"Học thông qua chơi" mang nhiều giá trị thiết thực trong giáo dục tiểu học
(Dân trí) - Dưới xu hướng của giáo dục hiện đại cùng triết lý lấy người học làm trung tâm, thế hệ trẻ được chú trọng phát triển phẩm chất và năng lực toàn diện. Hướng tiếp cận giáo dục "Học thông qua chơi" được triển khai, góp phần thực hiện mục tiêu này.
Học thông qua chơi là hướng tiếp cận giáo dục, ở đó học sinh được tương tác, trải nghiệm, khám phá và giải quyết vấn đề trong môi trường học tập vui vẻ.
Với sự tài trợ của Quỹ LEGO, dự án "Lồng ghép học thông qua chơi trong giáo dục tiểu học tại Việt Nam" (iPLAY) được Tổ chức VVOB hợp tác cùng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý Giáo dục, Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam triển khai từ năm 2019.
Sau 3 năm triển khai, dự án đã và đang đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục, phù hợp với yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Xây dựng hệ thống tài liệu chuyên môn về "Học thông qua chơi"
Đến nay, iPLAY đã đưa hướng tiếp cận học thông qua chơi đến Hà Giang, Thái Nguyên, Lai Châu, Nghệ An, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Đà Nẵng và TPHCM.
Trong hành trình lan tỏa, dự án đã biên soạn và xuất bản "Bộ tài liệu bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên tiểu học về học thông qua chơi". Hệ thống tài liệu gồm 2 quyển "Hướng dẫn tổ chức học thông qua chơi cấp tiểu học" và "Hướng dẫn bồi dưỡng giáo viên về học thông qua chơi".
Bộ tài liệu cung cấp những kiến thức chung về học thông qua chơi, các kỹ thuật và phương pháp để tổ chức các hoạt động lồng ghép học thông qua chơi.
Tài liệu cũng gợi ý một số kế hoạch bài dạy cùng bảng kiểm để giáo viên và cán bộ giáo dục đánh giá mức độ học thông qua chơi trong mỗi bài dạy. Song song đó giới thiệu lộ trình, nguyên tắc và hình thức tổ chức chương trình bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên về học thông qua chơi hàng năm.
Nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên
Tại các địa phương, dự án đã thực hiện các lớp tập huấn trực tiếp và trực tuyến cho cán bộ sở, phòng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), cán bộ quản lý nhà trường và giáo viên cốt cán các trường tiểu học. Ngoài ra, không chỉ riêng tại 8 tỉnh, thành phố trọng điểm, dự án cũng đã tổ chức các lớp tập huấn cho đại diện toàn bộ 55 tỉnh, thành phố cả nước để nhân rộng hướng tiếp cận giáo dục này.
Với một vài giáo viên, việc áp dụng trọn vẹn học thông qua chơi trong giảng dạy là cơ hội lẫn thách thức bởi nhiều nguyên nhân khách quan. Nhưng nhờ các buổi tập huấn, hệ thống tài liệu, họ đã dần dần khắc phục những khó khăn và ngày càng nhuần nhuyễn hơn trong việc áp dụng học thông qua chơi vào hoạt động dạy học hàng ngày.
Đã tham gia buổi hỗ trợ chuyên môn và thử nghiệm áp dụng tại lớp, cô Nguyễn Thị Huế - giáo viên tại trường Tiểu học Sa Lung, tỉnh Thái Nguyên - rất vui mừng vì được tìm hiểu toàn diện mục tiêu và yêu cầu của học thông qua chơi, cũng như có cơ hội nắm vững các phương pháp dạy học hiệu quả.
Cô chia sẻ: "Sau buổi tập huấn, tôi cảm thấy được nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ trong giảng dạy". Cô Huế cũng dự định giúp đỡ các đồng nghiệp áp dụng học thông qua chơi trong quá trình đứng lớp.
Lan tỏa nhận thức về "Học thông qua chơi" đến cha mẹ học sinh
Để học sinh phát triển toàn diện, bên cạnh nhà trường, gia đình cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục các em. Vì thế, sở, phòng GD&ĐT cùng trường học tại từng địa phương đã nỗ lực giúp cha mẹ học sinh nâng cao nhận thức về học thông qua chơi.
Cụ thể, hoạt động tuyên truyền học thông qua chơi đã được lồng ghép trong các sự kiện kết nối với cha mẹ học sinh: Chuỗi ngày hội "Học thông qua chơi" tại các trường tiểu học; 20.100 buổi họp phụ huynh với sự tham gia của 365.711 cha mẹ học sinh lớp 1, 2, 3 tại 810 trường tiểu học toàn quốc. Qua đó, cha mẹ có thể nhìn nhận cởi mở hơn về khái niệm "chơi" và trở thành người bạn đồng hành cùng con trên hành trình khai phá phẩm chất và năng lực cá nhân.
Chị Sầm Thị Liệu, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Thị trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang tâm sự: "Khi triển khai học thông qua chơi, mình có thể học hỏi các hoạt động ở trường để tổ chức cho các con ở nhà. Như vậy con sẽ hứng thú hơn".
Đồng hành cùng cha mẹ học sinh trong quá trình lan tỏa học thông qua chơi, thầy Huỳnh Thế Nhã - Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Chính Nghĩa, TPHCM - phấn khởi vì những tín hiệu khả quan: "Khi lắng nghe ý kiến của cha mẹ về những giờ học thông qua chơi của các em, tôi rất vui khi mô hình này được áp dụng đúng thời điểm để các em hào hứng hơn khi học".
VVOB dự kiến đến cuối năm 2023, học thông qua chơi sẽ tiếp cận hơn 14.695 trường tiểu học, 230.000 giáo viên, 681.000 học sinh và 1,4 triệu cha mẹ trên toàn quốc. Đồng thời hỗ trợ triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 một cách hiệu quả, vì một thế hệ công dân Việt Nam bản lĩnh, tiến bộ và có ích cho xã hội.