Hội nhập và chuyện tổ chức, quản lý trường đại học

Trong những năm qua, khả năng tổ chức và quản lý vẫn là một điểm yếu lớn của khá nhiều trường đại học, phổ biến trong khối đại học dân lập, liên quan đến việc thiết kế bộ máy và hệ thống văn bản pháp chế sao cho khoa học, đồng bộ và có hiệu quả....

Từ nhiều năm nay, các trường đại học Việt Nam đã có mối quan hệ hợp tác về đào tạo với một số quốc gia trên thế giới, gặt hái được một số thành quả. Trong giai đoạn 1993-2003, giá trị tài trợ thông qua hợp tác quốc tế của ngành giáo dục đào tạo đạt khoảng 983 triệu đô la Mỹ.

 

Tuy nhiên, nếu xét về thực chất thì chúng ta mới chỉ dừng lại ở giai đoạn tiếp nhận và sử dụng các nguồn tài trợ (nguồn vay và viện trợ không hoàn lại) hơn là xây dựng được những trao đổi ngang bằng về lợi ích kinh tế và các giá trị tinh thần liên quan với các quốc gia khác.

 

Trong khi đó, với điều kiện hội nhập và cạnh tranh quốc tế hiện nay, Việt Nam đã bước sang giai đoạn phải nhanh chóng nâng cao năng lực nội sinh nếu không muốn ngày càng bị tụt hậu.

 

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phát triển khả năng tổ chức và quản lý của từng trường đại học là một yêu cầu bức thiết. Khía cạnh đầu tiên của yêu cầu này là cần phát triển khả năng tổ chức và quản lý trường đại học trong trường hợp trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo  (GDĐT) giao quyền tự chủ hoặc phân cấp về các quyền tự chủ.

 

Trong những năm qua, khả năng tổ chức và quản lý vẫn là một điểm yếu lớn của khá nhiều trường đại học, phổ biến trong khối đại học dân lập, liên quan đến việc thiết kế bộ máy và hệ thống văn bản pháp chế sao cho khoa học, đồng bộ và có hiệu quả.

 

Đối với những trường đại học đa ngành và đa lĩnh vực, vấn đề tổ chức quản lý nhà trường càng trở nên bức thiết. Trong khi đó, với những trường có nhiều dự án hợp tác quốc tế, khả năng bố trí cán bộ quản lý dự án thường bị hụt hẫng lớn.

 

Trong trường hợp được Bộ GDĐT phân quyền tự chủ (về các mặt nhân sự, tài chính, chương trình đào tạo, hợp tác quốc tế), đây sẽ là một thách thức lớn đối với khả năng tự sắp xếp của các trường đại học. Trong những điều kiện cạnh tranh gay gắt, yếu tố tổ chức quản lý được xem như một trong những điều kiện sống còn đối với sự tồn tại và phát triển của từng trường đại học.

 

Tiếp đến, cần thúc đẩy khả năng tổ chức và quản lý các chương trình, dự án hợp tác quốc tế theo yêu cầu của những phương pháp quản lý mới như lượng giá dự án (chẳng hạn có thể tham khảo quy trình lượng giá bảy bước của nước ngoài). Đồng thời, không thể xao lãng mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý để dần thay thế cán bộ quản lý nước ngoài trong các dự án hợp tác quốc tế.

 

Khía cạnh thứ ba là phát triển khả năng tổ chức và quản lý hoạt động đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực. Đa ngành là một hướng đào tạo liên hoàn, phối kết giữa các nhu cầu về chuyên ngành đào tạo của nhà trường.

 

Đối với khối trường đại học kỹ thuật, vấn đề này mang tính logic tự nhiên hơn khi các bộ môn khoa học và công nghệ có thể phối hợp với nhau tương đối phù hợp (như phòng thí nghiệm công nghệ mới Nano của Đại học Quốc gia có thể dùng chung cho nhiều bộ môn đại cương và chuyên ngành).

