Hội lành nghề Pháp chế doanh nghiệp - Không ngừng học hỏi, không ngừng sẻ chia

Hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghề nhưng anh Ngô Đình Tri Thức vẫn đau đáu một suy nghĩ làm thế nào để kiểm soát được rủi ro doanh nghiệp. Mong muốn được học hỏi, trau dồi hiểu biết và kĩ năng thôi thúc anh tham gia Hội lành nghề pháp chế doanh nghiệp.

Là Trợ lý tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thường Tín, với sự dạn dày trong công việc, anh Thức được tín nhiệm không chỉ trực tiếp giúp việc cho Giám đốc, xem xét, đánh giá tình hình mà còn đóng góp ý kiến để Giám đốc tham khảo trước khi quyết định. Do vậy, anh tự thấy mình càng cần phải rèn luyện hơn nữa, nỗ lực bổ sung những kiến thức còn thiếu. Đây chính là động lực để anh trở thành sinh viên chương trình đào tạo cử nhân trực tuyến Neu-Edutop và xa hơn là thành viên của Hội lành nghề Pháp chế doanh nghiệp.


Anh Thức (bên phải) trong Hội nghị Sơ kết Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn.

Anh Thức (bên phải) trong Hội nghị Sơ kết Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn.

 

“Tôi quyết định tham gia Hội lành nghề Pháp chế doanh nghiệp là do nhu cầu cá nhân muốn tìm hiểu, nghiên cứu hơn về Pháp chế để phần nào áp dụng vào công việc của mình hiện nay.” - anh Thức cho biết.

Đúng như kì vọng của bản thân, tuy mới tham gia Hội lành nghề chưa lâu nhưng anh đã học hỏi được nhiều điều hỗ trợ cho công việc hiện nay của mình. Anh chia sẻ: “Sau khi tham gia Hội, tôi nhận ra nhiều điều. Nhất là khi đọc một bản hợp đồng tín dụng, xem xét các thông tin của khách hàng, công ty, trong đó có phần điều lệ doanh nghiệp, từ đó hiểu hơn về cấu trúc của công ty, thẩm quyền của Ban Tổng Giám Đốc, sẽ thấy được một phần cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp, cũng như cách kinh doanh của doanh nghiệp đó. Từ đó sẽ đánh giá, nhìn nhận một cách tốt hơn. Điều này rất bổ ích nếu không tham gia Hội, tôi sẽ không biết được điều đó”.


Anh Thức (đứng thứ 2 từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm cùng nhóm.

Anh Thức (đứng thứ 2 từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm cùng nhóm.

Vừa qua, nhóm của anh Thức đã xuất sắc “về đích” với vị trí đầu tiên trong cuộc thi do Hội lành nghề tổ chức sau 5 tuần nỗ lực không ngừng nghỉ. Trong niềm vui thành công ấy, anh Thức không quên người thầy tâm huyết - Trương Thanh Đức - đã chỉ bảo rất tận tình và chi tiết từng môn học, bám sát thực tế để sinh viên dễ hiểu, áp dụng tốt, nhờ thế mà tiếp thu nhanh và đạt được kết quả cao.

Đã có những lúc công việc bận rộn, dồn dập với khối lượng khổng lồ khiến anh Thức tưởng như không thể sắp xếp được thời gian để tham gia nữa. Chính những khi đó, các thành viên trong nhóm lại động viên khích lệ anh. Bằng cả tấm lòng, anh tâm sự về điều bản thân thấy ấn tượng nhất trong Hội lành nghề Pháp chế doanh nghiệp chính là sự chia sẻ, nhiệt tình giúp đỡ giữa các thành viên trong nhóm. Đặc biệt, anh luôn thầm cảm ơn hai bạn Khánh Ly và Lan Chi đã cổ vũ, hỗ trợ rất nhiều để anh có thể theo kịp tiến độ học tập tại Hội. Cũng vì thế, anh thể hiện rõ quyết tâm sẽ “sắp xếp thời gian để có thể tiếp tục theo học”.

Với niềm đam mê học hỏi và ý chí vượt khó vượt khổ, chắc chắn anh Thức sẽ ngày càng tiến xa hơn nữa, đạt được nhiều thành công trong công việc cũng như trong cuộc sống từ nền tảng là Hội lành nghề Pháp chế doanh nghiệp!

Tìm hiểu thêm về chương trình đào tạo cử nhân trực tuyến tại đây.

Tổ hợp Công nghệ Giáo dục Topica là đơn vị đào tạo trực tuyến hàng đầu Đông Nam Á với 4 sản phẩm gồm: Topica Uni cung cấp hạ tầng và dịch vụ cho 11 trường Đại học, trong đó có các trường tốp đầu, ở Philippines và Việt Nam, để triển khai các chương trình Cử nhân trực tuyến chất lượng cao. Topica Native cung cấp các khoá luyện nói tiếng Anh trực tuyến với giáo viên bản ngữ ở Thái Lan, Indonesia và Việt Nam, và là nơi đầu tiên trên thế giới triển khai ứng dụng luyện nói qua Google Glass. Topica Founder Institute là chương trình huấn luyện khởi nghiệp duy nhất ở Việt Nam có các học viên tốt nghiệp đã nhận được tổng vốn đầu tư gần 10 triệu USD sau 3 năm.

Dự án tiền thân của Topica là Topic64 do Chủ tịch Microsoft Bill Gates khởi động tháng 4/2006. Đội ngũ Topica hiện nay có gần 1000 nhân viên, 1.400 giảng viên tại các văn phòng Manila, Singapore, Bangkok, Hà Nội, TP. HCM và Đà Nẵng.