"Học xong thế nào bố chẳng xin việc cho"
Cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp nếu muốn đi làm công nhân cũng chưa chắc đã "đắt", bởi nhà tuyển dụng sẽ nghi ngại nhiều thứ.
"Cất bằng đại học làm công nhân cũng là việc làm" - nhận định này của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội ngày 19/11 nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Nhất là khi lượng người có bằng cử nhân trở lên vừa ra trường mà thất nghiệp ở VN, theo con số gần đây, đã lên tới 162.000.
Đúng như Bộ trưởng nói: "Đã đi làm, bất cứ việc gì cũng là vinh quang". Song một vấn đề đặt ra là bản thân mỗi sinh viên, cùng gia đình, xã hội tốn không ít thời gian, công sức, tiền bạc để đào tạo ra một cử nhân. Vậy khi ra trường, nếu tấm bằng đó "bỏ xó", không có tác dụng cho công việc của họ thì đó có phải một lãng phí quá lớn, và làm thế nào để giảm bớt tình trạng này?
Chọn nghề: Cuộc chơi hay cuộc cạnh tranh
Cháu gái tôi ở quê chuẩn bị thi đại học. Cháu chọn khối D nên gia đình đầu tư mấy năm học trong học ngoài vừa tốn kém vừa vất vả. Tuy nhiên, đến khi quyết định chọn ngành nào, trường nào thì cháu làm cả nhà bổ chửng. Cháu chọn ngay trường Luật TPHCM, đơn giản là vì... có bạn trai đang học ở đó. Cháu muốn vào học để gần người yêu. Hơn nữa, cháu có nghe sơ một buổi giới thiệu chung về trường cũng cảm thấy hay hay.
Hỏi về nghề nghiệp tương lai, cháu trả lời hồn nhiên rằng con cứ thi đậu đã, học xong ra trường thế nào bố con chẳng xin việc cho. Mà đã xin việc thì bao giờ bố con cũng chọn cho vào trong ngân hàng hay công ty tài chính, hay là sân bay... Anh con cũng vậy, nếu không có bố thì cũng có việc làm đâu, nên học trường nào chẳng thế, miễn cứ đại học là ổn.
Nghe xong tôi cảm thấy cô cháu tôi chọn nghề như chọn đi chơi ở đâu vào cuối tuần, nhẹ như không.
Trong khi đó, một cháu gái khác của tôi đang học trung học tại Mỹ. Mặc dù không phải thi mà chỉ nộp đơn xét vào đại học, nhưng cháu nói với gia đình là đang phải căng óc để có sự lựa chọn phù hợp nhất. Bởi vào đại học ở Mỹ là một sự cạnh tranh liên quan đến mọi vấn đề, từ học phí đến việc làm sau khi ra trường. Chính vì vậy, nhờ sự tư vấn của nhà tư vấn chuyên trách vốn có mặt trong mọi trường trung học tại Mỹ, cháu đã liệt kê ra 10 đại học khác nhau.
Từ 10 trường này, cháu có thể tra cứu rất nhiều thông tin sẵn có trên mạng. Thứ nhất, là xếp loại của ngành mà cháu chọn có trong Top 10 các trường có ngành này tốt nhất nước Mỹ không. Thứ hai, là khả năng tìm việc làm của cử nhân hay thạc sĩ tốt nghiệp ngành đó. Thứ ba, là mức lương của người mới ra trường và sau khi đi làm 10 năm, có so sánh trong 10 trường tốt nhất.
Thứ tư, là bảng Top 10 so sánh giữa ngân khoản học phí cần bỏ ra cho một trường đại học so với mức lương thu được sau này. Thứ 5, là bảng chi tiết cho thấy những tiêu chuẩn về điểm số, về học lực, về thành tích và hoạt động xã hội mà một sinh viên muốn nhập học các trường này cần có và học bổng mà nếu nỗ lực thì cháu có thể đạt được khi vào trường. Thứ 6, chính là bảng thông tin cho thấy lượng học sinh nộp đơn vào từng trường hàng năm và lượng học sinh thực sự được nhận có mức chênh lệch như thế nào.