 

Nhưng đối với các trường đào tạo về khoa học xã hội, tính liên hoàn giữa các chuyên ngành đào tạo thường thể hiện không rõ nét. Trong khi đó, đa lĩnh vực là một tiêu chí lớn của mô hình tập đoàn trường đại học, phối kết giữa các trường đại học với nhau (chẳng hạn như mô hình Đại học Quốc gia - như một đại học mẹ - với các trường đại học thành viên), cũng như cơ chế tổng công ty hoặc tập đoàn kinh tế, mô hình tập hợp các đại học theo hướng đa lĩnh vực sẽ tập trung sức mạnh về tài chính, nhân lực và công nghệ.

 

Tuy nhiên, thực tế giữa các trường đại học thành viên với nhau và với trường đại học mẹ chưa có sự liên hoàn nhịp nhàng và hữu cơ, thiếu tính gắn bó và chia sẻ về lợi ích. Do vậy, cũng giống như nhược điểm lớn của loại hình tổng công ty 90, hiệu quả phối hợp và tác động tương hỗ trong khối trường đại học là không cao.

 

Trong thời gian tới, mô hình này sẽ phải đối mặt với yêu cầu không chỉ là một phép cộng giữa các trường mà còn phải là một sự hòa hợp trên cơ sở điều phối chung. Đối với những trường là trường chính với một số trường thành viên (như Đại học Quốc gia), cần phát triển khả năng quản lý một cách khoa học để bảo đảm mối quan hệ hữu cơ và gắn bó quyền lợi giữa trường chính và các trường thành viên.

 

Khía cạnh thứ tư là phát triển khả năng tổ chức và quản lý hoạt động đào tạo kết hợp với nghiên cứu và ứng dụng. Hiện nay, chỉ có khoảng 10-15% số dự án nghiên cứu về khoa học kỹ thuật có được “đầu ra”, còn doanh thu về nghiên cứu triển khai chỉ chiếm vài phần trăm trong tổng doanh thu của nhà trường (Đại học Bách khoa TPHCM là trường có có tỷ lệ nghiên cứu triển khai thuộc loại cao nhất, nhưng cũng không vượt quá 10%).

 

Đối với ngành khoa học xã hội con số này còn thấp hơn. Do đó, nếu muốn hướng đến mô hình tổ chức quản lý tiên tiến như nước ngoài, bao gồm cả thành lập và triển khai mô hình trung tâm nghiên cứu ứng dụng và loại hình doanh nghiệp khoa học công nghệ (spin-offs) trong trường, các trường đại học phải thúc đẩy khả năng tự nghiên cứu của mỗi cán bộ và giảng viên, tổ chức nghiên cứu theo nhóm để tập trung trí tuệ và độ chính xác cao, hướng sản phẩm nghiên cứu của nhà trường đến cộng đồng xã hội và thị trường, tăng cường mối quan hệ giữa lý thuyết và thực tế, qua đó cũng giúp giải quyết một phần nhu cầu tìm việc của sinh viên tốt nghiệp.

 

Bối cảnh hội nhập quốc tế cũng đòi hỏi công tác quản lý nhà nước phải tự điều chỉnh về vai trò và nội dung quản lý. Sự điều chỉnh đó thể hiện qua hoạt động quản lý bằng các chính sách vĩ mô, trong đó cần xây dựng được chính sách công rõ ràng, bảo đảm ba yếu tố chất lượng, hiệu quả, công bằng.

 

Đối với các trường đại học, muốn thoát khỏi trạng thái trì trệ kéo dài, phải tạo ra được một tư thế và một hình ảnh mới về mình, thông qua việc gấp rút đổi mới chương trình đào tạo, con người đào tạo, hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho đào tạo, phát triển kinh nghiệm về hợp tác quốc tế..., để đạt đến mục tiêu tiên tiến là đào tạo lấy người học làm trọng tâm.

 

Theo Phạm Chí Dũng
Thời báo Kinh tế Sài Gòn