Học Toán để làm gì? Học Toán để làm giàu!

(Dân trí) - GS Vũ Hà Văn, TS Trần Nam Dũng, kỹ sư Nguyễn Anh Nguyên nhấn mạnh động cơ chính đáng, thực tế để học Toán: học để làm giàu.

Ngày 17/9, tại trường quốc tế châu Á Thái Bình Dương (APC) đã diễn ra Ngày hội Toán học nhỏ do Viện nghiên cứu cao cấp về toán bảo trợ chuyên môn và các công ty, tổ chức giáo dục tại TPHCM và Hà Nội đồng tổ chức.

Tâm điểm của ngày hội là buổi toạ đàm “Học toán: Để làm gì? Học những gì? Học như thế nào?” với sự tham gia của 4 vị khách mời: GS. Vũ Hà Văn (GS Đại học Yale, Hoa Kỳ), kỹ sư Nguyễn Anh Nguyên (thủ khoa đầu ra ĐH Bách khoa TP.HCM, công tác trong lĩnh vực sản xuất, phân phối), nhà báo Phạm Hy Hưng (nguyên Phó TBT báo Sài Gòn tiếp thị) và TS. Trần Nam Dũng (giảng viên khoa Toán - Tin học trường Đại học khoa học tự nhiên).

Buổi toạ đàm mở đầu với câu hỏi “Học toán để làm gì?” dành cho các diễn giả.

Các diễn giả tranh luận mục đích của việc học Toán tại Ngày hội Toán học nhỏ.
Các diễn giả tranh luận mục đích của việc học Toán tại Ngày hội Toán học nhỏ.

Theo GS Vũ Hà Văn, cơ bản có 4 động cơ học toán. Một là học toán cho cuộc sống hàng ngày, tức là cộng trừ nhân chia, tính chi phí, lãi suất, phần trăm … Cái này ai cũng phải học. Hai là toán giải trí, toán thể thao, tức là toán olympic. Loại toán này giúp người giải rèn khả năng vượt qua khó khăn, có cảm giác sung sướng khi giành chiến thắng. Toán này ai thích thì tham gia, thường là 5-10%. Ba là, học toán để thông minh hơn, để rèn luyện tư duy logic.

“Cuối cùng, học toán để làm việc kiếm tiền. Ngoài một số ít làm toán chuyên nghiệp thì các ngành nghề khác cũng cần toán (ở mức độ khá chuyên sâu): bác sỹ, kỹ sư, kiến trúc sư, nghiên cứu thị trường, nghiên cứu xã hội học, an toàn thông tin, bảo mật thông tin, lưu trữ dữ liệu, xử lý tín hiệu, nông nghiệp, ngư nghiệp…”, GS Vũ Hà Văn nhấn mạnh vai trò của Toán học trong việc tạo giá trị kinh tế.

Buổi tọa đàm bắt đầu nóng lên với câu hỏi “Tại sao phải học đạo hàm, tích phân, logarit? Tôi thấy trong công việc của tôi, cộng trừ nhân chia là quá đủ”.

TS Trần Nam Dũng quan điểm: “Nếu chỉ học cộng trừ nhân chia thôi thì tất nhiên ta vẫn sống được. Nhưng nếu bạn là người tham gia vào sản xuất, phân phối, dịch vụ thì bạn sẽ góp phần đưa nền kinh tế nước ta với thời kỳ 1.0, 1.5 hay cùng lắm là 2.0, trong khi thế giới đã bước sang thời kỳ 4.0”.

TS Dũng nêu ra một ví dụ: Giá một kg cà phê chỉ khoảng 5-7USD. Nước ngoài mua về, chế biến thành sản phẩm, có mẫu mã đẹp, có thể bán (giá xuất xưởng) lên đến 100 USD. Vậy là trong 100 USD đó, người trồng cà phên chỉ được 5%. Ta phải học để tăng tỷ trọng miếng bánh của mình trong miếng bánh chung, không để nước ngoài “bóc lột”.

Kỹ sư Nguyễn Anh Nguyên tiếp tục với một ví dụ khác “Đơn giản chỉ là bài toán lưu kho. Xếp đặt hàng hoá tối ưu có thể tiết kiệm được quãng đường di chuyển của xe nâng, từ đó làm giảm số lượng xe cần sử dụng, dẫn đến tiết kiệm nhân công, xăng xe, giảm lượng khí thải vào môi trường. Và mỗi năm có thể tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng. Nếu chỉ biết cộng trừ nhân chia thì không giải quyết được bài toán vận trù học đó”.

Không chỉ dừng lại ở những mức tiết kiệm vài chục tỷ đồng. Toán học ở mức cao còn có thể tạo ra những sản phẩm trị giá hàng tỷ đô-la. Đơn cử công thức cosine similarity, một công thức toán học rất đơn giản là cơ sở toán học của 4 công ty hàng đầu thế giới: Amazon, Facebook, Google, Netflix. Tất nhiên, từ công thức “lõi”, các chuyên gia của họ sẽ phát triển thêm thành các công thức nâng cao có tính đặc thù (và trở thành bí quyết công nghệ). Điều này cũng lý giải vì sao nhiều nhà toán học được các công ty công nghệ tuyển mộ. Đơn cử như TS Lê Viết Quốc hiện làm việc cho Google, hay GS Vũ Hà Văn cũng đã từng 2 năm làm cho một dự án của Microsoft.

Cuộc toạ đàm diễn ra với nhiều câu hỏi thú vị và hóc búa khác như: “Thông minh thì học giỏi toán hay học toán để thông minh hơn?”, “Người giỏi toán dường như chỉ biết làm toán, không biết làm ứng dụng?”, “Tại sao học sinh Việt Nam thi toán quốc tế giỏi thế mà nền toán học Việt Nam lẹt đẹt?”, “Có phải chúng ta đang dạy toán theo kiểu luyện gà nòi?”, “Người học toán xong có thể làm những ngành nghề gì”. Các vị khách mời, như các dũng tướng trên chiến trường đã tả xung hữu đột trả lời các câu hỏi của hội trường một cách nhiệt tình, đầy tâm huyết.

Cuối cùng, kỹ sư Nguyễn Anh Nguyên, một người mà dù đã 49 tuổi vẫn một tuần 2 buổi tối xách máy tính đi học Đại số tuyến tính và Xác suất thống kê đã chia sẻ với các bạn trẻ những lời tâm huyết “Lúc này, khi còn đang học đại học, các bạn phải gắng học cho thật tốt. Nhưng ngay cả khi ra trường 5-7 năm, thậm chí 15-20 năm, các bạn vẫn phải tiếp tục học. Thế giới này biến đổi nhanh lắm. Người không học sẽ mãi mãi tụt hậu và đói nghèo. Chỉ có học tập không ngừng mới giúp ta vươn lên, làm giàu cho bản thân và cho đất nước”.

TS. Trần Nam Dũng

Phó TBT Tạp chí Toán học Pi

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm