểm, THPT Phan Ngọc Hiển, THCS Lương Thế Vinh, THPT Lý Tự Trọng, THPT Bùi Hữu Nghĩa… thì đa số các em thí sinh đến đúng giờ quy định.
Trong khi đó, những năm trước cảnh phụ huynh chở con đến rồi chờ ở trước cổng hay các quán cà phê bên đường như để “ủng hộ tinh thần” rất đông. Tuy nhiên sáng nay, đa số phụ huynh chở con đến điểm thi rồi ra về. Một phụ huynh ở phường An Hội cho biết: “Môn Ngữ văn thi đến khoảng 10 giờ mới xong nên thời gian cũng khá lâu, ngồi chờ cũng chẳng làm được gì. Vả lại, sáng nay thấy cháu nó cũng rất tự tin khi bước vào điểm thi” .
Một điểm thi tại quận Ninh Kiều, Cần Thơ. (Ảnh: Huỳnh Hải- Phạm Tâm- Ngô Nguyễn)
Sáng nay, tình hình giao thông ở Cần Thơ cũng khá suôn sẻ, không có cảnh tắc đường. Một CSGT chốt tại ngã tư Hùng Vương cho biết, thông thường thì cảnh kẹt xe chỉ xảy ra ở kỳ thi Đại học, Cao đẳng chứ kỳ thi tốt nghiệp THPT là rất ít.
Trao đổi nhanh với PV Dân trí tại Thanh Hóa, ông Lê Xuân Đồng, Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa cho biết, đến thời điểm này mọi công tác chuẩn bị, đón thí sinh vào phòng thi đã hoàn tất, thí sinh đã bước vào làm bài thi môn Văn.
An ninh khu vực ngoài hội đồng thi Trung tâm GDTX huyện Quảng Xương được đảm bảo. (Ảnh: Duy Tuyên)
Theo ghi nhận của PV Dân trí tại một số hội đồng thi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất và các điều kiện phục vụ thi tốt nên đến thời điểm này trong 122 hội đồng thi của Thanh Hóa đều ổn định. Tại hội đồng thi Trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề huyện Quảng Xương, hầu hết các thí sinh đến đúng giờ, hoàn tất thủ tục thi và ổn định làm bài.
Tại hôi đồng thi trường THPT Sầm Sơn, thị xã Sầm Sơn, ngay sau tiếng trống báo giờ làm bài bắt đầu không có bất kỳ thí sinh nào đến muộn. Ngoài khu vực thi, lực lượng công an phường, tổ dân phố phối hợp với lực lượng CSGT đảm bảo an ninh ngay ngoài khu vực thi.
Tại hội đồng thi trường THPT Tĩnh Gia I, địa phương đã huy động hơn 20 người bao gồm lực lượng công an thị trấn, CSGT và tổ dân phố đảm bảo tại các chốt quanh khu vực thi an toàn. Trong buổi thi đầu tiên này, tình hình thời tiết tại Tĩnh Gia rất mát mẻ, thuận lợi cho thí sinh làm bài thi.
Năm nay, Thanh Hóa có gần 56 nghìn thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Ghi nhận của PV Dân trí tại điểm thi Nam Đàn 2 (huyện Nam Đàn, Nghệ An) nơi đây từng được xem là “điểm nóng” về thi tốt nghiệp những năm trước đây. Tại thời điểm này tình hình an ninh, trật tự ở cụm thi Nam Đàn 2 được điều động lực lượng công an huyện, công an xã và dân quân để bảo vệ nghiêm ngặt cho kỳ thi.
Riêng địa bàn TP.Vinh hầu hết các cụm thi ngay từ sáng 2/6 lực lượng công an, dân quân các phường, xã đã làm rất tốt công tác bảo vệ trước và xung quanh khu vực thi. Đồng thời, quyết không để xảy ra tình trạng leo tường, ném bài thi (chủ yếu các môn tự nhiên) như những năm trước đây.
Cùng với hơn 1 triệu thí sinh trên cả nước, sáng nay 2/6 Nghệ An có hơn 44.000 thí sinh bước vào môn thi đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp 2010.
Phụ huynh có mặt ngoài phòng thi chờ con. (Ảnh: Nguyễn Duy - Quang Anh)
Tại các điểm thi ở miền núi cao Nghệ An như Quế Phong, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông ngay từ những ngày cuối tháng 5 công việc bố trí chỗ ăn, nghỉ cho cán bộ coi thi và thí sinh hoàn thành.
Nghệ An có 44.602 em dự thi (trong đó THPT: 40.703 em, BT THPT: 3.899 em); Số thí sinh thi lần đầu: 42.947 em; Số thí sinh tự do: 1.655 em; Thí sinh là người dân tộc: 3.074 em; Diện xét tốt nghiệp: D1: 35.759 em, D2: 6.021 em, D3: 2.812 em, D4: 10 em. Công an bảo vệ đề thi: 87 người; công an bảo vệ khu vực thi là 858 người. Bên cạnh đó Nghệ An cũng huy động gần 100 cán bộ Y tế phục vụ cho kỳ thi...
Năm nay toàn tỉnh Quảng Ngãi có 20.455 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có 2.173 thí sinh đăng ký dự thi theo chương trình Giáo dục thường xuyên. Có 1.001 thí sinh đăng ký thi môn Vật Lý thay thế cho môn Ngoại ngữ, toàn tỉnh có 40 hội đồng thi, có 27 cụm thi trong đó có 6 cụm thi có từ 3 đơn vị trở lên, 11 cụm thi có 2 đơn vị trở lên, 10 cụm thi có 1 đơn vị. Có 8664 phòng thi và 3.094 cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ coi thi, chấm thi.
