Học tiếng Anh ở độ tuổi nào là phù hợp nhất?

Việc xác định xem ở độ tuổi nào thì trẻ em học ngôn ngữ tốt nhất đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm từ lâu. Nhưng nhìn chung, trẻ em bình thường xét ở các góc độ tâm sinh lí và ngôn ngữ đều có khả năng học ngoại ngữ nếu sớm được tiếp xúc, trong điều kiện thuận lợi.

Tiến sĩ Phạm Đăng Bình- Khoa Ngôn ngữ và văn hoá Anh Mỹ - Đại học Ngoại ngữ- ĐHQG Hà Nội đã đưa ra nhiều kết quả nghiên cứu trên thế giới về khả năng học ngôn ngữ của trẻ em.

 

Việc xác định xem ở độ tuổi nào thì trẻ em học ngôn ngữ tốt nhất đã được nhiều nhà nghiên cứu thuộc các lĩnh vực khác nhau trên thế giới quan tâm nghiên cứu từ những năm 60. Kết quả nghiên cứu của các nhà sinh lí học thì cho rằng sự phát triển của não bộ ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển ngôn ngữ của trẻ. Các nhà tâm lý học thì cho rằng: Trẻ em học ngôn ngữ tốt hơn vì ít dựa vào các cách giải thích ngữ pháp và khả năng tư duy miễn dịch. Còn các nhà ngôn ngữ học khẳng định: Khả năng song ngữ không ảnh hưởng đến sự phát triển trí thông minh.

 

Có thể hơn các trẻ khác vì dễ hình thành khái niệm hơn và linh hoạt hơn về trí tuệ. Tựu chung lại thì trẻ em bình thường xét ở các góc độ tâm sinh lí và ngôn ngữ đều có khả năng hấp thụ một hoặc hai ngoại ngữ nếu sớm được tiếp xúc với các ngôn ngữ đó trong điều kiện thuận lợi. Trẻ em Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.

 

Từ những dẫn chứng đó ông Bình cho rằng: Chúng ta nên cho học sinh (HS) làm quen với tiếng Anh càng sớm càng tốt. Ở những nơi có điều kiện nên cho trẻ học ngay từ các lớp mầm non (tức là từ 3 tuổi) thì càng tốt và vì thế, không nên cấm dạy tiếng Anh cho trẻ em ở các trường tiểu học. Nếu chúng ta bỏ qua giai đoạn học ngoại ngữ dễ dàng nhất này của trẻ, thì đây sẽ là một sự lãng phí về nhân tài và chất xám rất lớn.

 

Mục tiêu hiện nay mà Bộ GD-ĐT đặt ra đối với việc dạy học tiếng Anh ở bậc tiểu học:

 

- Bước đầu hình thành cho HS các kĩ năng giao tiếp cơ bản, đơn giản bằng tiếng Anh trong giao tiếp hàng ngày ở nhà trường, gia đình và môi trường xã hội gần gũi với HS tiểu học; kĩ năng nghe, nói, đọc, viết; trong đó nhấn mạnh hai kĩ năng nghe và nói

 

- Cung cấp cho HS những kiến thức cơ bản, đơn giản về tiếng Anh, giúp HS bước đầu có những hiểu biết về đất nước, con người, nền văn hoá của một số nước nói tiếng Anh

 

- Góp phần hình thành cho HS thái độ tích cực đối với tiếng Anh, thông qua việc học tiếng Anh HS có thêm hiểu biết và tình yêu đối với tiếng Việt. Việc dạy học môn tiếng Anh cũng góp phần hình thành phương pháp học tập và phát triển nhân cách, trí tuệ của HS.

