Học trò phố núi sáng chế máy phát điện

Sau khi chiếc máy phát điện tí hon và hệ thống chuông báo giờ học tự động vận hành suôn sẻ, các tác giả là 3 cậu học trò lớp 12 trường THPT chuyên Nguyễn Du (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) càng hào hứng lao vào các sáng chế mới.

Lắp chuông cho Tỉnh Đoàn

Hoàng Lê Hải Thanh, dân tộc Tày, không chỉ được thầy cô và bạn bè quý mến vì nhanh nhẹn, nhiệt tình mà còn bởi tính sáng tạo trong học tập và niềm đam mê công nghệ.

Năm 2012, Hải Thanh nghe tin Liên hiệp Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo, Khoa học - Công nghệ tổ chức Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Đắk Lắk lần thứ nhất, em mạnh dạn xin phép thầy giáo phụ trách môn Vật lý thực hiện đề tài “Thiết kế chuông báo giờ học tự động”. Sáng tạo của Thanh đã đoạt giải nhì cuộc thi.

Hải Thanh cho biết: “Lâu nay, hầu hết các trường học đều đang sử dụng chuông bấm, kẻng, trống… để báo giờ, phải có người canh giờ bấm chuông nên độ chính xác không cao”. Từ đó, Thanh nảy sinh ý tưởng chế tạo chiếc đồng hồ báo giờ tự động, sử dụng 1 cái rơ le và 1 đồng hồ tự ngắt điện. “Với chiếc chuông báo giờ này rất dễ mua phụ kiện, ít tốn kém, lắp đặt đơn giản, dễ sửa chữa và có thể sử dụng phổ biến trong các trường học, xí nghiệp, nhà xưởng. Người sử dụng chỉ cần cài đặt giờ, chuông sẽ thực hiện đúng lệnh. Sắp tới đây, chiếc chuông của em sẽ được lắp đặt tại trụ sở Tỉnh Đoàn Đắk Lắk”, Thanh khoe.

Máy phát điện tí hon

Cùng học lớp 12 chuyên Lý với Hải Thanh, đôi bạn Huỳnh Chí Hiệp và Hồ Quang Duy cũng vừa giành giải Ba Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ IX (2012 - 2013) với “thí nghiệm về hiện tượng cảm ứng điện từ”.

Mô hình máy phát điện bằng cảm ứng điện từ
Mô hình máy phát điện bằng cảm ứng điện từ.

Vận dụng lý thuyết đã học, Duy và Hiệp tự tìm các linh kiện gồm bốn đĩa CD, hai cuộn dây đồng, bốn viên nam châm, bốn đèn led nhỏ để chế tạo “máy phát điện từ hiện tượng cảm ứng điện từ”.

“Mục đích ban đầu của bọn em khi làm thí nghiệm này là để giải thích hiện tượng cảm ứng điện từ được học trong chương trình phổ thông bằng cách chứng minh được một cuộn dây điện với nam châm vẫn có thể phát điện”, Duy nói.

Chiếc máy phát điện tí hon được các bạn cùng lớp, trong trường yêu thích và thường xuyên dùng để thực hành.

Ba cậu học trò sáng chế Thanh, Hiệp, Duy.
Ba cậu học trò sáng chế Thanh, Hiệp, Duy.

Đam mê công nghệ, 3 nhà sáng chế tuổi học trò Thanh, Hiệp, Duy còn ấp ủ nhiều ý tưởng nghiên cứu sản phẩm công nghệ ứng dụng khác. Hải Thanh tự mày mò nghiên cứu về Java, hệ điều hành điện thoại IOS, Android, Black Berry và đã có thể chỉnh sửa một số phần mềm của điện thoại.

“Em yêu thích công nghệ thông tin và điện tử nên sẽ phấn đấu trở thành lập trình viên chuyên viết phần mềm cho điện thoại thông minh”, Hải Thanh chia sẻ.

Thầy Nguyễn Ngọc Thái, giáo viên Vật lý của lớp cho biết, cả 3 bạn Thanh, Duy, Hiệp tuy không là thành viên đội tuyển thi quốc gia môn Vật lý nhưng đều là những học sinh rất linh hoạt trong việc vận dụng lý thuyết đã học vào thực tế và đam mê công nghệ.

Hải Thanh là học sinh dân tộc thiểu số hiếm hoi thể hiện sự năng nổ trong học tập và xông xáo trong các phong trào, muốn trở thành sinh viên công nghệ thông tin. 

Chí Hiệp dù vẫn thường xuyên đi làm rẫy phụ bố mẹ nhưng khi đi học lại rất có ý thức, học đều tất cả các môn và hướng tới ngành điện tử của Đại học Bách khoa. Quang Duy tích cực tham gia mọi phong trào của lớp từ văn nghệ, thể thao, phấn đấu thi vào trường Đại học Ngoại thương. Ba nhà sáng chế là niềm tự hào của lớp chuyên Lý và của nhà trường .

Các thầy cô tổ bộ môn trong trường đánh giá cao hai sản phẩm nghiên cứu của ba cậu học trò, đặc biệt với chuông báo giờ tự động của Thanh, bởi sáng tạo này phải kết hợp kiến thức nhiều lĩnh vực, am hiểu công nghệ thông tin mới làm được.

 

Theo Lê Hường - Huỳnh Thủy

Tiền Phong