Thí sinh vào phòng thi, chuẩn bị nhận đề thi. (Ảnh: Trọng Huy)
Tại điểm thi trường Trần Quốc Tuấn, thành phố Quảng Ngãi trong sáng nay từ lúc 6 giờ sáng đã tập trung đông đủ các thí sinh dự thi. Em Cao Thị Thu Phượng, học sinh lớp 12A8 trường Trần Quốc Tuấn cho biết cảm giác trong buổi thi đầu: “Về cơ bản em đã chuẩn bị chu đáo kiến thức để bước vào kỳ thi. Tuy nhiên vẫn rất hồi hộp, lo lắng dù đã được nhà trường tổ chức thi thử. Về khả năng đậu của em chắc đạt từ 70% trở lên, tuy vậy phải đợi đến lúc báo điểm thì em mới chính xác được”.
Tại Lai Châu: Thời tiết khá mát, tạo điều kiện tốt cho thí sinh tham dự kỳ thi. Theo thông tin của CTV từ Lai Châu thì cho đến giờ, khi kết thúc môn thi đầu tiên mọi việc đều diễn ra an toàn, nghiêm túc, chưa có sai phạm nào trong kỳ thi.
Tại TP Huế sáng nay, thời tiết mát mẻ đã tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh. Nhiệt độ trung bình khoảng 31 độ và có gió nhẹ. Trên các đường, từ sớm phụ huynh đã đưa con đi thi nên đã tránh được tình trạng kẹt xe. Đến 6h30, tất cả thí sinh đã làm lễ chào cờ trong sân trường. Sau đó thí sinh đứng đợi khoảng 20 phút trước mỗi phòng thi.
Tại điểm thi Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, có khá nhiều thí sinh đến trễ so với giờ quy định làm lễ, lý do chủ yếu là bận ở nhà ôn bài thêm. Đến giờ thi toàn bộ thí sinh có mặt đầy đủ, theo đúng số báo danh đã vào chỗ nghiêm túc.
Thí sinh xem lại bài trước khi vào thi. (Ảnh: Đại Dương - Thành Chung)
Tại hội đồng thi Trường THPT Hai Bà Trưng, rất đông phụ huynh đưa con em đi thi đã nán lại chật kín cổng trường, tuy nhiên do có sự can thiệp của lực lượng an ninh nên không xảy ra tình trạng tắc đường.
Các thí sinh đều đến đúng giờ để tham dự lễ khai mạc kì thi tốt nghiệp THPT. Bên ngoài phòng thi, sự lo lắng hiện rõ trên nét mặt của các bậc cha mẹ. Họ ngồi ngay trước cổng trường, dõi theo bước chân con.
Phụ huynh thấp thỏm đứng sát hàng rào nhìn vào thầm động viên con. (Ảnh: Đại Dương - Thành Chung)
Chị Phan Thị Thanh, có con dự thi tại hội đồng thi Hai Bà Trưng nói: “Mấy ngày ni tui lo lắng quá. Tối ngủ mà tui vẫn lo. Sáng ni, hai mẹ con dậy sớm, mới 5 giờ 30 là tui đưa cháu đến trường rồi. Thời gian ôn thi, nhìn thằng bé mà thương. Bậc cha mẹ ai cũng mong muốn con mình thi cử đỗ đạt…”.
Tại Hòa Bình, trong ngày đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT, mặc dù thời tiết không mấy thuận lợi do mưa kéo dài suốt buổi sáng nhưng ngay từ buổi sớm, các bậc phụ huynh đã đưa con em đến trường, đặc biệt là những em học sinh ở xa trường.
Đợi con tại cổng trường, anh Bùi Văn Mĩ - phụ huynh em Bùi Hoa Thị, lớp 12A3 Trường THPT Bắc Sơn tại điểm thi Trường THPT 19-5 chia sẻ: “Đây là một kì thi đặc biệt với con gái tôi. Vì thế, thấy thời tiết xấu, nhà lại xa, tôi đưa con đến trường khi hãy còn rất sớm. Tôi chỉ hy vọng là con gái mình vượt qua kì thi một cách thuận lợi”.
Phụ huynh tại Hòa Bình thấp thỏm chờ con em thi. (Ảnh: Quốc Cường)
Tại tỉnh Quảng Ninh có 16.413 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT. Trong đó, có khoảng trên 800 thí sinh tự do; 1.725 thí sinh hệ bổ túc THPT và 13.858 thí sinh hệ THPT.
TP Hạ Long là nơi có số thí sinh dự thi đông nhất tỉnh với trên 3.000 em của 11 đơn vị trường học và cơ sở giáo dục.
Ngoài việc đảm bảo đủ số giám thị theo quy định tại các phòng thi, năm nay Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh đã tăng cường thêm giám thị tại các HĐT trọng yếu và điều động 90 thanh tra bố trí theo tỷ lệ 10 phòng thi/1 thanh tra. Ngoài số thanh tra cắm chốt, địa phương đã thành lập 3 đoàn thanh tra lưu động cùng với thanh tra của Bộ GD-ĐT để tiến hành thanh tra đột xuất tại các hội đồng thi ở 3 khu vực của tỉnh là miền Đông, miền Tây và khu trung tâm.