Lợi ích của việc dạy ngoại ngữ ngay từ lứa tuổi HS tiểu học đã được khẳng định. Vấn đề là chúng ta tổ chức việc dạy học như thế nào mà thôi, nghĩa là điều kiện để cho việc học tiếng Anh có hiệu quả cũng quan trọng không kém. TS Jayne Moon - Giảng viên của Hội đồng Anh còn khẳng định: Vấn đề cốt yếu là điều kiện thích hợp chứ không phải là độ tuổi bắt đầu. Các điều kiện thích hợp đó là: Giáo viên (GV) được đào tạo tốt, thông thạo tiếng Anh; Chương trình và tài liệu giảng dạy phù hợp với các lứa tuổi; Đủ thời gian và cường độ đồng thời đảm bảo tính liên tục và chuyển tiếp.

 

Kết quả điều tra việc dạy và học tiếng Anh ở bậc tiểu học ở một số tỉnh, thành phố của Việt Nam do TS Jayne Moon tiến hành cũng cho thấy: Các điều kiện chưa thích hợp để nhân rộng việc dạy tiếng Anh cho trẻ em. Nếu mở rộng quá nhanh mà không có các điều kiện tương ứng có thể dẫn tới sự thất vọng, HS và GV cũng do đó sẽ mất nhiệt tình, hứng thú trong việc dạy- học và gây lãng phí nguồn nhân lực.

 

Chính vì lý do đó, TS. Jayne Moon đưa ra những gợi ý để lấp những “khoảng trống” về điều kiện để đưa tiếng Anh vào giảng dạy trong trường tiểu học hiện nay. Theo bà, cái mà các nhà trường TH cần, đó là: Xây dựng kiến thức chuyên sâu địa phương về dạy tiếng Anh cho trẻ em giữa các GV, những người xây dựng chương trình giảng dạy, các viên chức trong ngành GD địa phương; Cung cấp hướng dẫn về chương trình giảng dạy tiếng Anh cho trẻ em; Thử nghiệm với nhiều chương trình và phương pháp dạy học khác nhau; Phát triển các khoá đào tạo cho việc dạy tiếng Anh cho trẻ em; Đào tạo GV tiếng Anh tiểu học hiện có cho việc dạy tiếng Anh cho trẻ em; Phát triển các tài liệu học tập phù hợp.

 

Những gợi ý này của bà Jayne Moon cũng cùng chung quan điểm với các nhà quản lý và chuyên môn trong nước. TS Phạm Đăng Bình nói: Để có kết quả tốt chúng ta cần phải đào tạo lại đội ngũ GV hiện nay sao cho họ hiểu được quá trình học sẽ khác rất nhiều với quá trình thụ đắc ngôn ngữ thứ hai. Mặt khác, hệ thống chương trình, giáo trình và cách kiểm tra đánh giá cũng phải thay đổi một cách đồng bộ theo hướng dạy học tích cực lấy người học làm trung tâm.

 

Điều quan trọng nữa là  nhà nước phải tạo điều kiện đầu tư vào các trường có khả năng đào tạo mũi nhọn để có kinh nghiệm dạy song ngữ theo kiểu khoán 10 ở Vĩnh Phúc. Sau đó sẽ rút kinh nghiệm và cho triển khai đại trà trên phạm vi rộng khắp. Rất nên tránh tình tạng không quản lý được là cấm dạy như hiện nay.

 

Đối với các trường không đủ điều kiện dạy theo đúng yêu cầu đổi mới, các nhà quản lý có thể cho tạm dừng việc dạy tiếng Anh để chuẩn hoá lại các điều kiện.

 

Một trong những lộ trình của Đề án giảng dạy ngoại ngữ trong hệ thống GD quốc dân mà Viện Chiến lược và chương trình GD- Bộ GD- ĐT đang xây dựng đó là: Từ năm 2008 triển khai dạy chương trình tiếng Anh 10 năm từ lớp 3 liên tục cho đến lớp 12 ở các thành phố lớn cũng như các địa phương có nhu cầu và đủ điều kiện. Dự tính đến 2019 sẽ phủ kín chương trình tiếng Anh 10 năm trong toàn quốc...

  

Theo Mai Nguyễn

Giáo Dục Thời Đại