Học văn hóa ứng xử từ... quán cà phê
(Dân trí) - Theo GS.TS. Trần Văn Khê, giới trẻ, trong đó có các em học sinh cần phải biết rằng, học văn hóa không chỉ trong nhà trường mà còn phải học ở ngoài đường, ở các tiệm ăn, quán cà phê, các cuộc hội họp...
“Là học sinh thì cần phải học, luyện tập trong nhà trường cho rành văn hóa thì khi ra ngoài đường phố mới ứng xử tốt được” - GS. Trần Văn Khê nhấn mạnh trong buổi giao lưu ngày 25/5 về ứng xử văn hóa học đường tại Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ).
Buổi giao lưu được Trung ương Đoàn TNCS HCM phối hợp với Công ty Cổ phần Thái Tuấn tổ chức, thu hút sự tham dự của gần 2.000 học sinh từ 5 trường THPT trên địa bàn TP Cần Thơ. Tại đây, các em học sinh được nghe 3 diễn giả chính là GS.TS Trần Văn Khê; Nhà tâm lý xã hội Nguyễn Thúy Ái (Hội Nhà văn TPHCM) và chuyên viên tâm lý Phạm Thị Thúy (Thạc sĩ Xã hội học- Giảng viên Học viện Hành chính quốc gia) chia sẻ những kinh nghiệm về văn hóa ứng xử của giới trẻ hiện nay.
Mở đầu buổi giao lưu, GS.TS Trần Văn Khê cho rằng, “văn hóa ứng xử” hiện nay vô cùng quan trọng trong thời kỳ đất nước ta hội nhập với quốc tế. Người dân thế giới đến Việt Nam để xem chúng ta ăn uống thế nào, vui chơi giải trí thế nào. “Văn hóa ứng xử quan trọng không thua gì văn hóa nghệ thuật, văn hóa ẩm thực, thời trang, giải trí…” - GS. Trần Văn Khê nhận định.
Nói đến nữ tính hay nam tính trong giới trẻ hiện nay, nhà tâm lý xã hội Thúy Ái cho rằng đã xuất hiện một bộ phận giới trẻ “cầm nhầm giới tính”. Bà Ái ví von: “Một số người quen bảo tôi là khi đi ra đường hiện nay nhiều lúc không nhận ra đâu là con trai, đâu là con gái. Trong đó, cách ăn mặc “khác thường” của các bạn trẻ đã làm cho nhiều người lầm tưởng như thế”.
Theo nhà tâm lý Thúy Ái, xu hướng giới trẻ đang bị ảnh hưởng nhiều bởi phim ảnh như con trai thích mặc đồ con gái, thích đeo bông tai, tóc nhuộm xanh đỏ hết sức kỳ dị và ngược lại con gái cũng vậy. “Chỉ từ cách ăn mặc này thì văn hóa ứng xử của các bạn trẻ cũng bị lệch đi phần nào đó, nếu không nói là tai hại cho bản thân”. Chính vì thế, nhà trường là nơi giữ vai trò quan trọng để giáo dục các em cần nhận biết đâu là “chính bản thân” để có cách ứng xử đúng.
Tại buổi giao lưu, một hiện tượng học đường nữa được các chuyên gia bàn luận là việc học sinh thích... đánh nhau. Theo bà Ái, vấn đề này còn nghiêm trọng hơn khi số nữ sinh thích đánh nhau lại nhiều hơn nam sinh. Không chỉ thế, các em đánh nhau rồi tung lên mạng để cho bàn dân thiên hạ xem và xem đó là “chiến lợi phẩm” như báo chí đã nêu nhiều trường hợp trong thời gian qua, đó một suy nghĩ hết sức sai lầm.
“Nữ sinh đánh nhau thì đã mất hết vẻ nữ tính của mình, cứ như thế các em quen dần rồi sau này khi đi xin việc làm thì có ai lại nhận một nữ nhân viên mà suốt ngày chỉ biết xắn tay áo để “xử” đồng nghiệp hay ai đó cho ra trò. Không chỉ việc này mà ngay cả thiên chức làm vợ, làm mẹ của các em cũng sẽ bị ảnh hưởng” - bà Ái nhấn mạnh.
Trong cuộc sống, những mâu thuẫn luôn thường trực nếu không vừa lòng ai, đặc biệt là trong giới học đường bởi các em học sinh luôn không chịu thua bạn bè. Có những trường hợp mâu thuẫn chỉ vì lý do hết sức trời ơi như là “nhìn thấy ghét” hoặc “con nhỏ đó đẹp hơn”… Từ những lý do này, các bạn học sinh ganh ghét nhau và dẫn đến “ẩu đả” là chuyện có thể xảy ra.
Sau khi nghe một số chia sẻ của các diễn giả, nhiều em học sinh ở Cần Thơ cho biết đã nhận được những ý kiến tích cực và bổ ích trong cách ứng xử với nhau. Bạn Hồng Thanh (THPT Trần Đại Nghĩa) cho biết rất đồng tình với việc luyện ứng xử văn hóa từ trong nhà trường: “Học đường là nơi không chỉ dạy chữ mà còn là nơi để dạy văn hóa cho học sinh ra đường biết giao tiếp, ứng xử sao cho có lễ độ. Ứng xử đẹp thì có lợi cho mình và cho cả người khác”.
Bài và ảnh: Huỳnh Hải