Học Tiếng Anh hay một chặng đường tư duy?
Bà Phạm Thị Cúc Hà, Thạc sỹ Giáo dục từ Úc, người có nhiều năm kinh nghiệm trong giáo dục và đào tạo Tiếng Anh cho trẻ từ các độ tuổi cho hay: Để thành công khi đi du học nước ngoài, tiếng Anh là chìa khóa, là yếu tố quan trọng hàng đầu. Nhưng nó vẫn chỉ là công cụ để tiếp thu kiến thức.
Phụ huynh K.D. cho hay: “Con muốn đi du học nước ngoài sớm, tôi bảo con: Con thi IELTS đi đã nhé, 8.0 thì mẹ cho đi. Đứa học sinh lớp 10 sau hai tháng học format thi IELTS mang về luôn cho mẹ IELTS 8.0 ngay từ lần thi đầu tiên. Còn bảo: tại đề thi viết là “Vì sao phụ nữ ngày nay lại thường sinh con muộn”, một đứa 15 tuổi như con biết viết gì về điều này, nên điểm viết của con bị kéo xuống chứ không kết quả còn tốt hơn nữa.” Có lẽ vậy thật, vì điểm các phần thi khác của cháu gần như tuyệt đối.
Như thế, chúng ta cũng có thể thấy được một vấn đề là: học sinh chúng ta có thể hơi thiếu hiểu biết một chút về các đề tài xã hội, hoặc đề thi IELTS có lẽ chưa đáp ứng được tiêu chí công bằng cho độ tuổi và giới tính mà một bài thi từ một chương trình học thuật thực thụ sẽ làm được. Đương nhiên đó là một bài viết để kiểm tra trình độ Tiếng Anh, chứ không phải sự hiểu biết và kiến thức khoa học - xã hội, nhưng ngôn ngữ và nội dung (kiến thức) khó mà tách rời nhau được. Vì thế nên ta thấy sự hạn chế của các bài thi chuẩn, và đặc biệt là việc học Tiếng Anh mang tính “đối phó” với chúng.
Để thành công khi đi du học nước ngoài, tiếng Anh là chìa khóa, là yếu tố quan trọng hàng đầu. Nhưng nó vẫn chỉ là công cụ để tiếp thu kiến thức. Nhưng, ở đây, không đơn giản chỉ là công cụ ngôn ngữ hay giao tiếp, nó là công cụ của tư duy, công cụ của nghiên cứu và đào sâu vào kiến thức, công cụ để có được sự tự tin. Bạn sẽ tự tin hơn nếu ngôn ngữ của bạn tốt. Bài làm và kiến thức của bạn sẽ sâu hơn nếu bạn đọc được nhiều cuốn sách về cùng một chủ đề thay vì 1 cuốn sách. Quan trọng hơn nữa, nếu chúng ta học tiếng Anh không đơn giản như học từ, câu, ngữ pháp, và học tủ để đối phó với các kỳ thi, mà học như một công cụ tư duy, chúng ta có cơ hội để thành công cao hơn trong mọi lĩnh vực trong học tập và cuộc sống, không chỉ đơn giản là tiếng Anh.
Theo bà Phạm Thị Cúc Hà, Thạc sỹ Giáo dục từ Úc, người có nhiều năm kinh nghiệm trong giáo dục và đào tạo Tiếng Anh cho trẻ từ các độ tuổi, các chặng đường học Tiếng Anh của trẻ có thể được chia như sau:
Tiếng Anh với trẻ nhỏ: Học Tiếng Anh là như phát triển một con người toàn diện thông qua các hoạt động: các trò chơi, câu truyện, các hoạt động với đồ vật, những câu hỏi khơi gợi và khám phá quanh chủ đề, sự chồng dần lên kiến thức cho trẻ, xây dựng tính cách và sự tự tin, sự quan tâm sở thích sự tò mò cho trẻ để trẻ có thể thể hiện ý tưởng bằng ngôn ngữ. Khi bạn nghĩ tới việc một đứa trẻ được phát triển tự nhiên để có thể độc lập tự chủ trong mọi lĩnh vực: nhận thức, tình cảm xã hội, hành vi, ngôn ngữ, sáng tạo, thể chất phù hợp với độ tuổi của trẻ... bạn hãy nghĩ rằng phát triển Tiếng Anh cho con bạn cũng vậy.