Tuy nhiên, cháu gái tôi không dừng ở việc xem các bảng đánh giá này, mà sẽ đến từng trường, thăm thú, hỏi han, xem xét các môn học và về mới quyết định gửi hồ sơ vào đâu. Cháu sẽ mất cả năm ròng cho công tác chuẩn bị này. Vì vào được ngành tốt, trường tốt ở Mỹ đồng nghĩa là khi ra trường có nhiều cơ hội kiếm tiền và làm giàu hơn hẳn những người khác.
Đầu vào loạng quạng, thì đầu ra sẽ ế ẩm
Câu chuyện xảy ra trong gia đình tôi cũng khá phổ biến ở nhiều gia đình khác. Và đầu vào nếu chỉ là sự chọn lựa loạng quạng thì đầu ra ế ẩm. Nhất là trong cảnh các đại học mở ra ào ào, thậm chí có nơi chỉ có tên trường và vài giảng viên cũng được coi là... đại học, thì việc cạnh tranh bằng cách giảm chất lượng tuyển sinh đầu vào là một thực tế dễ hiểu.
Sự gia tăng chóng mặt của các đại học này cũng đi liền với chất lượng đào tạo suy giảm, giảng viên thiếu và yếu, bị co đi kéo lại giữa các trường. Điểm của sinh viên có thể vẫn cao vì dễ dãi, nhưng khoảng cách từ học đến việc làm thì quá xa vời và lạc hậu.
Trong khi đó, ở VN cho đến nay vẫn chưa hình thành hệ thống bảng phân loại đại học và xếp loại ngành đào tạo nào, cũng không có các thông số chi tiết về mức lương sau khi tốt nghiệp, dự báo khả năng thu hút việc làm của các ngành... để làm tiêu chí tham khảo giúp học sinh chọn ngành, chọn trường và các nhà tuyển dụng chọn nhân sự, để các đại học cạnh tranh nâng chất lượng.
Thế nên việc chọn nghề học, trường học với đa phần học sinh vẫn mang tính chất may rủi, do quan hệ, do tình cờ, do cảm tính, tất nhiên có cả do ưa thích nhưng không rõ ra trường sẽ thế nào...
Làm sao biến "chợ quê" thành thị trường?
Thay vì hình thành một thị trường cung ứng nhân lực và việc làm xuyên suốt, thống nhất cho toàn xã hội tập trung phát triển kinh tế, vốn đang rất cần nhân sự giỏi, thì tình cảnh của ta hiện thời thực vẫn chẳng khác gì cái "chợ quê". Nghĩa là có gì bán nấy, tự cung tự cấp, ai dùng được thì dùng, chẳng dùng được thì đành chịu vậy. Nhà tuyển dụng gặp may thì "vồ" được người tốt. Còn nếu không may thì ôm cả về để đào tạo lại. Một số đông khác thì có việc làm nhờ vào quan hệ của gia đình, người thân...
Những cử nhân, thạc sĩ nào không may rơi vào nhóm thiếu năng động để chứng minh tài năng của mình với các DN tuyển dụng công bằng, hoặc chẳng có quan hệ nào để xin xỏ thì đành thất nghiệp. Mà khi đã thất nghiệp thì rõ ràng là đi làm công nhân cũng chưa chắc "đắt". Bởi ai chẳng biết đã thuê công nhân thì phải tìm người khỏe mạnh, học cấp 2 hay cấp 3, chịu khó làm việc nặng và tuân thủ ý kiến cấp trên. Còn nếu thuê một thạc sỹ, cử nhân làm công nhân, nguy cơ "mang vạ" không hề nhỏ vì sức khỏe kém hơn lại hay tranh luận, v.v...
Bởi vậy, câu nói của bà Bộ trưởng không khỏi khiến cử tri tâm tư. Đằng sau thân phận của 162.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp là sự lãng phí tiền của hàng trăm ngàn gia đình, của toàn xã hội. Và tình trạng đó thực sự chỉ có thể thay đổi nếu như các nhà quản lý có khả năng biến cái "chợ quê" này thành một thị trường thông suốt và minh bạch mà thôi.
Theo Nguyễn Anh Thi
Báo Vietnamnet