Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị "Chăn nuôi tuần hoàn trong kỷ nguyên số"
(Dân trí) - Từ ngày 5/10 đến ngày 7/10, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị khoa học chăn nuôi - thú y toàn quốc lần thứ V(AVS 2023) với chủ đề "Chăn nuôi tuần hoàn trong kỷ nguyên số".
Đây là hoạt động trọng điểm được tổ chức 2 năm một lần bởi Hội Chăn nuôi, Hội Thú y Việt Nam và các trường, viện có đào tạo về chăn nuôi, thú y trên toàn quốc.
Hội nghị có sự tham dự của ông Nguyễn Xuân Cường, nguyên Ủy viên Ban chấp hàng Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, TS. Đậu Ngọc Hào, Chủ tịch Hội Thú y Việt Nam, TS. Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, đại diện lãnh đạo các sứ quán, lãnh đạo các Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giáo dục và Đào tạo.
Ngoài ra, hội nghị còn có sự góp mặt của 1.000 đại biểu, nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nhân, báo chí.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, GS.TS.Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nhấn mạnh phát triển chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn là việc triển khai các loại hình, phương thức, công nghệ chăn nuôi gắn với giảm tiêu hao nguyên liệu đầu vào, hạn chế phát thải đầu ra, xử lý tối ưu chất thải chăn nuôi làm đầu vào cho trồng trọt, thủy sản và lâm nghiệp.
Theo bà Lan, đây là hướng đi chủ đạo để ngành chăn nuôi nước nhà phát triển bền vững thời gian tới, nhất là trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, nguồn tài nguyên dần hạn hẹp và nguy cơ ô nhiễm môi trường chăn nuôi vẫn hiện hữu.
Dẫn chứng thực tế, bà Lan cho biết nhiều địa phương đã thành công trong việc áp dụng mô hình chăn nuôi tuần hoàn 4F (Feed, Farm, Food, Fertilizer).
"Với tinh thần đó, Hội nghị chăn nuôi - thú y toàn quốc lần thứ 5 được tổ chức với chủ đề 'Chăn nuôi tuần hoàn trong kỷ nguyên số' không chỉ nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất mà còn tập trung vào mục tiêu phát triển bền vững, hội nhập quốc tế", bà Lan phát biểu.
Nội dung hội nghị lần này nhằm giới thiệu các công trình nghiên cứu mới, có triển vọng tạo sự chuyển biến về năng suất, chất lượng, hiệu quả, có tính khả thi trong ứng dụng vào sản xuất để tiếp tục phát triển sản phẩm phục vụ đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Đồng thời, hội nghị cũng là diễn đàn khoa học công nghệ để các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, hiệp hội liên quan trao đổi, chia sẻ các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến và kết quả nghiên cứu, thảo luận định hướng cho sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi, thú y tại Việt Nam.
Hội nghị có tổng số 179 công trình khoa học, trong đó có 124 công trình khoa học được đăng tải trên Kỷ yếu toàn văn và 55 bài báo đăng trên các Tạp chí KHKT chăn nuôi (25 bài), Tạp chí KHKT Thú y (15 bài), Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (15 bài).
Học viện Nông nghiệp Việt Nam hiện là cơ sở đào tạo ngành chăn nuôi thú y lớn trên cả nước. Học viện cũng đã tổ chức thành công nhiều hội nghị trong nước và quốc tế.
AVS 2023 là điểm đến của hàng nghìn khách mời đại biểu trong và ngoài nước, là cơ hội cho các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp trao đổi với nhau những vấn đề liên quan đến đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực chăn nuôi thú y.
Thông qua sự kiện này, sự hợp tác giữa học viện với doanh nghiệp được đẩy mạnh hơn, giúp sự nghiệp đào tạo của học viện được nâng lên tầm cao mới. Theo lãnh đạo học viện, đây cũng là cơ hội tốt để quảng bá học viện, ngành học chăn nuôi, thú y được biết đến nhiều hơn, giúp học viện có trách nhiệm trong sự phát triển chung của ngành chăn nuôi thú y và ngành nông nghiệp Việt Nam.