Tiếng Anh với tuổi thiếu niên/cấp 2: Học Tiếng Anh như công cụ để học tập và tư duy để trình bày quan điểm của mình: Không có nghĩa là chúng ta sẽ cho học sinh kiểm tra từ vựng, ngữ pháp… mà là học sinh dùng ngôn ngữ đó để tìm hiểu, suy ngẫm về thế giới và các vấn đề xã hội, đi sâu vào các cách biểu hiện của ngôn ngữ qua các dạng “văn học”: sách, phim, ngôn ngữ quảng cáo từ đó học cách thể hiện ý tưởng của mình một cách sáng tạo và phản biện, là dung ngôn ngữ để thể hiện chứ không chỉ học cách thể hiện của ngôn ngữ đó. Điều này rất khác so với học Tiếng Anh truyền thống khi mà đôi khi chúng ta chỉ viết hay nói ra như thế vì ngôn ngữ chúng ta chỉ có thế để thể hiện, chứ không phải quan điểm của chúng ta là như thế. Việc này dẫn đến thi IELTS, nhưng không dẫn đến sự thành công trong học thuật, khi trọng tâm không phải là ngôn ngữ mà là quan điểm và thuyết phục người khác về quan điểm của mình. Và cấp 2 có lẽ là giai đoạn tốt để chuẩn bị cho nền tảng đó.
Tiếng Anh với tuổi cấp 3: Để định hướng nghề nghiệp và tương lai: Học sinh dùng ngôn ngữ Tiếng Anh để học các môn học có thể định hướng cho nghề nghiệp và tương lai của chúng, ví dụ như học Economics, Business…và hiểu hơn về khái niệm cũng như cách trình bày các luận điểm khoa học. Bên cạnh đó, phương pháp học và tư duy theo hướng “nghiên cứu” nhất thiết phải được hình thành trong giai đoạn này, vì học ở nước ngoài từ giai đoạn đại học đã phải sử dụng những tố chất nghiên cứu về vấn đề đang học để thật sự biến kiến thức thành của mình, với cách nhìn của mình, chứ không phải học thuộc trả bài “chữ thầy trả thầy” như cách chúng ta đang học Đại học ở Việt Nam.
Đó cũng chính là mấu chốt của CLIL, học ngôn ngữ và nội dung tích hợp nhau, đó cũng là cách mà học sinh sẽ có một trình độ Tiếng Anh bản ngữ nhất về mọi mặt cũng như về kiến thức. Cái quan trọng nhất vẫn không phải là bạn nhớ được bao nhiêu từ, bao nhiêu cấu trúc câu, mà là bạn sử dụng chúng thế nào cho phù hợp với bối cảnh và đạt được mục đích của việc giao tiếp, truyền tải thông tin. Và không có con đường tắt nào cả; đó là một chặng đường rèn luyện kỹ năng và tư duy.
Với mong muốn mang lại một cách học Tiếng Anh mới mẻ, sát với giáo trình chính thống bản xứ, SACE College Vietnam - đơn vị đối tác triển khai chương trình Trung học phổ thông chính thống của Nam Úc tại Việt Nam - đã thiết kế chương trình Tiếng Anh PreSACE mà nền tảng là môn Ngữ văn cấp 2 Nam Úc. Điểm khác biệt lớn nhất của chương trình là ở chỗ học Tiếng Anh mà thực ra là rèn luyện tư duy ngôn ngữ và các kỹ năng học thuật thật sự cần thiết, có tính ứng dụng cao và nội dung phù hợp với lứa tuổi của các em.
Quý phụ huynh và học sinh quan tâm xin mời đến tham dự hội thảo:
“PreSACE: Tiếng Anh toàn diện cho học sinh cấp 2 trình độ cao”
Văn phòng SACE, 17T7-17T8 Trung Hòa - Nhân Chính, Hà Nội
18h00 Thứ Tư 31/5/2017
Thông tin chi tiết có tại đây